Học trò mặc áo lính
Năm 1967, chưa đầy 14 tuổi, Mai Thành Minh từ bỏ áo học trò, khoác lên mình đồng phục người lính.
Ngày 23/2/1969, trong trận đánh vào kho đạn giặc tại Đà Nẵng, cậu học trò khoác áo lính đã bị địch bắt.
Mô tả ảnh.
Mai Thành Minh (ngoài cùng từ trái qua) trong một buổi lãnh đạo huyện Đức Trọng tới chúc mừng nhân ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
Không khai thác được gì ở người tù trẻ tuổi này, 1 năm sau địch đem ông ra Toà án Quân sự Mặt trận vùng 1 chiến thuật của Mỹ, xử 10 năm tù khổ sai và đày ra Côn Đảo vào tháng 1/1970, khi đó Mai Thành Minh chưa tròn 16 tuổi.
Nhà tù Côn Đảo được mệnh danh là “địa ngục trần gian” với những hình thức tra tấn man rợ cả về tinh thần lẫn thể xác. Ra Côn Đảo, ông vẫn tiếp tục đấu tranh, không chịu dự lễ chào cờ của giặc.
Ông tâm sự: “Ở Côn Đảo tôi đã được nếm mùi tất cả các hình thức tra tấn dã man của quân thù. Đây là một nhà tù biệt lập nằm giữa biển khơi nên việc tra tấn tù nhân, đặc biệt là tù chính trị rất khốc liệt. Dù có khổ cực thế nào tôi cũng không bao giờ chào quốc kỳ của quân xâm lược”.
Những trận tra tấn kinh hoàng ở “địa ngục trần gian”
Những người tù chính trị bị đày ra Côn Đảo hàng ngày phải đối mặt với những trận mưa đòn đến ngất xỉu. Người “cứng đầu” như ông Minh thường bị quân địch treo ngược chân lên trời để “lấy cung” hoặc xích tay chân phơi ngoài trời nắng. Những vết thương trên cơ thể người tù không bao giờ có thuốc điều trị, những vết thương còn bị rắc vôi bột vào cho thêm lở loét.
Không khuất phục được ý chí của người học trò mặc áo lính, địch đưa ông vào giam ở hầm đá (tức xà lim) trại 2 (nay là trại Phú Sơn - Côn Đảo), rồi chuyển sang chuồng cọp, chuồng bò và điều đi làm khổ sai. Ông kể: “Tôi tưởng mình đã chết từ thời đó. Không biết vì sao mình có thể vượt qua”.
Những thanh sắt dùng để cùm chân, tay tù chính trị tại Côn Đảo
“Nơi giam tôi được thiết kế như một nhà mồ, ban ngày nhiệt thấm vào đá nóng như đốt lửa, đêm hơi lạnh cắt vào da thịt. Xà lim suốt ngày đóng cửa kín bưng, chân bị xích một chỗ không nhúc nhích được.
Ngày cũng như đêm xung quanh chỉ là một bóng tối đặc quánh, đồ ăn chỉ có hai nắm cơm đầy sạn để cầm hơi. Tình trạng vệ sinh vô cùng tồi tệ, 6 tháng ở xà lim không được tắm rửa, quần áo tôi mục nát. Khi ra ngoài chân tay bị tê liệt, mắt mờ không thể đi được”.
Giữa năm 1970, đoàn Dân biểu Mỹ trong đó có Tom Harkin (lúc đó là nhân viên trợ lý tại Quốc hội Mỹ) và nhà báo Don Luce đã phát hiện ra chuồng cọp tại Côn Đảo. Bài báo công bố sau đó đã gây chấn động thế giới về sự tra tấn man rợ tù nhân ở Côn Đảo.
Theo đề xuất của phái đoàn dân biểu Mỹ, nhiều tù nhân chưa đủ tuổi vị thành niên đã được đưa vào đất liền. Năm 1971, ông Minh được đưa về giam tại khám Chí Hòa (Sài Gòn).
Tự mổ bụng
Không lâu sau, ông Minh lại bị chuyển về giam giữ tại Trung tâm Giáo huấn Thiếu nhi Đà Lạt. Tại đây, hàng ngày những thiếu niên dũng cảm luôn bị quản giáo lôi ra đánh đập với nhiều hình thức tra tấn dã man.
Trong trại giam, nhiều đồng đội của Mai Thành Minh ngày càng kiệt sức vì những trận đòn roi tàn ác, đói khát. Ông Minh liền bàn với một số bạn tù thân cận lên kế hoạch tự mổ bụng nhằm phản đối kẻ thù và gây áp lực buộc chúng phải ngừng ngay mọi sự tra tấn, nhất là đánh động cho dư luận thế giới biết sự thật về một "địa ngục" được núp dưới tên gọi Trung tâm Giáo huấn Thiếu nhi Đà Lạt.
Trong lúc cả nhóm tù đang lo lắng vì chưa biết tìm đâu ra dụng cụ để tự mổ bụng thì một người tù đã nhặt được một dao lam hoen gỉ ném bỏ trong khuôn viên trại giam của viên quản giáo. Sau một thời gian lên kế hoạch kỹ lưỡng, ngày 12/11/1971, đồng đội đã nhất trí để ông Mai Thành Minh, khi đó chưa đầy 18 tuổi, tự... mổ bụng mình.
Ông Minh kể lại: "Tôi cứ cắn chặt răng liên tục cào rạch, chung quanh tôi là hàng chục người tù gào thét inh ỏi làm cả trung tâm náo loạn. Ít phút sau thì tôi ngất xỉu không còn biết gì nữa".
Thấy máu ra nhiều, lại lòi cả ruột ra ngoài, sợ thông tin này lọt ra ngoài sẽ bị quốc tế lên án, địch bí mật chuyển ông đi bệnh viện khâu vá vết thương. Hành động dũng cảm của ông Minh đã làm tăng thêm lòng căm thù quân địch của những người tù trẻ tuổi đang bị giam giữ tại Trung tâm Giáo huấn Thiếu nhi Đà Lạt.
Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt nơi ông Minh tự mổ bụng phản đối quân địch tra tấn dã man tù chính trị
Ngày 1973, ông Minh lại bị chuyển sang giam tại Trung tâm Cải huấn Đà Lạt. Ngày 31/3/1975, trước tin thắng trận liên tục của quân ta, ông và một số tù nhân đã phá ngục thoát ra khỏi nhà tù.
Sau ngày đất nước giải phóng, Mai Thành Minh tiếp tục nhập ngũ tham gia chống Funro ở Tây Nguyên. Năm 1979, ông về công tác tại Tòa án Nhân dân huyện Đức Trọng. Từ năm 1995 đến năm 2010, ông Minh giữ chức vụ Phó giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng. Ngày 10/11/2010, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho ông Mai Thành Minh.