Bị truy tố về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và bị tạm giam, nhưng chỉ sau một tháng, bị can Nguyễn Thị Toàn lại được cho tại ngoại.
Khất lần, không trả
“Trong thời gian bị tạm giam, bị can Toàn xin thay đổi biện pháp tạm giam để có điều kiện khắc phục hậu quả trả nợ cho ông Hoa, nhưng thực tế từ khi được tại ngoại đến nay, bị can vẫn không thực hiện việc trả nợ như lời cam kết. Điều đó thể hiện thái độ ngoan cố, coi thường pháp luật của bị can Nguyễn Thị Toàn”. (trích Kết luận điều tra bổ sung số 17, ngày 4/5/2011 của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên)
Những lá đơn khiếu nại của ông Hoa gửi các cơ quan chức năng
Theo phản ánh của ông Đặng Lê Hoa (SN 1944, trú tại phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên), thông qua mối quan hệ quen biết, ngày 18/1/2008 ông cho bà Nguyễn Thị Toàn (SN 1956, trú tại Thái Nguyên, kinh doanh thép) vay số tiền 19 tỷ đồng (tròn số) với lãi suất 1%/tháng. Đến hẹn, ông Hoa đã nhiều lần có văn bản đốc thúc bà Toàn trả nợ, nhưng bà Toàn khất lần, không chịu trả. Trước hành vi của bà Toàn, ông Hoa đã làm đơn gửi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên, tố cáo bà Toàn chiếm đoạt tiền của mình.
Sau khi nhận được đơn tố cáo, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên đã vào cuộc và kết luận bà Nguyễn Thị Toàn có hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Được biết, tại CQĐT bị can Toàn đã thừa nhận việc vay mượn số tiền trên của ông Hoa và đã cho Nguyễn Thị Dung- Kế toán HTX Công nghiệp Toàn Diện (bị can Toàn là Chủ nhiệm HTX- PV) nhận tiền mặt. Số tiền này được nộp vào tài khoản của Công ty Cổ phần kim khí Hưng Yên (bị can Toàn là Tổng giám đốc- PV), có phiếu thu theo quy định nên trách nhiệm trả nợ số tiền này phải thuộc về Công ty.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu được biết, những lời khai trên của bà Toàn là không đúng. Ngày 18/1/2008, ngay sau khi được ông Hoa cho vay 19 tỷ đồng, bà Toàn đã chỉ đạo kế toán Dung đến ngân hàng nhận tiền rồi chuyển vào tài khoản của HTX Công nghiệp Toàn Diện –mở tại Ngân hàng Đầu tư phát triển Thái Nguyên. Cùng ngày, bà Toàn làm thủ tục rút 500 triệu đồng tiền mặt và chuyển 4,5 tỷ đồng trả nợ cho Ngân hàng Đầu tư phát triển Thái Nguyên. Còn lại 14 tỷ đồng, bà Toàn đã chuyển vào tài khoản cá nhân tại Ngân hàng Đầu tư phát triển tỉnh Bắc Ninh.
Khi biết CQĐT vào cuộc, bị can Toàn đã viết thêm một số nội dung không có thật vào các văn bản, giấy tờ (như biên bản làm việc, phiếu thu tiền, sổ theo dõi quỹ tiền mặt) nhằm không thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ông Hoa, đùn đẩy trách nhiệm trả nợ ông Hoa cho phía Công ty Cổ phần kim khí Hưng Yên.
Điều bất bình thường
Trước hành vi của bị can Toàn, ngày 8/6/2009 Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng này về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, một tháng sau khi bị tạm giam, bị can Toàn đã được cho tại ngoại trong sự ngỡ ngàng của bị hại và dư luận địa phương. Chính vì được tại ngoại, bị can Toàn đã có đủ thời gian để tẩu tán tài sản, chây ì việc trả nợ. “Thậm chí, trong khi điều tra vụ án, ngày 28/7/2010, bị cáo Toàn đã chuyển nhượng phần lớn cổ phẩn của mình tại Công ty mà vẫn không trả nợ vay cho ông Hoa. Đây là biểu hiện của việc tẩu tán tài sản”- Trích bản án số 29/2011/HSST ngày 7/10/2011 của TAND tỉnh Thái Nguyên (bị cáo Toàn đã bị đưa ra xét xử sơ thẩm và bị tuyên phạt 15 năm tù giam về tội danh trên).
Rõ ràng, việc bà Toàn vay 19 tỷ đồng của ông Hoa là có thật. Thế nhưng, thay vì trả nợ, bị cáo này lại tìm mọi thủ đoạn để trốn tránh nghĩa vụ việc trả nợ cho nạn nhân. Hành vi của bị cáo Toàn bị VKSND tỉnh Thái Nguyên truy tố ở tội danh có khung hình phạt cao nhất là chung thân. Trên thực tế, xét hành vi của bị cáo này là đặc biệt nguy hiểm nên TAND tỉnh Thái Nguyên đã tuyên phạt Toàn mức án 15 năm tù giam, yêu cầu bị cáo phải trả 19 tỷ đồng tiền vay mượn cùng với 13 tỷ đồng tiền lãi.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Lê Hoa cho rằng, ông và bị cáo Toàn đều là những doanh nghiệp làm ăn ở tỉnh Thái Nguyên. Khi biết bà Toàn khó khăn về vốn, ông đã mở lòng cho bà này vay vốn. Vậy mà đến hẹn nữ doanh nhân này lại tìm cách “xù”.
Theo ông Hoa, việc bà Toàn được cho tại ngoại chỉ sau hơn một tháng bị bắt tạm giam là điều bất bình thường, nó đã tạo điều kiện cho bà này có thời gian tẩu tán tài sản, gây khó khăn cho việc thi hành án sau này. “Tôi không biết ai đã đứng đằng sau dung túng cho Toàn nhưng rõ ràng việc cho bị cáo tại ngoại đã khiến nữ doanh nhân này có đủ thời gian, điều kiện để tẩu tán tài sản của mình, nhằm trốn tránh việc trả nợ. Thực tế cho thấy, ngay sau khi được tại ngoại, Toàn đã bán cổ phần của mình tại Công ty Cổ phần kim khí Hưng Yên cho người khác và đơn vị này đã đổi tên thành Công ty cổ phần kim khí Sóc Sơn”, ông Hoa bức xúc nói.