Những ký ức tốt về cha mẹ, những bài học làm người đang được anh tiếp nối để truyền lại cho các con, với mong muốn nối dài thêm sợi dây yêu thương dưới một nếp nhà…
Ký ức ngọt ngào
Những ồn ã phố phường dường như không thể “tràn” vào căn nhà nhỏ ở ngõ Liên Trì, Hà Nội. Bộ bàn ghế, tủ gỗ lỗi mốt, chiếc xe đạp đã “tróc sơn” từ năm 1965, chiếc quạt điện người cha được tặng cách đây 31 năm nhân ngày giải phóng Thủ đô, rồi cả chiếc đèn bão ông từng dùng trong thời kỳ chống Pháp…
“Tất cả đồ vật trong nhà đều cũ, trừ góc này là mới…” - anh Nguyễn Quý Thép chỉ tay lên tường. Nơi đó có ban thờ và 2 tấm ảnh chụp cụ ông, cụ bà. “Bố mẹ mất rồi nhưng anh em chúng tôi vẫn giữ nguyên mọi thứ trong nhà. Đồ nào còn dùng được thì tiếp tục dùng. Đồ nào quá cũ thì cất đi cho con cháu sau này biết”.
Với người con trai, ký ức về cha mẹ vẫn đầy tràn. Anh kể:
Bố tôi là lão thành cách mạng, tham gia hoạt động từ năm 1935. Ông từng là giám đốc Sở xe điện Hà Nội, giám đốc Sở lao động, và sau này là trưởng ban công nghiệp Thành ủy Hà Nội. “Ngày cưới, bố đi hoạt động cách mạng nên nhà nội phải nhờ người đóng giả chú rể đến đón mẹ tôi về. 5 năm trời, bà phụng dưỡng nhà chồng mà chưa một lần biết mặt chồng.
Mãi cho tới khi gia đình đoàn tụ ở Hà Nội, mẹ mới bắt đầu có hạnh phúc làm vợ”. Những người con lần lượt ra đời. Trong con mắt người cha, chủ nghĩa xã hội chính là công nghiệp hóa cộng với chế độ làm chủ. Vì thế, ông đều đặt tên các con của mình là: Sắt, Thép, Điện, Nước…”.
Người con trai cả tên Sắt sau này đã trở thành nhà khoa học về điện hạt nhân, là trưởng đại diện Việt Nam tại Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Đup-na (Nga) và là người tham gia thực hiện các thí nghiệm trên mặt đất trong chuyến bay của Phạm Tuân vào vũ trụ năm 1980.
Nguyễn Quý Thép là thạc sỹ, công tác tại Viện Khoa học Việt Nam, người có công trình sử dụng tro bay do nhà máy nhiệt điện thải ra để sản xuất bê tông nhẹ và công trình sử dụng bùn đỏ sau xử lý làm ra các vật liệu dùng trong xây dựng và giao thông.
“Điều lớn nhất hình thành nên nhân cách của tôi, đó là tình yêu thương của bố mẹ dành cho nhau và dành cho các con” - anh Thép hồi tưởng. Xét ở nhiều góc độ, bố mẹ anh là “đôi đũa lệch”. Bố anh có học thức, lịch lãm. Còn mẹ anh mù chữ, lại là con nông dân “chính hiệu”. Vậy mà, chưa một lần anh thấy người bố “thành thị” chê vợ “nhà quê”. Ở nhà, bà luôn là nội tướng.
Ông tôn trọng sự sắp đặt nhà cửa của bà. Bà nấu gì là vui vẻ ăn món đó. “Lương hàng tháng được bao nhiêu bố đều đưa cả cho mẹ để rồi thi thoảng bố lại xin mẹ 1 hào cắt tóc, 2 hào sửa xe”. Mỗi khi định làm gì ông lại “có lời” với bà, cho dù đa phần bà đều nghe lời chồng vì không hiểu nhiều chuyện. “Thời bấy giờ ít người nói tới khái niệm bình đẳng giới và quyền phụ nữ.
Nhưng tôi nghĩ những việc bố làm đều cho thấy ông rất trọng bà”. Lúc về già, cụ ông và cụ bà còn nổi tiếng khắp phố Liên Trì vì “tình cảm”. Chồng 70 tuổi vẫn nắm tay vợ 72 tuổi trên đường. Ông đèo bà trên chiếc xe đạp cũ rích. Cho tới cái lần ông đánh ngã bà vì quá yếu, các con phải “giấu xe” đi ông mới chấp nhận không… sánh bước cùng bà nữa.
Cha thường xuyên vắng nhà nên việc dạy con phần nhiều do người mẹ đảm nhiệm. Tuy thất học nhưng người mẹ lại thuộc truyền khẩu rất nhiều thơ, truyện cổ. Bà có cách dạy con rất hay. Đó là cố gắng gần gũi con nhất có thể. Tối nào, mẹ cũng ngủ với các con. Bản thân tôi, tuy là con trai nhưng vẫn được nằm cạnh mẹ mãi cho tới năm 15 tuổi.
Khi hai mẹ con nằm với nhau, mẹ thường xoa lưng và kể cho tôi nghe chuyện Phạm Công Cúc Hoa hay là đọc lần lượt mỗi ngày cho tới khi hết hơn 3000 câu Kiều… Sự gần gũi của mẹ khiến tôi nghiệm ra một điều, cha mẹ càng gần con bao nhiêu thì càng giúp con khôn lớn bấy nhiêu.
Sợi dây yêu thương
Năm 1995, nhận thấy sức khỏe của bố mẹ giảm sút, anh Thép, khi đó đã có gia đình riêng bèn “nói khó” với vợ để anh dọn đến chăm sóc bố mẹ. Thế là liên tục suốt 4 năm trời, vợ chồng anh gần như sống cảnh Ngưu Lang - Chức Nữ. Khi bố lâm bệnh nặng anh tự tay chăm sóc cha, gần như ăn ngủ luôn trong bệnh viện. Sáng, anh đến trường ĐH để làm luận án nghiên cứu sinh, chiều đi dạy thêm tới 10h đêm và sau đó lại đến thẳng viện. Không có giường, anh kê luôn mấy chiếc lót ghế xuống sàn nhà.
Sau khi cha anh qua đời, mẹ anh gần như suy sụp. Bà bị tai biến nặng, nằm liệt giường suốt 4 năm. Bà không nói được nên phải có người cảm nhận từng thay đổi nhỏ của bà để kịp thời gọi cấp cứu. Anh quyết định nằm ngủ chung giường với mẹ. Mẹ già cao tuổi, lại nằm liệt lâu ngày… không phải ai cũng có can đảm “đến gần”.
Thế nhưng, với anh, đó luôn là mẹ. “Tôi nằm bên và theo dõi mọi biến chuyển dù nhỏ của mẹ. Thật kỳ lạ, mẹ tôi bị tai biến, gần như không còn nhận ra sự vật xung quanh, thế nhưng, riêng với con của mình thì bà không bao giờ lẫn. Bà nằm im, thậm chí tay còn đập xuống giường như thể muốn nhích người vào trong để con nằm cho rộng”.
Sau khi mẹ qua đời, anh Thép mới yên tâm trở về với gia đình nhỏ của mình. Nhưng, tuần nào, anh cũng cùng vợ con về lại nhà xưa. Đã qua vài cái Tết anh em sum vầy tự tổ chức bên nhau khi không còn cha mẹ. Trước khi qua đời, cha anh không để lại di chúc, chỉ dặn rằng, căn nhà ở phố Liên Trì là của Nhà nước cho cha mẹ anh em hãy bảo ban nhau mà sống.
Không ai bảo ai, 4 người con lần lượt lớn lên và dọn đi. Họ đều đồng tình để lại căn nhà giá trị nơi con phố trung tâm Hà Nội cho hai người anh em còn lại. Không ai nghĩ đến việc thiệt, hơn về mình.
Nhìn ứng xử của cha, hai đứa con của anh Thép cũng hiểu được bài học hiếu đễ. “Gia đình tôi không nổi tiếng. Nhưng, ở đó, cha mẹ, con cái yêu thương, đùm bọc nhau. Đó là tài sản quý giá nhất mà đời tôi có được”.