Một sự tình cờ, trong lần "săn tin" tại khu Bách Khoa, tôi được người bạn thông báo: "Kia là anh hùng không quân Nguyễn Hồng Mỹ, phi công đầu tiên bắn rơi máy bay năm 1972"...
|
Trước mắt tôi là một "anh hùng" bằng xương bằng thịt mà trong những năm tháng tuổi thơ, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sau những bài học lịch sử, đã không biết bao lần tôi mơ ước được gặp gỡ, một trong những con người như vậy.
“Người được chọn”
Không do dự, tôi tiến lại phía người đàn ông ấy: "Chú là anh hùng không quân Nguyễn Hồng Mỹ, người đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ?" Người đàn ông có dáng vẻ dềnh dàng, nở nụ cười thân thiện "phản đối": "Tôi là người đầu tiên dùng Mig 21 bắn rơi máy bay Mỹ trong chiến dịch năm 1972, tôi là Nguyễn Hồng Mỹ, nhưng là anh hùng thì không phải".
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hồi ức về quá khứ hào hùng của cựu phi công Nguyễn Hồng Mỹ, người phi công đầu tiên hạ máy bay Mỹ năm 1972, trong trận không chiến xảy ra giữa trời, vẫn còn nguyên vẹn. Những câu chuyện về cuộc đời binh nghiệp của người cựu phi công này khiến không ít người thán phục. Một con người phi thường, tưởng như chỉ có trong "huyền thoại"; nhưng giữa đời thường, ông hết sức giản dị…
Phi công Nguyễn Hồng Mỹ, bên Chiến đấu cơ Mig 21. (Ảnh chụp từ tài liệu ông Mỹ cung cấp)
"Trong những ngày bom đạn ác liệt, mỗi lần xuất kích, phi công lái chiến đấu cơ chúng tôi đều xác định rất có thể đây là chuyến bay cuối cùng của mình. Dù bay giữa bầu trời mênh mông xanh thẳm, hay xám xịt nặng nề, thậm chí những chuyến bay xuyên giữa màn đêm đen dày đặc cũng vậy… Chúng tôi đều thể hiện một quyết tâm sắt đá, một tinh thần quả cảm gan dạ "Chỉ có chiến đấu giành chiến thắng, ở giữa bầu trời "không có đất" cho những suy nghĩ yếu hèn" - ông Mỹ chia sẻ.
Ông Nguyễn Hồng Mỹ, sinh ngày 5/2/1946, quê ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông sinh ra trong gia đình cách mạng, ông và giáo sư Tạ Quang Bửu có mối liên hệ rất gần, hai người là anh em họ ngoại, con cô con cậu với nhau. "Năm 1965, tôi 19 tuổi đang học năm thứ nhất Đại học Kinh tế. Đó cũng là những năm tháng chiến tranh bước vào giai đoạn ác liệt, nên nhiều sinh viên xếp bút nghiên, đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi dự tuyển vào không quân, mặc dù hồi đó tôi thuộc diện bé con, chỉ hơn 50kg thôi, vẫn trúng tuyển. Trong khi có nhiều bạn bè cùng trang lứa, vóc dáng to khỏe hơn tôi nhiều vẫn bị loại. Những người trúng tuyển được cử sang Liên Xô đào tạo, năm 1968 chúng tôi tốt nghiệp, và trở về nước sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc" - ông Mỹ nhớ lại.
Theo ông Mỹ, để trúng tuyển phi công phải vượt nhiều thử thách cam go. Trong đó chủ yếu là về sức khỏe, về thị lực, đặc biệt là biên độ co giãn đồng tử, nếu như thị lực không tốt vào vùng mây mù, hoặc bay đêm, dù máy bay đang ở trạng thái thăng bằng, phi công cũng có thể có cảm giác mình đang "bay ngửa"; hoặc khi bay vòng nếu thần kinh không tốt, dù bay thẳng phi công vẫn có cảm giác mình đang vòng vèo… Vì thế, hồi đó trúng tuyển phi công phải là những người ưu tú, có thể lực và sức chịu đựng tốt trước những tác động từ ngoại cảnh.
Trong số 120 thanh niên ưu tú được cử đi học lái máy bay ở Liên Xô ngày đó, có 19 người tốt nghiệp điều khiển chiến đấu cơ Mig 21; khoảng 30 người điều khiển Mig 17. Tất cả mọi người đều chung quyết tâm sắt đá, ra công học tập, nhanh chóng tốt nghiệp để quay trở về chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Đến tháng 3/1968, chúng tôi tốt nghiệp và trở về nước, "cũng chỉ được nghỉ ngơi vẻn vẹn 2 ngày tại đơn vị, sau đó chúng tôi được phân công về đơn vị chiến đấu" - ông Mỹ kể.
Phi công Nguyễn Hồng Mỹ thời trẻ.
"Không lực Hoa Kỳ" khiếp sợ
Những phi công tốt nghiệp tại Liên Xô trở về nước đã gia tăng sức mạnh cho Không quân Nhân dân Việt Nam. Thời điểm đầu 1968, cũng là lúc các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh phi nghĩa Mỹ tại Việt Nam, nổ ra ác liệt. Sau nhiều thất bại nặng nề trên chiến trường, để xoa dịu dư luận, Mỹ buộc phải xuống thang, hạn chế ném bom phá hoại miền Bắc. Cuối 1968, Mỹ tuyên bố chấm dứt chiến tranh ở miền Bắc.
Thế nhưng, trên thực tế chiến tranh ngày càng leo thang, và đặc biệt cuộc chiến trên không tại khu 4 bắt đầu đi vào giai đoạn quyết liệt. Ngày 19/1/1972, ngày ông Nguyễn Hồng Mỹ và các đồng đội của mình không thể quên. Ngày ghi vào lịch sử Không quân Nhân dân Việt Nam anh hùng, một chiến công rực rỡ. Trong trận "không đối không", giữa Mig 21 ông Mỹ điều khiển đã khiến máy bay F4 (Phantom - Con Ma) của Mỹ tan tành trong lần đụng độ ấy; dập tắt thái độ vênh váo và niềm kiêu hãnh của "không lực Hoa Kỳ". Ông Nguyễn Hồng Mỹ tự hào là phi công đầu tiên của Việt Nam, không chiến hạ được máy bay Mỹ, mở màn cho nhiều chiến công giòn giã sau này, khiến đối phương khiếp sợ.
Nhớ lại chiến thắng oai hùng ấy, ông Mỹ kể: Hôm đó, tôi cùng Thượng úy Lê Minh Dương nhận nhiệm vụ xuất kích, từ sân bay Nội Bài. Tôi bay ở vị trí số 1, Thượng úy Dương ở vị trí số 2 có nhiệm vụ yểm trợ và phối hợp tác chiến. Sở chỉ huy thông báo có tốp máy bay địch gồm 24 chiếc bay trên độ cao 4000m. Có lẽ từ đầu chiến dịch, do chưa từng bị thất bại trong những lần "không đối không", địch rất chủ quan, sau khi gieo rắc tội ác, chúng thản nhiên bay đi mà không phát hiện đang bị săn đuổi. Đến địa phận tỉnh Thanh Hóa thì đèn tín hiệu cũng thông báo máy bay của tôi sắp hết nhiên liệu. Sở Chỉ huy yêu cầu tôi quay về để đảm bảo an toàn, nhưng tôi đã xin chỉ huy cố đuổi theo một đoạn nữa. Tôi tăng tốc (khoảng 1400km/h) và lấy độ cao cùng máy bay địch, đuổi đến địa phận tỉnh Nghệ An, còn cách máy bay địch khoảng chừng 1500m, thời cơ chín muồi, tôi ấn nút khai hỏa, hai quả tên lửa gầm thét xé gió bay về phía trước.
Một quầng sáng chói lòa bùng lên trước mắt tôi rồi nhanh chóng tắt lịm, chiếc máy bay địch bổ nhào xuống đất, vạch theo một vệt lửa khói kéo dài, xiên nền trời xanh thẳm. Trong khoảnh khắc đó một cảm xúc mãnh liệt trào dâng trong lồng ngực vì tôi biết rằng mình đã hạ mục tiêu. Nhưng thay vì phải vòng tránh, tôi không xử lý kịp vì mục tiêu trước mặt (đã bị hạ) quá gần, máy bay tôi lao luôn vào giữa vùng cháy vừa bùng lên rồi tắt lịm, của chiếc máy bay địch bị tôi bắn hạ. Trong một vùng không gian rộng, do máy bay địch bốc cháy đã đốt hết O2, khiến máy bay tôi rơi vào trạng thái chết máy. Nếu lúc đó tôi nhảy dù thoát hiểm, máy bay của tôi cũng sẽ tan tành. Tôi đã cố gắng bình tĩnh lượn vòng quay lại và hạ thấp độ cao. Qua khỏi vùng cháy, khởi động lại thì động cơ nổ, tôi hạ cánh an toàn xuống sân bay Sao Vàng - Thọ Xuân - Thanh Hóa, cũng là lúc máy bay hết sạch nhiên liệu…
Còn nữa...
- Chữ cái duy nhất không xuất hiện trong tên của bất kỳ tỉnh, thành nào tại Việt Nam, là chữ gì?
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/7/2025, đối tượng nào được hưởng lợi khi trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần mức cũ
- Những lần thủy quái xuất hiện ở Việt Nam: Người Pháp từng bắt gặp, có loài đến nay vẫn còn tồn tại?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?