Bồn bồn còn được gọi là cỏ nến, là loài thực vật sống ở vùng đất ngập nước phát triển trong ao hồ hoặc mé sông - nơi có dòng chảy chậm. Ở miền Tây bồn bồn mọc nhiều tại các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu.
Dọc quốc lộ 1A ở huyện Cái Nước (Cà Mau), nông dân trồng bồn bồn kết hợp với mô hình nuôi tôm, cá mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn độc canh con tôm hay trồng lúa. Bồn bồn có vai trò điều hòa sinh thái nên nông dân không cần sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật hay thuốc chữa bệnh cho tôm, cá trong ao có trồng bồn bồn.
Mùa mưa miền Tây bắt đầu từ tháng 5 cũng là mùa thu hoạch bồn bồn kéo dài đến cuối năm. Sau khi nhổ bồn bồn mang về nhà, người dân cắt lấy phần có lõi non từ dưới gốc lên khoảng 30 cm.Sau đó dùng dao nhỏ chẻ dọc theo 1/3 thân cây bồn bồn để tách lấy lõi non bán với giá 20.000-25.000 đồng một kg.
Nông dân xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước (Cà Mau) cho biết, bình quân một ha bồn bồn mỗi tháng thu hoạch được khoảng 1,4-1,5 tấn lõi non, trừ chi phí thuê người nhổ và lột lấy lõi thu lãi khoảng 20 triệu đồng.
Những hộ không đất sản xuất thì mua lõi bồn bồn mang về làm sạch thêm một lần nữa, tức cắt bỏ phần đầu hoặc một ít gốc già cứng để làm dưa chua hoặc bán lại lõi non bồn bồn tươi sống cho du khách mang về xào tép, nấu canh chua.
Dưa bồn bồn được bán kèm với mắm ruốc dọc theo quốc lộ 1A là 2 loại đặc sản của huyện Cái Nước, Cà Mau.
Những cọng dưa được ngâm với nước vo gạo ủ 2-3 ngày có vị chua, giòn, giá 40.000 đồng mỗi kg.
Mắm ruốc giá 30.000-40.000 đồng mỗi hủ lớn, nhỏ. Mắm có vị mặn đậm đà, thơm mùi ruốc biển được du khách mua về trộn thêm chanh đường để ăn cùng dưa bồn bồn.
Dưa bồn bồn còn chấm với cá kho ăn cơm rất ngon. Nếu dùng không hết, dưa bồn bồn được ngâm trở lại tô nước vo gạo ủ chua để dành ăn nhiều ngày.