Tập tục truyền kiếp
Trong chuyến công tác tại miền Tây tỉnh Quảng Nam, chúng tôi đã tiếp cận với những đồng bào dân tộc Cơ Tu. Trên đường đi, anh bạn đồng nghiệp bảo "Đồng bào ở đây vẫn còn lưu giữ một tập tục truyền kiếp, đó là tục "trả nợ hồi môn". Bởi vì thế, cậu nhìn xem, toàn thấy phụ nữ làm những công việc nặng nhọc mà không thấy nam giới làm gì cả". Trước lời nói của anh bạn đồng nghiệp, chúng tôi đã quyết định dừng lại nơi đây để tìm hiểu cái "tập tục quái lạ" này.
Hiện nay, người Cơ Tu không còn phong tục "kéo vợ", "bắt vợ" nữa. Thế nhưng, phong tục ấy giờ đây đã "lệch" sang những lễ rước dâu mang nặng "mùi kinh tế" và hậu quả của nó chính là việc hành xác người phụ nữ. Khi chàng trai Cơ Tu bắt gặp một cô gái rồi đem lòng yêu mến, nếu cô gái cũng "ưng cái bụng" là họ đến với nhau. Lúc cưới gia đình nhà gái hầu như chẳng tốn kém gì cả mà còn nhận được nhiều sính lễ có giá trị từ gia đình nhà trai như trâu, bò, lợn, gà... Chính sự tốn kém này nên người đàn ông Cơ Tu đã tự cho mình như "ông trời", cưới vợ về nhà là để làm thay mình. Do tục làm nương rẫy của đồng bào Cơ Tu canh tác nhỏ lẻ, chủ yếu trồng trọt, làm nương rẫy trên các triền núi cao, từ lâu người phụ nữ Cơ Tu đã trở thành lao động chính trong gia đình để trả nợ cho những sính lễ mà gia đình mình đã nhận. Tư tưởng "trọng nam khinh nữ" còn hiện diện rất rõ trong cuộc sống hàng ngày.
Chị ALăng Thị Thanh và đứa con gái của mình đang gùi gạo
Trên đường đi, chúng tôi bắt gặp nhiều người phụ nữ trên đường đi làm về. Mang những thắc mắc anh bạn vừa nói chúng tôi bắt chuyện với một người đàn ông tên ALăng Thanh, người này nói: "Kệ nó, mình không làm mô. Vì mình phải tốn mất hai con bò, ba con lợn, mười ang thóc mới đưa (cưới) được nó về. Bây giờ nó phải làm cả đời để bù lại". Chỉ về phía trước là một người phụ nữ mang nặng đủ thứ trên vai, ALăng Thanh cho biết, đó là vợ anh, chị Thị Prứa. Lủi thủi đi trước, thân người chị hốc hác gầy như thanh củi khô đang ráng hết sức, oằn cả lưng đỡ những bao sắn lên vai khiến chúng tôi cảm thấy quặn lòng. Không ai biết rõ người phụ nữ ấy trở nên ít nói, hao gầy từ bao giờ và vì sao chị lại gầy thế. Chỉ biết rằng mới hai năm trước, lúc chưa lấy chồng chị là người phụ nữ mập mạp và khoẻ mạnh lắm. Nhìn chị người ta luôn cảm thấy một sức sống tràn trề, những nụ cười hồn nhiên trẻ trung của một cô thiếu nữ miền sơn cước. Thế nhưng, từ ngày được gả về nhà chồng, chị Thị Prứa phải làm việc cả ngày lẫn đêm để "trả nợ hồi môn" cho gia đình nhà chồng. Đã nhiều lần chị ngất lịm vì công việc quá sức. Cái lưng gù đi, những giọt nước mắt mặn chát cứ chảy bao đêm cùng cuộc đời quá vất vả đắng cay. Không riêng gì chị Thị Prứa, phần lớn những người phụ nữ trong xã Tr'Hy đều phải chịu chung cảnh ngộ.
Mẹ C'Lâu Thị Nhoài với gáng nặng trên vai
Với vẻ mặt khắc khổ đầy nhẫn nại, chị B'Lâu Thị Nhớ (xã Ch'Ơm) tâm sự với chúng tôi: "Cực lắm nhưng ở đây đàn bà con gái thì ai cũng phải chịu thế thôi, quen rồi. Cảnh nó (chồng) đi uống rượu về đánh mình thường xuyên cũng chẳng là chuyện lạ nữa. Đã lấy nhau rồi thì không ai ly hôn cả dù phải chịu tủi nhục cả đời, vì nếu ly hôn thì lấy tiền, trâu, bò đâu mà trả lại cho nhà nó (nhà chồng)? Từ trước tới nay, người phụ nữ Cơ Tu chưa ai làm thế cả, phải làm việc thật nhiều để có cái bỏ bụng". Ở vùng biên ải xa xôi này, chuyện bi hài cười ra nước mắt thường xảy ra mà gánh nặng phần lớn đổ xuống đầu người phụ nữ. "Trước đây, thi thoảng có một số chị em phụ nữ không chịu nổi khổ nhục nên đã ăn lá ngón để tự tử, còn bây giờ nhờ bộ đội biên phòng tuyên truyền nhiều nên có đỡ hơn. Đã là vợ thì phải cố làm nhiều mới có ăn, vả lại làm riết rồi cũng quen, chồng không làm, không giúp cho việc nặng thì cũng không đến nỗi chết liền được", chị Nhớ giải thích.
Không chỉ riêng Tr'Hy; Ch'Ơm, các xã Ga Ri; A'Xan và nhiều xã khác trong huyện Tây Giang, chuyện người phụ nữ phải "è cổ" làm những công việc nặng nhọc, quá sức vì những tập tục lạc hậu là rất phổ biến. Chủ tịch UBND huyện Tây Giang ông B'Riu Liếc cho biết: Huyện Tây Giang có hơn 95% dân số là người Cơ Tu thì có 60,8% là hộ nghèo cũng do những tập tục lạc hậu đem lại. Từ trước tới giờ, người đàn ông Cơ Tu làm việc rất ít, thường ngày họ lên rừng chiết rượu từ cây T'Đin về uống, mọi công việc nương rẫy nặng nhọc đổ cả lên đôi vai người vợ, người mẹ. Phụ nữ Cơ Tu giống như thân con lừa cả cuộc đời vậy.
Người chồng Cơ Tu nhẹ nhõm bên cạnh người vợ nặng nhọc
"Cuộc chiến" lâu dài
Đã gần 20 năm công tác, gắn bó mật thiết tại 4 xã vùng biên ải xa xôi, Thượng tá Vương Đăng Vinh, Đồn trưởng đồn biên phòng 651 chia sẻ: "Việc kết hôn tốn kém rồi đẩy người phụ nữ vào cảnh gánh kiệt sức lực vì công việc nặng nhọc đã ăn sâu vào nếp sống đa phần đồng bào Cơ Tu nơi đây. Đi liền với quan niệm lấy vợ về là để "cõng" việc cho gia đình nhà chồng mà không hề biết hệ lụy nghiêm trọng của nó".
Anh CơLâu Hớp Chủ tịch UBND xã Tr'Hy đang thống kê lại những vụ bạo hành phụ nữ xảy ra tại địa phương 4 tháng đầu năm 2011
Những năm gần đây, cán bộ UBND huyện Tây Giang kết hợp với bộ đội biên phòng 651; 649 (thuộc Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Quảng Nam) đã tuyên truyền, đi đến từng nhà, thôn bản, vận động đồng bào xoá bỏ tập tục lạc hậu. Các hoạt động chính như tổ chức sinh hoạt, tư vấn về pháp luật hôn nhân gia đình, hỗ trợ tư pháp cho cấp xã về quản lý, cung cấp thông tin tư vấn cho các đối tượng chuẩn bị kết hôn, xây dựng đội ngũ cộng tác viên dân số ở địa bàn dân cư đã được triển khai nhưng kết quả mang lại còn chưa cao. Tất cả những cố gắng này không dễ dàng có ngay hiệu quả, khó nhất là làm thế nào chuyển biến được nhận thức các cán bộ thôn, xã người Cơ Tu trong khi trình độ văn hoá của họ còn hạn chế, thậm chí còn có người không biết chữ? Làm thế nào để đồng bào dân tộc Cơ Tu nhận thức được những khó khăn lạc hậu gây nên đối với người phụ nữ? Kiếp "thân con lừa" của họ đến bao giờ mới được chấm dứt? Câu hỏi ấy còn bỏ lửng chưa có lời giải đáp. Điều này đang đặt cả lên đôi vai của các chiến sỹ biên phòng vùng biên ải xa xôi và các cơ quan ban ngành huyện Tây Giang, tỉnh Quảng nam cũng như toàn xã hội.
Bà Đinh Thị Kim, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Tây Giang, cho biết: "Việc thách cưới tốn kém đã vô tình đẩy những người phụ nữ Cơ Tu vào cảnh "làm thuê nhà chồng" tồn tại bao đời nay nơi vùng cao heo hút. Những năm trở lại đây, công tác tuyên truyền vận động được đẩy mạnh, tuy nhiên những ý nghĩ, tập tục đã ăn sâu vào đời sống người dân nên không dễ gì một sớm, một chiều xóa bỏ được".
Nằm ở vùng cao heo hút của tỉnh Quảng Nam với trình độ dân trí thấp, những tập tục quái ác vẫn còn theo đuổi người dân nơi đây. Vì thế, việc xóa bỏ tập tục "trả nợ hồi môn" đang là "cuộc chiến" lâu dài và đầy gian khó.