Chuyện lạ 'làng người rừng' ở Tây Nguyên
Thứ sáu, 14/09/2012 09:33

Con đường độc đạo dẫn vào huyện biên giới Ea Súp càng đi sâu càng thêm hun hút. Dọc hai bên đường toàn rừng già và núi đá.

Đường vào

Đường vào "làng người rừng". (Ảnh: VTC)

“Làng người rừng” hay còn có tên gọi khác là “Làng nữ chúa Kỳ An”, nằm sâu trong rừng già phía Tây Nam xã Cư M’Lan, (huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk) với 4 không: không điện, không đường, không trường, không trạm. Hơn 400 nhân khẩu sống trong 100 nóc nhà này triền miên trong nghèo nàn, lạc hậu và những chuyện ly kỳ còn đậm đặc chất nguyên thủy, hoang sơ, hoàn toàn biệt lập với bên ngoài.

Săn thú ăn thay cơm?

Đang loay hoay tìm đường vào “làng nữ chúa Kỳ An”, một tốp thanh niên chạy lướt qua chúng tôi với những dụng cụ săn thú lỉnh kỉnh trên người. Thấy tôi nhìn ngơ ngác, một người tóc bù xù như đã nhiều ngày không tắm gội nói: “Muốn vào làng rừng uống rượu không? Ở đây ít ăn cơm lắm, mỗi tuần ăn một ngày thôi, chủ yếu săn con thú hay hái rau rừng ăn. Hôm nào không săn được thú thì uống rượu thâu đêm với rau rừng. Cuộc sống như thế mới thích”.

Theo người dân địa phương, người ta goi “làng người rừng” hay “làng nữ chúa Kỳ An” vì tất cả công việc trong làng đều do bà Kỳ An quán xuyến. Ngay cả việc đặt tên cho trẻ con trong làng, bà cũng là người đảm nhiệm.

Ngược thời gian, khoảng 12 năm trước, dân tộc H’Mông và Mường ở Cao Bằng, Lạng Sơn có cuộc sống khó khăn, đất chật, nhiều người còn bị những tay mối lái lừa sang Trung Quốc làm cửu vạn và trở về trong tình cảnh trắng tay. Đúng lúc đó, bà Kỳ An khoác ba lô vào Tây Nguyên tìm miền đất hứa. Sau nhiều tháng trời lăn lộn qua tỉnh Đăk Nông, Kon Tum, cuối cùng, bà tìm ra một khu đất trống biệt lập giữa rừng núi này, và kêu gọi bà con di cư vào đây tự lập nên làng. “400 nhân khẩu trong 100 ngôi nhà tranh này đều là các đồng bào dân tộc H’Mông, Mường di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào đây. Họ sống bằng phương thức tự cung, tự cấp. Thật ra làng không có tên làng, những cái tên hiện nay… đều là gọi theo cảm quan tự phát” – Trưởng công an xã Cư M’Lan kiêm người dẫn đường cho biết.

Nằm cách trung tâm xã Cư M’Lan chưa đầy 50km, nhưng đường dẫn vào ngôi làng đặc biệt này phải vượt qua 4 quả đồi, luồn lách qua những cánh rừng rậm còn nguyên sinh nên người đi có cảm giác xa hàng trăm ki lô mét. Theo nhiều người dân thường “đi rừng” ở xã Cư M’Lan thì vào mùa mưa, muốn vào được làng này phải đi bộ khoảng 10 giờ.

Trong lúc ngồi nghỉ chân, chị Nguyễn Thị Lài, chủ quán nước cũng tỏ ra lo ngại. “Cũng có thể vì khó khăn nên họ mới cam chịu cam sống biệt lập lập giữa rừng sâu vì bên ngoài quỹ đất đã hết, chẳng biết làm gì mà sinh nhai, sống miết không khéo thành người rừng”. Chủ tịch UBND xã Cư M’Lan cho biết, năm 2005 xã đã quy hoạch làng này thành một thôn thuộc xã Cư Kbang (cùng huyện) để bà con có thể hòa nhập với cộng đồng. Thế nhưng do quen với tập tục và lối sống biệt lập quá lâu, cộng thêm việc họ đã vỡ vạc được một diện tích lớn đất canh tác nên các cư dân này kiên quyết không tuân theo sự quy hoạch của xã, không muốn xã lập nên chính quyền.

Khước từ lối sống văn minh

Tuy nhiên để thuận tiện cho xã quản lý của các cư dân này, xã Cư M’Lan bắt buộc phải thành lập một chính quyền mới ở ngay trong thôn do chính những cư dân ở thôn này làm chủ. Theo đó, bà Kỳ An làm Trưởng thôn, ông Sánh Sồi làm Phó thôn và anh Hoàng Cường làm Công an thôn.

Theo phong tục ở “làng người rừng”, khi những đứa trẻ đầu tiên trong làng được sinh ra, bà Kỳ An sẽ cùng dân làng đưa đứa trẻ đó ra suối Ea Khang khấn vái suốt 4 tiếng đồng hồ rồi múc 13 gáo nước suối tưới lên người, sau đó bế nó về đặt giữa trung tâm làng 2 tiếng đồng hồ để nghe cho thấu tiếng gió của rừng, tiếng kêu của các loài chim muông, rồi mới đưa và nhà và đặt tên. Quy luật đặt tên này được áp dụng cho tất cả các đứa trẻ sinh ra ở “làng người rừng”. Tất cả những đứa trẻ ở đây đều được đặt bằng những cái tên nghe rất rừng rú như: Kỳ Nhông, Sáo Sậu, Vành Khuyên…

Ông Sánh Sồi kể chuyện về phong tục cổ xưa với vẻ mặt tự hào: “Những cái tên đó sẽ được thần núi, thần rừng, thần nước che chở, chúng sẽ lớn lên và gắn với rừng núi này. Trẻ con ở đây bất kể trai hay gái, khi bước qua 10 tuổi sẽ được người lớn tập cho uống rượu. Đặc biệt trong những ngày cúng thần rừng, sau khi uống cạn bát rượu, những đứa trẻ của “làng người rừng” sẽ đọc lời thề trung thành với rừng, sống bằng những sản vật của rừng chứ không cần những thứ ở phố phường hiện đại. Bước sang tuổi 12, con gái vào rẫy đi chỉa bắp, được dạy kỹ thuật bắn cung và đặt bẫy”.

Một góc buôn làng. (Ảnh: VTC)

Nhắc đến lý do bắt cả làng mình sống biệt lập trong rừng sâu, bà Kỳ An buồn bã kể rằng: “Năm 2004, tôi có một đứa em gái xinh đẹp như hoa núi, 18 tuổi, nó rời cái bản nhỏ heo hút nơi gia đình tôi đang sống về thị xã phồn hoa Lạng Sơn với mong muốn ở nơi văn minh đó, nó sẽ khôn lên và có cuộc sống tốt hơn, nhưng không ngờ những người ở phố thị đã lừa bán nó sang Trung Quốc.

Từ đó tôi ám ảnh và thấy e dè mỗi khi tiếp cận với những người ở phố thị. Ở đó, tôi linh cảm sự bất trắc nên không muốn những người trong làng của tôi hòa nhập với người ở phố. Chưa hết, mẹ tôi cũng đã bị ngộ độc thức ăn mà chết sau bữa lên thị xã Lạng Sơn ăn uống, nên tôi luôn có cảm giác các đồ ăn bày bán ngoài phố không tốt bằng những thứ trong rừng. Dân làng phải ăn cái trong rừng mới khỏe được”. Cứ thế, cuộc sống của cư dân “làng người rừng” quanh quẩn trong tăm tối của rừng núi.

Đói cơm, khát chữ…

Hiện nay, “làng người rừng” có hơn 100 đứa trẻ trong độ tuổi đến trường, nhưng chỉ có vài đứa chịu khó lội bộ đường rừng đến trường, còn đa số đều mù chữ. “Chúng tôi không cần cái chữ, chúng tôi đã được che chở bởi núi rừng, bởi thiên nhiên và bầu trời, không cần gần gũi cuộc sống văn minh đô thị. Mấy thứ đó không hợp” – Sùng Tiếu, một trong những cư dân đầu tiên di cư vào làng Kỳ An nói. Cũng theo Sùng Tiếu, từ khi theo bà Kỳ An vào đây sinh sống, cứ ngày rằm hàng tháng cả làng lại thắp lửa để cúng trời. Trong lễ cúng, họ đọc câu thần chú: “Ơ Yàng (nghĩa là trời – theo tiếng dân tộc) người là tối thượng, là bầu sữa của chúng con, làng này ngày ngày thành kính người, Ơ Yàng, người như con đại bàng khổng lồ xòe đôi cánh che chở cho chúng con…”.

Chính bởi cái tư tưởng nguyên thủy, lạc hậu đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân nơi đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến thế hệ con em họ. E dè, không muốn hòa nhập với cuộc sống bên ngoài nên khi có người bị ốm đau bệnh tật, cư dân làng tuyệt đối không tin vào y học mà nhờ thầy mo lập đàn cúng vái thâu đêm. Vì vậy, có nhiều cái chết đáng tiếc xảy xa.

Từ năm 2008 đến đầu năm 2012, một số đứa trẻ trong làng bị cảm cúm nhưng do không được uống thuốc nên đã chuyển qua co giật và tử vong. Trạm trưởng trạm y tế xã cho rằng: “Cần có một chiến dịch tuyên truyền theo kiểu mưa dầm thấm dần thì may ra mới làm xoay chuyển được suy nghĩ người dân”. Như một nỗi ám ảnh, ông A Ma Xanh, y tá người dân tộc bản địa tâm sự: “2 năm trước, tình cờ đi vào làng thấy một đứa trẻ trong làng bị ngộ độc thức ăn, nhưng khuyên mãi người làng vẫn kiên quyết không cho uống thuốc mà mang ra giữa làng đốt lửa và khấn vái suốt đêm, sau đó còn đưa đứa trẻ ra bìa rừng thắp hương gọi linh hồn chúa sơn lâm về bảo vệ”.

Không chỉ chuyện con chữ, chuyện thầy mo cúng bệnh mà chuyện ăn uống của cư dân “làng người rừng” vẫn còn đậm chất nguyên thủy. Sánh Sồi kể rằng: “Cứ 2 tháng, dân làng tập trung kéo ra chợ huyện một lần. Khi đi, mỗi người gùi theo ngô, sắn, củi để đổi lấy vải và dầu hỏa để thắp đèn dầu chứ không đổi lấy gạo hay thực phẩm khác. Có những tháng trời mưa sì sụt suốt ngày, dân làng chỉ tập trung nướng thịt chuột, uống rượu và ngủ. Từ lúc thành lập đến giờ, trẻ con trong làng không uống một hộp sữa bò nào cả. Trẻ con cứ mọc răng là tập nhai thịt thú rừng”.

“Làng người rừng” quan niệm những đồ ăn như thịt thú rừng, ngô sắn họ tự làm ra và kiếm được sẽ tốt hơn những thứ mua ở chợ nên họ chỉ ăn những thứ của rừng là chính. Ngay cả dầu hỏa cũng chỉ có vài nhà trong làng thắp, còn đa số họ dùng củi đốt mang cả hình ảnh của thần linh, bảo vệ, che chở cho làng. Chỉ tính riêng 2 năm 2009 - 2010, đã có hàng chục người dân làng bị ngộ độc do uống nước trong rừng. Thế nhưng họ vẫn giữ quan niệm nước sạch hay nước ủy ban xã cho xe đưa vào là không an toàn, chỉ có nước mưa tuôn chảy qua những cánh rừng rồi đọng thành vũng múc về dùng mới tốt.

Những suy nghĩ của người dân nơi đây vẫn đậm chất bản năng, cần sự thay đổi nhưng không phải chỉ trong một sớm, một chiều. Mong muốn chính quyền sở tại cùng các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc sớm đem lại cuộc sống hạnh phúc ấm no, đem lại cái chứ cho bà con nơi đây.

Xzone
Tag: Đăk Lăk , Tây Nguyên , Người rừng , Làng người rừng ở Tây Nguyên , Làng nữ chúa Kỳ An