Nói thật, trước khi gặp anh, tôi đã từng rất ác cảm, không muốn nói là căm ghét những người chuyên hành nghề săn bắn, tận diệt thiên nhiên. Nhưng quả thực, tôi cũng tò mò muốn khám phá tại sao người ta có thể thu phục những đàn chim sải dài, sải rộng mà không cần súng hơi, súng thể thao, súng bắn đạn hoa cà, hoa cải vang lên đì đùng. Họ chỉ cần dùng vài mét lưới, khi vung lên chiếm chả nổi một phần tỉ tỉ dài rộng bầu trời, ấy vậy mà họ vẫn có thể gom về cả đàn chim dễ đến ngàn con.
5 giờ sáng, anh Quang đón tôi ở ngay đầu cánh đồng Chèm. Sương rơi nhúc nhắc. “Anh “tăm” được một đàn rồi, chừng gần ngàn con, cả ri lẫn sẻ!”, anh Quang hồ hởi. Hai anh em len lỏi qua những gò, đống, mồ mả nằm lóc nhóc quanh mấy chân ruộng chỉ còn trơ gốc rạ. Thỉnh thoảng, dăm con cò, vạc ăn đêm thấy động xé gió lao lên.
Giăng lưới
Cánh đồng Chèm thẳng cánh cò bay, tít hút là thế, giờ bị quá trình đô thị hóa “ăn” cho nham nhở, chỉ còn vài mảnh ruộng hình thù méo mó, xẹo xọ, kỳ quái. Trên đó, còn duy nhất một vạt lúa chín vàng nằm sáp rạp mặt đất chưa kịp gặt. Đó cũng là “bãi đáp”, “quán nhậu” của lũ sẻ đồng, “trận địa” mà anh Quang đã giăng lưới “phục kích”.
Tấm lưới, thứ “vũ khí” duy nhất mà anh Quang cùng ông bạn săn sử dụng để thu phục lũ sẻ đồng, “kẻ thù số một” của bà con nông dân, ước chừng 20mx3m được trải nằm dọc bờ ruộng, một đầu lưới cột chặt vào cây gậy sắt cao đến 5m, đầu này thả mặt đất. Khi bầy sẻ còn đang đánh chén thóc say mê, tấm lưới sẽ được một anh chụp xuống, người còn lại có nhiệm vụ đứng ở đầu kia thửa ruộng “ép” đàn chim bay vào lưới.
Cái nghề bẫy sẻ đồng, “săn lộc trời” hóa ra nó đòi hỏi sức chịu đựng, sự kiên trì, nhẫn nại của con người ta ghê gớm. Tôi đồ rằng, có lẽ ngay cả với những người nhàn rỗi nhất thế gian, nếu họ có dừng lại đâu đó xem người ta bẫy chim kiểu này chắc cũng thừa lý do mà bỏ đi. Giăng lưới từ tờ mờ 5h sáng, việc còn lại là ngồi chờ lũ sẻ đồng thức dậy, bay “tập thể dục” cho khô cánh, rơi sương. Chúng lượn lờ, chao cánh, “giã gạo”, chí chóe gọi nhau chán chê mê mỏi, có khi đến vài tiếng đồng hồ, rồi mới rủ nhau “đi ăn sáng”. Đấy là lúc chúng sập bẫy thợ săn.
Để thu phục được chúng, anh Quang đã mất đến gần 30 năm mày mò “nghiên cứu tâm lý” từ thói quen sinh hoạt ra sao, tính cách từng loại chim như thế nào. Có lẽ cũng hiếm người rành rẽ về loài “vỗ cánh mặt trời” như anh. Từ “vệt bay”, “vạt gió”, khi nào chim phương bắc xa xôi, băng qua miền rừng xanh, núi thẳm về đến đồng bằng sông Hồng trú ngụ, khi nào chim Singapore, chim Philippin giang cánh theo bão, nhờ gió thổi vượt biển tràn vào Việt Nam, khi nào chim Myanma, chim Thái Lan vượt dãy Trường Sơn… anh đều tỏ. Vẫn biết, trong mỗi con người khi sinh ra vốn dĩ ít nhiều đã có khát vọng, đam mê chinh phục. Nhưng, dành trọn gần hết đời người để tận tường gốc rễ về các loại chim, “say” chim không khác gì một “nhà khoa học” như người đàn ông vâm vam kia thì tôi đành chịu.
Chỉ cần vung lưới thấp, vài chục con chim sa bẫy
Anh có thể vác lưới ngày này qua tháng khác rong ruổi trên khắp các cánh đồng lúa trải dài toàn cõi Việt Nam, chỉ để bẫy, để săn những chú chim tinh khôn, “lão làng” bậc nhất mà các “thợ chim” khác đầu hàng. Cứ nghe nói ở đâu có chim cu, gáy, chào mào, sâm cầm, vịt trời khó săn bắt nếu không dùng súng, anh lại ôm lưới đi. Ăn bờ, ngủ bụi hàng tháng trời để quan sát, theo dõi “đường đi, lối về” của “đối tượng”. Đến lúc “thời cơ chín muồi”, anh mới “tung chiêu” hạ gục, đôi khi chỉ bằng một nhánh cây dài chừng gang tay bôi đầy nhựa dính. Nghe giống như cách chàng trai dùng bông hoa để chinh phục bạn tình.
Quả có thế thật, nếu không “mê”, không “say”, không đam mê chinh phục chim như đam mê chinh phục phụ nữ, chắc gì anh Quang đã bỏ ra ngần ấy tuổi xuân, ngần ấy công sức để “ném” đời mình vào những ao hồ, đồng ruộng. Trong khi con người ta, ai chả muốn quẫy đạp ngoi lên chỗ giàu sang, sạch sẽ, thơm tho. Ngay như bản thân anh, đang làm cho một ngân hàng có tiếng ở Hà Nội, ngày ngày tiếp xúc với cả đống âm thanh của tiền, nhưng những thanh âm ấy, nó vẫn không đủ sức hấp dẫn, không làm anh quên được tiếng vỗ cánh của đàn chim nơi trời cao, sông rộng. Thế là anh bỏ, dù vợ con, bạn bè, người thân hết lòng khuyên nhủ. Đến bây giờ, khi đã ở cái tuổi ngũ tuần, tóc lấm chấm pha sương, anh vẫn còn nặng nợ với các cánh đồng, với bóng chim tăm cá.
Quãng 9h sáng, sau gần bốn tiếng đồng hồ bay lượn, rỉa lông rỉa cánh, “làm đẹp”, đàn sẻ mới bắt đầu í ới gọi nhau mon men đến gần “quán ăn”, chao lên, liệng xuống vài cái rồi đậu trên cột điện. Cái thói quen của chúng là thế, như cô gái chưa chồng làm duyên, làm dáng. Đói lắm, muốn ăn lắm nhưng còn đỏng đảnh chán chê. “Trước khi ăn bao giờ chúng cũng “giã gạo” vài chục lần như thế. Khi ăn, lũ sẻ thường sà xuống khoảng 4 lần. Lần đầu tiên chao xuống, con nào cũng chỉ ăn một hạt thóc rồi lại bay lên, lần thứ hai thì hai hạt, coi như “ăn thăm dò”. Thấy an toàn, cả đàn sẽ xuống ăn tiếp một cách mê mải hơn, mất cảnh giác hơn. Lúc đó mình “đánh lưới”. Nếu trượt, phải chờ lũ sẻ “đi tắm”, “đi chơi” chán chê khoảng 2-3 tiếng sau chúng “đi ăn trưa” mình mới “đánh” tiếp được. Bởi, mỗi con đã ăn được vài hạt thóc, chúng cũng “ấm dạ” lắm rồi!”, anh Quang giảng giải.
Không chỉ tôi, có đến gần chục người chờ xem anh Quang quăng lưới, hồi hộp chẳng kém gì khi xem người ta sút penalty trong bóng đá. Chả ai bảo ai, nãy giờ tất cả gần như nín thở, “ngậm tăm” dõi theo từng động tác của cặp “thợ săn”. Tôi thì chầu chực máy, chắc mẩm sắp chộp được mấy bức ảnh lột tả đàn chim dang cánh lao vào lưới. Nào ngờ “vồ trượt”. Lý do lãng xẹt, ruộng gần đường, lúc lũ sẻ bắt đầu sà xuống “đánh chén” đợt 3, cũng là lúc một chú nhóc đi xe máy gần đến nơi thấy đông người, bóp còi ầm ĩ. Anh Quang chưa kịp vung lưới, đàn sẻ xao xác bay.
Trong ngần ấy cặp mắt, ai cũng lộ vẻ tiếc nuối, và có phần cáu giận cái tiếng còi “vô duyên” kia. Nhưng thật lạ, vẻ mặt hai “thợ săn” lại tuyệt nhiên không có gì thay đổi. Tôi đã mường tượng ra cái ánh mắt ngẩn ngơ, hậm hực của họ lúc vồ trượt “con mồi” sau khi đã mất gần trọn buổi sáng đội nắng chầu chực, dõi theo “nhất cử, nhất động” của đàn chim. Anh Quang chỉ cười, “lộc trời mà, có gì phải lo. Thôi chờ đến 12h, chúng “ăn trưa” thì “đánh”!”.
Anh Quang bảo, cái thú của người đi săn nó thế, có trúng, có trượt mới “say”, chứ nếu “buông lưới” lần nào “ăn” lần đó thì còn gì thú vị! Thế cho nên cái nghề này nó rèn cho con người ta cái bình tâm, tĩnh tại đến vô cùng. Anh có thể vác lưới đi về cả tuần không một “hơi chim” cũng chả sao, đội nắng ròn tan cánh lá sen mà chả câu được con cá nào cũng không lấy làm áy náy, không ăn thua buồn bực.
Ngay như cái chuyện hôm nay anh vác lưới ra đây, một phần cũng để “biểu diễn cho nhà báo thấy được khả năng săn bắt chim trời”. Phần vì để “giúp bà con nông dân thoát khỏi cái cảnh đã nghèo, còn nghèo hơn”. Quả thật, tôi ngẫm cũng thấy hơi… có lý. Bởi, chỉ cần nhẩm tính, mỗi bông lúa thông thường chỉ chừng 170-210 hạt (loại nhiều nhất khoảng 510 hạt thóc/bông), mỗi khóm lúa 7-10 bông, với sức ăn của đàn chim sẻ lên đến hàng ngàn con như thế kia, ruộng lúa này sẽ trơ rạ sau vài ngày chúng quần thảo.
12h trưa, mệt rã rời. Anh Quang “thỏa thuận”: “Chúng xuống ăn lần thứ 3 sẽ “đánh”, nhưng anh chỉ “đánh thấp lưới” lấy vài chục con cho chú xem thôi, để mai này còn có chim mà bẫy!”. Và, đúng như lời hứa, khi đàn chim đến hàng ngàn con say mê “đánh chén” những bông lúa vàng óng, anh vung lưới thấp, vài chục con sa bẫy. Lần đầu tiên tôi được chứng kiến cái khả năng có thừa của con người để thu phục đàn chim, đó là khi một cánh tay săn chắc của anh Quang vung lên, tay còn lại anh rút một cái còi giống như đồng xu treo ở ngực ra thổi. Không hiểu, những âm thanh rít nhẹ như gió thoảng ấy, nó có sức mạnh ma mị, sai khiến như thế nào, cả đàn sẻ chúi đầu đi lò dò trên ruộng lúa. Thảng hoặc mới có con cất cánh bay dúi dụi lên cao chừng 3m, chỉ cần lưới vung lên tầm đó, cũng chả để thoát con nào.
Thế mới thấy được cái “quyền năng” của con người nó là vô tận, bất kể chim trời, cá nước, nếu người ta muốn tận diệt đâu có gì khó dễ, chỉ một cái vung tay cao hay thấp mà thôi. Vấn đề ở đây nằm ở chỗ, người ta biết thế nào là điểm dừng của thú vui, ước muốn thỏa niềm đam mê chinh phục, thế nào là tàn sát thiên nhiên. Được thế thì đến thế hệ mai sau, mới còn những cánh chim trời sải bay cùng mây gió.