Chuyến trở về quê mẹ đầy cay đắng
Trước Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, người dân phường 4, phường 5, phường 6 thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) hay gặp một ông Tây suốt ngày mặc quần jean, áo thun bạc màu, chân mang dép lê lẹp xẹp đi bộ lang thang khắp các con đường trong khu vực. Nhiều lúc người ta thấy ông Tây đi bộ mệt, vào ngồi thu lu trong một quán cà phê cóc, gọi ly trà đá uống giải khát, nét mặt buồn rười rượi. Những người hiếu kỳ xúm vào thăm hỏi, ông Tây trả lời mọi chuyện trơn tru bằng tiếng Việt. Từ những câu chuyện của ông Tây, nhiều người biết người đàn ông quốc tịch Pháp về thành phố Mỹ Tho thăm quê mẹ, thăm người chị ruột và những đứa em cùng mẹ khác cha, nhưng cuối cùng lại bị người thân hắt hủi ra đường, đi lang thang trong tình cảnh đói khát, bệnh tật, không nơi nương tựa.
Đầu tháng 3/2012, theo chỉ dẫn của những người dân phường 5 thành phố Mỹ Tho, tôi tìm gặp ông Tây đang tá túc ở tiệm sửa xe gắn máy của ông Trương Văn Hùng ở số 682 đường Lý Thường Kiệt, phường 5 thành phố Mỹ Tho. Vẫn quần jean, áo thun bạc màu, chân mang dép lê, nhưng thần thái ông Tây đã tươi tỉnh, tóc tai không còn bù xù như những ngày sống lang thang ở thành phố Mỹ Tho. Ông Tây khoe, sau những nổ lực nhờ chính quyền giúp đỡ, Sở Ngoại vụ tỉnh Tiền Giang đã cử cán bộ tìm hiểu sự việc của ông và ngày 14/3 sẽ cho xe ô tô đưa ông từ thành phố Mỹ Tho lên sân bay Tân Sơn Nhất để lên máy bay về Pháp. “Vé máy bay tôi nhờ bà chị ruột mua xong rồi, nhưng bà chị tôi không biết gì nên mua vé mắc quá. Tôi đọc báo thấy Vietnam Airline đang khuyến mãi vé đi Paris chỉ có 15,5 triệu đồng tiền Việt Nam, vậy mà bà chị tôi lại đi mua vé máy bay của hãng Quatas tốn 750 USD, thật là lãng phí”, ông Tây càm ràm.
Ngồi nhâm nhi bình nước trà cùng vợ chồng ông Hùng chủ tiệm sửa xe, ông Tây trầm ngâm kể chuyện cuộc đời và chuyến trở về thăm quê mẹ đầy cay đắng. Ông Tây tên thật là Daniel Jean Claude Buzit, sinh năm 1959 tại thành phố Mỹ Tho, từ nhỏ mọi người thường gọi là Daniel, không có cái tên Việt nào. Daniel còn nhớ rành rẽ, cha ông là dân Pháp chính gốc, còn mẹ ông là người Việt, quê ở phường 4 thành phố Mỹ Tho hiện nay. Hồi trước cha của Daniel phục vụ trong quân đội Pháp đóng tại Việt Nam, sau khi giải ngũ thì chuyển qua làm công nhân cho Chi nhánh hãng bia Con Cọp (bia BGI hiện nay) ở tại Mỹ Tho, nên cả gia đình của ông sinh sống ở phường 4 thành phố Mỹ Tho. Ông Tây còn nhớ, hồi xưa chi nhánh hãng bia nơi cha ông làm việc nằm ở góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Lê Thị Hồng Gấm hiện nay, nơi đó bây giờ không còn vết tích gì và trên nền chi nhánh bia ngày xưa hiện giờ là Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh Tiền Giang. “Ông bà già tôi sống với nhau sinh được 3 người con gồm một người chị hiện đang sống tại thành phố Mỹ Tho, tôi và một người em. Cha tôi làm việc ở Việt Nam một thời gian thì hồi hương về Pháp, lúc đó ông định mang cả gia đình vợ con cùng về, nhưng không hiểu sao mẹ tôi không chịu đi, nên cha tôi về Pháp một mình. Sau đó mẹ tôi ở Mỹ Tho lấy chồng khác, sinh thêm được mấy người em cùng mẹ khác cha với tôi. Ở bên Pháp cha tôi cũng có vợ khác, đến năm 1975 khi tôi đã 16 tuổi thì cha tôi đón tôi qua Pháp sinh sống. Hiện nay tôi ở tiểu bang 57 gần thành phố Metz, làm công nhân trong một xí nghiệp”, Daniel cho biết như vậy. Ông Tây Daniel nói, ở bên Pháp ông rất muốn về Việt Nam thăm lại quê mẹ, nhưng công việc vất vả không có thời gian, lương bổng lại eo hẹp nên không có điều kiện để về.
Tuy vậy, lâu lâu dành dụm được ít tiền, ông Tây Daniel lại ra bưu điện gửi măng-đa về Việt Nam cho chị em xoay xở mua sắm vật dụng sinh hoạt, sửa sang nhà cửa. “Gần đây nhất là năm 1992 tôi dành dụm được 4.500 Franc gửi về cho đứa em cùng mẹ khác cha sửa lại ngôi nhà ở đường Đống Đa, phường 4 thành phố Mỹ Tho, nơi mẹ tôi sinh sống đến lúc qua đời. Bên Pháp đi làm kiếm tiền khó lắm nên không phải lúc nào cũng có dư tiền để gửi về Việt Nam”, ông Tây ngồi bần thần nhớ lại. Lần này về Việt Nam để thăm quê ngoại là nhờ có giấy của bác sĩ bên Pháp yêu cầu ông phải đi nghỉ để dưỡng bệnh và phải về Việt Nam dưỡng bệnh là tốt nhất. “Nguyên nhân là thế này. Hồi nhỏ lúc còn ở Mỹ Tho tôi cùng bạn bè hay nghịch phá, leo trèo. Lúc đó Mỹ Tho còn vườn tược nhiều lắm. Lần nọ tôi leo lên cây vú sữa hái trái thì bị trượt chân té đập đầu xuống đất bất tỉnh nhân sự, rất lâu người ta mới tìm thấy tôi và đưa về nhà, từ đó tôi hay bị nhức đầu. Sau khi sang Pháp định cư và đi làm, thêm một lần tôi bị tai nạn lao động trúng ngay chỗ bị té lúc trước, nên nhiều năm nay mỗi khi trời trở lạnh là đầu tôi lại đau nhức như búa bổ. Chính vì vậy mà mùa đông năm 2010 ông bác sĩ Pháp sau khi cho tôi nghỉ làm việc để dưỡng bệnh đau đầu, biết tôi quê mẹ ở Việt Nam nên khuyên tôi nên về bên này nghỉ ngơi dưỡng bệnh vì điều kiện thời tiết ở Việt Nam ấm áp, rất tốt cho sức khỏe của tôi, trong khi ở Pháp và khắp châu Âu nơi nào mùa đông cũng khắc nghiệt, nhiệt độ âm từ 10 đến 20 độ C, không tốt cho cái đầu đau nhức của tôi”, ông Tây Daniel nhớ lại.
Hỏi tại sao Daniel về Việt Nam thăm quê mẹ và dưỡng bệnh chỉ có một mình, không có vợ con đi theo chăm sóc bệnh tật, ông Tây cười buồn hiu, nói: “Đến năm 2005 qua mai mối, sự giới thiệu của người thân, tôi mới cưới vợ. Vợ tôi là người Việt Nam, quê ở tỉnh Trà Vinh. Sau khi sang Pháp sống với tôi, cô ta không chịu đi làm gì hết, bắt tôi đi làm nuôi cô ta và còn vay mượn nợ nần tùm lum của những người quen, nên hai chúng tôi đang làm thủ tục ly hôn, chắc trong tháng 3/2012 Tòa án bên Pháp sẽ giải quyết. Hai vợ chồng tôi chưa có đứa con nào”.
Bi kịch của Daniel bắt đầu khi cuối tháng 10/2010 ông mua vé máy bay về Việt Nam. Tại sân bay Tân Sơn Nhất, Daniel được những đứa em cùng mẹ khác cha đón về thành phố Mỹ Tho. Về đến Mỹ Tho, Daniel sinh sống ở nhà người em trai cùng mẹ khác cha trong căn nhà trên đường Đống Đa. Ông Tây dự định về Mỹ Tho cho tiền người em lợp lại mái tôn và lót gạch bông cho ngôi nhà ẩm thấp, nóng nực, ăn cái tết Việt, ở chơi một thời gian rồi trở về Pháp làm việc khi thời tiết đã ấm lên. Nhưng cuộc đời thật éo le, chưa đầy một tháng sau thì người em trai cùng cha khác mẹ cương quyết đuổi ông anh Daniel ra khỏi nhà, còn người chị ruột cũng không chấp nhận cho đứa em đang cù bơ cù bất về nhà tá túc.
Theo nhiều người dân quen biết với Daniel kể lại, sở dĩ có chuyện người thân của ông Tây đuổi ông ra đường là vì tháng 11/2010 Daniel bất ngờ đâm đơn đến Công an phường 4 và Công an thành phố Mỹ Tho yêu cầu điều tra vụ ông bị mất trộm tài sản ngay tại nhà người em cùng mẹ khác cha trên đường Đống Đa. Ông Tây Daniel một mực cho rằng chính người em cùng mẹ khác cha là thủ phạm lấy cắp số tiền 2.000 euro và 3 triệu đồng Việt Nam của ông cất trong ví, vì toàn bộ giấy tờ tùy thân vẫn còn y nguyên. Sau khi Daniel đâm đơn đến cơ quan công an, người em trai dứt khoát không cho ông sống trong nhà trong khi người chị ruột cũng làm ngơ, nên ông Tây phải khăn gói đi tìm nơi ở trọ. Qua giới thiệu của mấy tay “cò nhà trọ”, Daniel thuê một căn phòng của bà C. ở khu phố 7, phường 6 thành phố Mỹ Tho với giá 1,1 triệu đồng/tháng.
Bà C. còn nhận nấu cơm cho ông Tây ăn ngày hai bữa với giá 1,2 triệu đồng/tháng, nhưng bắt buộc ông Tây phải đưa trước ba tháng tiền thuê nhà tổng cộng là 3,3 triệu đồng và tiền ăn ứng trước là 2,9 triệu đồng. Những tưởng thuê được căn phòng trọ thì sẽ yên thân sống nốt quảng thời gian ít ỏi trên quê mẹ và chờ cơ quan công an làm rõ việc mất trộm tài sản. Nhưng chỉ sau 3 tuần ông Tây Daniel đã phải rời bỏ phòng trọ vì sinh hoạt cá nhân quá bất tiện, bà chủ nhà cho ăn uống thiếu thốn không xứng với đồng tiền bỏ ra, hơn nữa còn buộc ông Tây hạn chế sử dụng nước, chuyện vệ sinh cá nhân thì hết sức tồi tệ. Nhưng sự đời như trêu ngươi người sa cơ lỡ vận, chỉ mới thuê trọ được 3 tuần rồi ra đi nhưng khi ông Tây yêu cầu chủ nhà trọ hoàn lại số tiền ứng trước còn dư tổng cộng khoảng 4,5 triệu đồng để Daniel đi tìm nơi trọ khác thì bà C. chỉ chịu trả lại 1,5 triệu đồng, còn 3 triệu thì bà ta cương quyết không trả. Đòi tiền chủ nhà trọ hoài không được, một lần nữa ông Tây Daniel lại phải viết đơn gửi đến công an phường nhờ can thiệp. Nhưng sau nhiều lần hòa giải mà bà C. vẫn không chịu trả tiền cho Daniel, chính quyền phường 6 thành phố Mỹ Tho cho biết ông Tây chỉ còn cách làm đơn khởi kiện bà C. ra tòa để phân xử. Tới nước này thì ông Tây Daniel đành chào thua, xem như trắng tay.
Hết tiền, không chốn dung thân, ông Tây Daniel sống lang thang khắp các con đường ở khu vực phường 4, phường 5, phường 6 thành phố Mỹ Tho. Sau khi xài hết những đồng tiền cuối cùng trong túi, ông Tây Daniel lột chiếc đồng hồ đang đeo trên tay đem đi cầm nhưng không ai nhận. Cuối cùng một người thương tình cầm chiếc đồng hồ cho ông Tây với giá 500.000 đồng, giao hẹn khi nào ông có tiền thì cứ đến lấy lại đồng hồ, không tính tiền lãi gì hết. Nhưng rồi 500.000 đồng cuối cùng cũng hết veo, ông Tây Daniel lâm cảnh đói thì xin cơm, xin nước độ nhật qua ngày, đêm về thì ngủ bất kỳ nơi nào có thể ngả lưng.
Người dân thành phố Mỹ Tho vốn nổi tiếng hiền lành chất phác và hay thương người, hết sức ngạc nhiên khi thấy một ông Tây sống lang thang ngoài đường, nói rành tiếng Việt và thường xuyên xin cơm ăn, nước uống, nên họ xúm nhau hỏi chuyện và khi biết được hoàn cảnh éo le của ông thì mỗi người đều sẵn lòng ít nhiều giúp đỡ Daniel trong cơn khốn khó. Và rồi trong cơn hoạn nạn cùng cực, ông Tây Daniel bất ngờ nhận được sự giúp đỡ chí tình của những người Việt mới quen ở thành phố Mỹ Tho dù họ không hề thân thích ruột rà mà thoạt nghe cứ tưởng như là chuyện… cổ tích giữa đời thường. Tấm lòng của những người nhân hậu Ngồi nói chuyện với tôi bên chiếc bàn nhỏ trước tiệm sửa xe gắn máy của ông Trương Văn Hùng, ông Tây Daniel nói nếu không có sự cưu mang của những người dân thành phố Mỹ Tho tốt bụng thì giờ này chưa biết số phận của ông sẽ ra sao.
Ông Tây lang thang Daniel (phải) tươi cười bên vợ chồng ân nhân Trương Văn Hùng.
Hỏi thăm, tôi được biết việc gia đình vợ chồng ông Hùng và những người dân xung quanh tiệm sửa xe của ông giúp đỡ, cưu mang ông Tây Daniel trong cơn khốn khó thật tình cờ nhưng hết sức cảm động. Ông Hùng kể, trước Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, em ruột của ông là anh Trương Huệ Minh bất ngờ dẫn ông Tây Daniel đến nhà chơi, rồi kể rõ ngọn nguồn chuyến về thăm quê mẹ đầy bi kịch của ông Tây, nói thẳng là hiện nay Daniel đang bị bệnh, hết tiền, không nơi nương tựa, phải lang thang xin cơm ăn, nước uống. Lúc đầu vợ chồng ông Hùng hết sức ngạc nhiên, không biết vì sao anh Minh lại…quen với một ông Tây nghèo khó lang thang không nhà không cửa. Sau đó anh Minh kể, khoảng tháng 11/2011 nhiều lần đi uống cà phê anh thấy Daniel thường ngồi chung quán, nói tiếng Việt sành sõi nên hai bên bắt chuyện làm quen. Sau khi biết Daniel là quê ngoại ở Mỹ Tho, về Việt Nam để dưỡng bệnh và thăm quê, ăn Tết Nguyên đán, nên thường cùng nhau uống cà phê sáng. Một thời gian, anh Minh chú ý thấy ông Tây Daniel không gọi cà phê như thường ngày mà chỉ kêu một ly trà đá rồi… “ngồi đồng” trong quán để giết thời gian nên lấy làm lạ, gặng hỏi. Cật vấn mãi ông Tây Daniel mới buồn rầu bày tỏ chuyện bị mất trộm tiền, bị người thân đuổi ra khỏi nhà không cho tá túc, sau đó đi thuê nhà trọ thì tiếp tục bị lừa hết tiền, lâm cảnh không nơi nương tựa, đói lên đói xuống.
Cám cảnh người bạn mới quen, trong lúc anh Minh lại sống một mình ở căn nhà nhỏ trong một khu yên tĩnh tại phường 5, anh Minh không ngần ngại cho ông Tây Daniel về ở tạm một thời gian. Riêng chuyện ăn uống của ông Tây thì anh Minh lo không xuể nên dẫn Daniel ra nhà ông Hùng…nhờ giúp đỡ. Sau khi nghe anh Minh kể đầu đuôi sự việc hoàn cảnh éo le của ông Tây, vợ chồng ông Hùng cũng mủi lòng cám cảnh, nên dù nghề sửa xe gắn máy thu nhập chẳng bao nhiêu, hoàn cảnh kinh tế gia đình còn nhiều eo hẹp, không bà con thân thích gì hết nhưng hai vợ chồng ông Hùng quyết định cưu mang, giúp đỡ ông Tây qua cơn khốn khó. Vợ ông Hùng kể, từ khi nhận giúp đỡ ông Tây Daniel, mỗi ngày hai vợ chồng ông đều lo cho ông Tây ngày ba bữa ăn sáng, trưa, chiều, gia đình ăn gì thì ông Tây ăn nấy, như người thân trong nhà. Những lúc trái gió trở trời ông Tây đổ bệnh, ông Hùng đích thân đi mua thuốc cho ông Tây uống, kêu người cạo gió, giác hơi cho Daniel. Hàng ngày, khi nào mệt và ban đêm thì ông Tây lội bộ từ tiệm sửa xe của ông Hùng về nhà của anh Minh ngủ. Còn lúc khỏe thì ngồi suốt ở tiệm sửa xe vừa xem ông Hùng hành nghề vừa chuyện trò đủ thứ chuyện trên đời.
Lúc đầu những người dân xung quanh và bạn bè của ông Hùng rất ngạc nhiên khi thấy hai vợ chồng ông tự nhiên lo lắng cơm nước, thuốc thang cho một ông Tây ở đâu như trên trời rớt xuống. Nhưng sau khi hỏi han biết được chuyện đời éo le của Daniel, mọi người cũng chung tay góp sức cùng vợ chồng ông Hùng đùm bọc ông Tây, dù giữa họ chẳng có mối quan hệ thân thích nào và họ cũng không cần ông Tây phải trả ơn, trả nghĩa. Người thì cho 50.000 đồng, kẻ thì cho 100.000 đồng để ông Tây có tiền chi xài lặt vặt. Nhiều hôm hai vợ chồng ông Hùng bận đi đám tiệc không lo được cơm nước cho Daniel, bà vợ của ông Hùng vẫn chu đáo gửi tiền cho ông Tây ở nhà ăn cơm bình dân. “Nhiều lần vợ chồng tôi đi đám tiệc Daniel đòi đi theo chơi vì ở nhà một mình thì buồn. Vợ chồng tôi cũng muốn cho ông Tây đi nhưng bây giờ xe cộ ngoài đường ghê quá, tai nạn nhiều, chở ông Tây đi thì không có gì khó, nhưng lỡ có chuyện gì xảy ra thì sẽ rất phiền phức vì Daniel là người nước ngoài, nên từ chối mà trong bụng áy náy lắm. Hôm Tết Nguyên đán, Daniel ăn tết cùng với gia đình tôi”, bà vợ ông Hùng cho biết.
Nhưng cảm động nhất là trường hợp ông Chung Văn Tư, ở phường 7 thành phố Mỹ Tho, người bạn già của ông Hùng. Ông Tư cuộc sống còn túng thiếu, ở chung nhà trọ với người con gái, hàng ngày phải đi bán vé số mưu sinh. Lần nọ ghé tiệm sửa xe gắn máy của ông Hùng chơi, thấy ông Tây Daniel ngồi thu lu một góc, hỏi chuyện thì được ông bạn già cho biết hoàn cảnh trớ trêu của ông Tây, nên ông Tư cũng hết lòng giúp đỡ. Hôm ông Tây Daniel phải xuống Công an Tiền Giang gia hạn passport, ông Tư là người tình nguyện lấy chiếc xe gắn máy cà tàng của mình chở Daniel đi. Đến nơi làm thủ tục xong xuôi, phải đóng tiền lệ phí gia hạn là 275.000 đồng nhưng lúc đó trong túi ông Tây chỉ còn đúng 100.000 đồng. Daniel loay hoay không biết phải làm sao, ông Tư thấy vậy liền vét hết tiền số tiền đang có trong túi đưa cho ông Tây đóng lệ phí, rất may là vừa đủ số tiền 275.000 đồng, khiến ông Tây vô cùng xúc động. Ông Hùng còn nhớ như in hôm 21/2/2012, sau một thời gian được những người tốt bụng ở thành phố Mỹ Tho cưu mang hồi phục sức khỏe, ông Tây Daniel quyết định tìm đến Tòa Tổng lãnh sự Pháp tại thành phố Hồ Chí Minh để nhờ giúp đỡ trong cơn khốn khó, nhưng trong túi lại không có tiền.
Chính vợ chồng ông Hùng và những người hàng xóm tốt bụng đã gop góp mỗi người vài chục ngàn cho Daniel làm lộ phí, còn ông Tư lại một lần nữa tình nguyện lấy chiếc xe gắn máy 50 phân khối đã cũ nát của mình chở ông Tây vượt quãng đường dài hơn 140 km cả hai lượt đi về để đến Tòa Tổng lãnh sự Pháp nhờ giúp đỡ. Những người dân xung quanh tiệm sửa xe của ông Hùng nói rằng, ngày hôm đó nhìn cảnh một ông già tóc bạc phơ ì ạch đèo một ông Tây dáng vẻ tiều tụy trên chiếc xe gắn máy cà tàng để tìm đường về Pháp, nhiều người cảm thấy mủi lòng. Nhưng thật đáng buồn, chuyến đi ấy kết quả không được như mong đợi của Daniel và những người dân tốt bụng ở thành phố Mỹ Tho.
Ông Tây kể, khi lên đến Tổng lãnh sự quán Pháp tại thành phố Hồ Chí Minh trình bày sự việc, các nhân viên ở đây đều hết sức thông cảm với hoàn cảnh trớ trêu của Daniel nhưng cho biết hiện nay họ không có chính sách hay bất kỳ khoản kinh phí nào để giúp đỡ ông Tây khốn khổ. Vậy là ông Tây lại trở về thành phố Mỹ Tho tiếp tục sống trong sự cưu mang, đùm bọc của những người tốt bụng. Vợ chồng ông Hùng nói, thấy hoàn cảnh của Daniel khổ quá, có người thân mà bị họ ruồng bỏ vì không có tiền, nên cưu mang làm phước chứ chẳng hề vụ lợi gì hết. Mà nói thật ông Tây Daniel ngoài hai bàn tay trắng thì có tài sản gì để mà vụ lợi?
Giữa lúc con đường về Pháp quốc của ông Tây Daniel đang mù mịt không lối thoát thì tình cờ một vận may đến với ông. Ông Hùng kể, tiệm sửa xe của ông có một khách quen là phóng viên của tờ báo địa phương. Một lần anh này đến tiệm ông Hùng để sửa xe, nhìn thấy ông Tây Daniel ngồi thu lu buồn bã trong góc tiệm bèn hỏi thăm. Khi nghe vợ chồng ông Hùng và nhiều người hàng xóm kể lại câu chuyện trớ trêu, bi kịch của ông Tây, anh phóng viên này chụp ảnh ông Tây và viết bài kể lại câu chuyện của Daniel trên báo địa phương. Sau đó nhờ bài viết này mà Sở Ngoại vụ Tiền Giang mới biết có một ông Tây đang sống lang thang khốn khổ ở thành phố Mỹ Tho và được những người dân tốt bụng cưu mang, đùm bọc. Sở Ngoại vụ Tiền Giang đã cử cán bộ đến tiệm sửa xe của vợ chồng ông Hùng để tìm hiểu cặn kẽ sự việc, tiếp xúc trực tiếp với Daniel, sau đó đề nghị đưa ông Tây về Trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh sinh sống chờ Sở Ngoại vụ làm thủ tục giúp ông trở về Pháp.
Cũng nhờ bài báo của anh phóng viên này mà người chị ruột của ông Tây Daniel hồi tâm, tìm đến tiệm sửa xe của vợ chồng ông Hùng tìm em, nhưng ông Tây nhất định sống với những người dân đã cưu mang mình trong cơn khốn khó. Trước tình cảnh đó, người chị của ông Tây đành chấp nhận, lâu lâu mang thức ăn đến cho ông và cho mọi người biết Daniel còn gửi bà giữ một số tiền đủ để mua vé máy bay trở về Pháp. Sau khi Sở Ngoại vụ Tiền Giang hoàn tất mọi thủ tục để ông Tây Daniel được quay về Pháp, người chị của ông đã mua vé máy bay cho ông bay vào ngày 14/3/2012.
Bây giờ thì Daniel vui lắm, vì chỉ còn vài ngày nữa là lên máy bay về Pháp. Tranh thủ những ngày còn ở lại Mỹ Tho, ông Tây đi xin số điện thoại của những người từng cưu mang, giúp đỡ mình để liên lạc. “Tôi về Pháp chuyến này để giải quyết hai việc quan trọng: thứ nhất là ra tòa ly hôn với người vợ, thứ nhì là nhận công việc mới. Nhưng khi rảnh rỗi, có tiền mua vé máy bay tôi sẽ trở lại Mỹ Tho thăm những người đã giúp đỡ, cưu mang tôi lúc khó khăn hoạn nạn, ơn đó tôi không bao giờ quên”, Daniel nói. Riêng chuyện tài sản bị mất, Daniel nói cứ để công an điều tra sự việc, nhưng cũng còn may mắn là những tên trộm chỉ lấy tiền còn giấy tờ tùy thân và 3 tấm bằng lái xe của ông (Daniel có bằng lái mô tô, xe ô tô và xe tải nhẹ) chúng không vứt bỏ. Nếu mất hết giấy tờ thì chuyện làm thủ tục trở về Pháp quốc của ông sẽ rất nhiêu khê, phức tạp. Còn những người tốt bụng đã cưu mang giúp dỡ ông Tây lang thang trong suốt những tháng qua thì cười rất tươi, nói dẫu sao trời cao cũng còn có mắt, câu chuyện éo le của Daniel cuối cùng cũng kết thúc có hậu.