Chuyện khó tin về người mẹ chấp nhận con đồng tính
Thứ sáu, 06/07/2012 08:30

Trong ký ức của chị Hà (Ngọc Lâm – Ngọc Thụy – Long Biên), lời thú nhận bị đồng tính của con trai vẫn khiến chị bồi hồi mỗi khi nhớ lại.

Cô Hà, mẹ của Phong.

Cô Hà, mẹ của Phong.

Mẹ và con trai

Trong ký ức của chị Hà (Ngọc Lâm – Ngọc Thụy – Long Biên), lời thú nhận bị đồng tính của con trai vẫn khiến chị bồi hồi mỗi khi nhớ lại.

“Tôi cũng sốc lắm nhưng vì đọc nhiều phương tiện thông tin nên tôi cũng dần hiểu ra vấn đề. Phong nói từ năm lớp 10 không có cảm xúc với con gái mà chỉ có cảm xúc với con trai. Lúc đó, tôi đã nói hay do con chưa ổn định về hoocmon và tâm lý thì con nghĩ thế, con cứ để tự nhiên xem thế nào. Phong bảo con vẫn để tự nhiên đấy chứ. Về sau Phong cũng đưa tài liệu cho tôi xem thêm.

Tôi cũng biết đồng tính không phải là bệnh, cái đó nó ăn sâu vào máu, vào gen”, chị tâm sự.

Trước khi nói với mẹ sự thật về cảm xúc, tình cảm của mình, Phong cũng lo lắng những điều tồi tệ có thể xảy ra. Em đã nghĩ đến những trường hợp như bị đánh đập, mắng chửi, bị đưa đi khám, tư vấn, chữa trị hay thậm chí là bị đuổi khỏi nhà. “Em tự đưa ra những hành động mà mình sẽ làm với mỗi trường hợp xảy ra”, Phong cười khi kể về những kế hoạch mà em đã vạch sẵn.

“Mắng chửi thì em im lặng, nói lý lẽ thì mình nói lại. Đánh đập thì mình sẽ tự vệ vì chuyện đồng tính không hề sai trái. Đưa đi khám thì em không lo vì chắc gì chuyên gia đã có nhiều kiến thức hơn em”. Nhưng rồi những kế hoạch đó đã không cần dùng đến vì phản ứng của bố mẹ đã vượt quá sự mong đợi của em, thậm chí còn gây sốc ngược lại người vừa come-out*. “Em cũng hơi sốc, hơi ngược đời đúng không?”, Phong cười khi kể lại, “Nhưng mà em thật sự rất hạnh phúc khi được sống là chính mình, không phải nghe những câu đại loại như “Yêu con nào nhớ bảo mẹ…”, mối quan hệ với bố mẹ cũng thân thiết hơn, thậm chí em có thể nói chuyện với mẹ em về người yêu mình (nếu có) rất thoải mái nữa”.

Trên thực tế có rất nhiều người đồng tính khi come-out với gia đình đã gặp phải sự phản ứng gay gắt từ cha mẹ, nhiều người đã bị đánh đập, chửi mắng, miệt thị, cắt hỗ trợ về kinh tế,… thậm chí nhiều người bị đưa đi khám, chữa trị, đưa lên bệnh viện tâm thần, bị nhốt trong phòng, bị bỏ đói,… Như trường hợp của Huy (Long Biên – Hà Nội) đã từng bị bố mẹ đưa lên bệnh viện tâm thần để điều trị vì nghi ngờ em có vấn đề về thần kinh (?!), hoặc như trường hợp của Nam (Minh Khai – Hà Nội) đã bị bố mẹ bắt phải ngủ trên phòng thờ rất ẩm thấp và nóng nực, chỉ để “rèn luyện” con mình sao cho nó nam tính, đàn ông hơn. Và còn rất nhiều trường hợp bi thảm khác, trong đó những đứa con đồng tính không nhận được sự ủng hộ từ gia đình – nơi lẽ ra phải yêu thương và bảo vệ các em đầu tiên, mà chỉ nhận được sự hắt hủi, phản đối, đánh đập, chữa trị mong có thể thay đổi các em thành những người “bình thường”.

Là con trai hạnh phúc của mẹ

“Tôi  cũng nói với bố của em, bố em cũng chấp nhận, không nói gì”, cô Hà tiếp tục, “Tôi cũng lo em nó sẽ gặp nhiều khó khăn, lúc đầu cô cũng không nói với ai. Rồi cô nói với dì Phong thì dì cũng không tin. Sau đó cô nói với bà ngoại – người thân thiết nhất với Phong, vì bà là người nuôi nấng Phong từ nhỏ mà. Bà cũng bất ngờ, rồi bà hỏi thế tương lai Phong thế nào. Tôi bảo em nó vẫn học hành, sinh hoạt như bình thường. Còn tương lai nếu muốn đẻ con thì mình thụ tinh nhân tạo, đẻ thuê hoặc nhận con nuôi cũng được. Chẳng có vấn đề gì”.

Bà ngoại, người nuôi nấng Phong từ nhỏ.

Được bố mẹ hiểu và chấp nhận, rào cản lớn nhất về tâm lý của Phong đã được gỡ bỏ, nhưng không phải ai trong gia đình em cũng thông cảm với em về điều đó. Phong tâm sự: “Dì và bà em khi biết tin cũng sốc và nghi ngờ, tìm cách giảm thiểu mọi khả năng em là người đồng tính đến mức có thể. Nhưng em và gia đình cũng cố gắng vượt qua điều đó, bây giờ thì mọi người cũng không đề cập đến nữa”.

Nói về những trở ngại trong xã hội, những khó khăn gia đình có thể gặp phải khi có một đứa con trai là người đồng tính, cô Hà mỉm cười: “Không vì xã hội, thiên hạ mà mình mới sống được, nó cũng tác động nhưng chỉ một phần nhỏ thôi. Mình sống vì gia đình mình”.“Bây giờ đẻ con ra nhiều người còn khổ hơn nhiều”, cô trầm ngâm nói, “Con người ta bị bệnh tật này kia người ta còn phải chịu. Con mình có bị làm sao đâu?”.

“Không chỉ chấp nhận em mà mẹ còn ủng hộ em đấu tranh cho quyền lợi của cộng đồng LGBT* nữa anh ạ. Em thấy mẹ em đúng là người của thời đại!” Phong hóm hỉnh nói, “Hơn cả là mẹ rất yêu em. Nó là vũ khí mạnh nhất đánh bật mọi định kiến về con mình”.

Tình yêu của cha mẹ đối với con cái có thể biểu hiện qua nhiều cách, nói một cách công bằng thì những người cha mẹ đánh đập, chửi mắng, đưa con đi chữa trị,… khi biết con mình là người đồng tính một phần có lẽ cũng bởi động cơ yêu thương con mình. Nhưng tình yêu thương con của mẹ Phong lại được thể hiện bằng cách tìm hiểu về con trai, tìm cách để gần gũi, thấu hiểu và chấp nhận con mình, ở bên và cùng con đối diện với những khó khăn, trở ngại mà giới tính của em có thể khiến em gặp phải. Dù Phong là ai và yêu bất kì giới nào đi chăng nữa.

Điều đó không phải ai cũng có thể làm được.

VNN
Tag: Người đồng tính , Đồng tính nam , Đồng tính , Giới tính