Vào viện dưỡng lão nghệ sĩ, trả lại cho đời vinh hoa lẫn đoạn trường
Nằm lọt thỏm trong một con hẻm khá yên tĩnh trên đường Âu Dương Lân, quận 8, TP. HCM, viện dưỡng lão nghệ sĩ hiện đang cưu mang 21 cảnh đời nghệ sĩ già.
Các nghệ sĩ già ở viện dưỡng lão duy nhất dành cho nghệ sĩ
Nơi đây được biết đến là trung tâm dưỡng lão duy nhất tại nước ta dành cho những nghệ sĩ, đa số là những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu. Khi chúng tôi tìm đến thăm thì cũng là lúc viện dưỡng lão đang xây dựng thêm một số phòng ốc mà dự kiến qua năm mới sẽ tiếp tục đón tiếp, bố trí mái nhà cho một số nghệ sĩ già khác có nhu cầu quây quần bên các đồng nghiệp một thời của mình để an dưỡng trong những năm xế bóng của cuộc đời, không vương vấn gì nữa. Ngồi trò chuyện, những tên tuổi của ngày ấy bỗng dưng nhắm mắt hồi tưởng về… một thời vang bóng.
Hoạ sĩ già Đặng Hoài Nam (81 tuổi) cho biết, ông đến cư ngụ tại bệnh viện dưỡng lão nghệ sĩ này đã tròn 13 năm và ông là một trong mười người đầu tiên trở thành thành viên của mái nhà này từ ngày thành lập (năm 1998).
Ông tâm sự: “Ở đây mà có khách đến thì chúng tôi, ai cũng mừng”. Ông còn khoe với chúng tôi rằng: “Tui đã bỏ hút thuốc được 2 năm nay rồi. Không phải vì tôi ham sống sợ chết mà bỏ thuốc lá. Nói chung là giờ nhắm mắt xuôi tay cũng mãn nguyện rồi. Có cái ham là ham được ăn nhiều cái Tết hơn với anh chị em ở đây”.
Vẫn giữ nguyên nét hào hoa, phóng khoáng của người nghệ sĩ, lão hoạ sĩ nổi danh một thời tâm sự chuyện nghề, chuyện đời với chúng tôi bằng chất giọng đầm ấm pha chút tếu táo, hóm hỉnh vốn có. Ông kể, với ông, cuộc đời từ thời trai trẻ đến giờ là những cuộc rong chơi bất tận. Ông sinh ra trong gia đình nông dân tận miệt Long An và là con út trong gia đình có 7 anh chị em. Thế nhưng, chiến tranh loạn lạc và thời cuộc đói kém nên cha mẹ và các anh chị em của ông đều qua đời sớm, chỉ còn lại một mình ông và kể từ đó, ông dấn thân vào đời du lãng giang hồ, nay đây mai đó.
Nói về cái nghề hội hoạ, ông kể chỉ học vỏn vẹn vài năm từ năm 1947-1950. Vì mê vẽ nhưng không có tiền bạc để đi đó đi đây thoả chí đam mê nên ông xin vào làm một chân trang trí phông màn sân khấu cho đoàn kịch Năm Châu - một đoàn kịch danh tiếng thời bấy giờ - với mục đích là kiếm sống và cái quan trọng là được đi đó đi đây để tranh thủ được vẽ.
Rồi cái chuyện cơm áo, gạo tiền kéo ông theo guồng quay khi liên tục làm việc cho các đoàn hát như đoàn Thủ Đô, Út Bạch Lang – Thành Được, Kim Chung… Đi đến đâu, đôi tay của người hoạ sĩ này cũng giúp ông để lại danh tiếng. Bên cạnh đó, ông còn bén duyên với điện ảnh khi dựng cảnh cho hàng loạt phim ảnh nổi tiếng bấy giờ như: “Nghêu sò ốc hến”, “Bàn thờ tổ với cô đào”, “Tô Hiến Thành”, “Xa lộ không đèn”, “Lan và Điệp”, … Mãi đến tận sau này, khi sân khấu cải lương Nam bộ còn ít đất sống, công việc cũng vơi ít đi thì ông lại rẽ sang cách kiếm sống khác, cũng sử dụng bàn tay tài hoa của mình để trang trí nhà hàng, vũ trường, quán cà phê…
Khi chúng tôi hỏi về chuyện gia đình, lão hoạ sĩ già cười sảng khoái: “Đi chơi vui hơn. Tối ngày cứ nay đây mai đó, ham chơi nên không nghĩ đến việc lập gia đình. Lấy vợ mà không lo được cho vợ con thì lấy làm gì?”. Ông cứ như cánh chim, bay hoài không mỏi, rong chơi hoài cũng không biết chán, thế là quên cả việc… lấy vợ, tự bao giờ cũng không có một mái ấm nhất định, không con cái, đến lúc nhìn lại thì đã bạc tóc. Thế là khi sức khoẻ không cho phép, cộng với việc kiếm sống nhờ bàn tay tài hoa không còn phù hợp, ông tìm đến viện dưỡng lão nghệ sĩ này như là để tìm đến nơi nghỉ ngơi trong những ngày cuối đời, trước khi về với ông bà tổ tiên.
Có thể nói ở viện dưỡng lão dành cho nghệ sĩ duy nhất tại Việt Nam này, mỗi người là một cảnh đời. Trường hợp mê chơi quên lập gia đình như lão hoạ sĩ Hoài Nam cũng không ít nhưng cũng có những nghệ sĩ già đề huề con cháu nhưng vẫn tìm đến mái nhà chung này để tìm niềm vui của những năm tháng cuối đời.
Ở nơi không có sự cô đơn
Nghệ sĩ Lệ Thẩm (tên thật là Nguyễn Thị Thẩm, SN 1937, ngụ tỉnh Bạc Liêu) kể với chúng tôi rằng bà có duy nhất một người con gái, đến nay đã có đến 5 đứa cháu ngoại rồi, nhưng vào đây, gặp bạn bè một thời thấy vui hơn, sống an nhàn, tự tại hơn. Hiện, bà Lệ Thẩm là một trong ba người (cùng với hoạ sĩ Hoài Nam và danh hài Trường Sơn) là những người thuộc ban quản lý của viện dưỡng lão nghệ sĩ.
Hoài niệm lại chuyện quá khứ vang bóng một thời, nghệ sĩ Lệ Thẩm kể: “Tôi sinh ra như gắn cuộc đời mình với nghệ thuật”. Để minh chứng cho điều này, bà kể, bà sinh ra trong đoàn hát Thái Bình của cô Ba Ngưu. Cha của bà là tay đờn cổ nhạc Hai Cần (tức ông Nguyễn Văn Cần), còn mẹ chỉ đi theo cha để làm một chân nội trợ trong đoàn hát tiếng tăm này. 5-6 tuổi đầu, bà đã bước lên sân khấu với những cai phụ như công chúa, tiểu thư… Rồi đến khi bà 17-18 tuổi, cha nghỉ tay đờn, cũng gửi bà cho đoàn Năm Châu tiếp tục con đường sân khấu cải lương mà bà mê từ thuở vừa lọt lòng.
Ngồi nói chuyện, nhớ về quá khứ huy hoàng, vẻ mặt của nghệ sĩ Lệ Thẩm đầy tự hào, vui tươi khác lạ. Bà nói năm 18 tuổi, bà trở thành đào chính trong vở “Tấm Cám” và nổi danh như cồn từ sau vở diễn này. Rồi nhiều đoàn hát như Đuốc Việt, Tiếng Chuông… trải thảm nhung mời bà về.
Năm 20 tuổi, bà lập gia đình với nghệ sĩ Tuấn Sỹ - một trong những đào chánh danh tiếng thời bấy giờ, gắn liền với tên tuổi của các đoàn hát như Hương Hoa, Tiếng Chuông… Một thời gian sau thì bà cùng chồng tự đứng ra thành lập một gánh hát lấy tên là Nhuỵ Hương - Tuấn Sỹ. Hơn 10 năm đoàn hát tồn tại, vợ chồng bà chẳng tích cóp được gì, cũng chẳng có nhà cửa, ngoài đứa con gái duy nhất hiện đang sống tại Chợ Lớp, quận 5. Lang thang kiếm sống đến khoảng năm 1996, người bạn đời ra đi vì tuổi cao sức yếu và chỉ một năm sau, bà tìm đến mái nhà này.
Tuy nhiên, không phải ai cũng vào đây cũng quên hẳn cái nghiệp đã gắn bó suốt cả cuộc đời của mình. Trường hợp như nghệ sĩ Lệ Thẩm thì cũng có khác biệt, trong vài năm nay, bà vẫn đóng vai phụ trong những bộ phim trẻ trung như “Mùa len trâu”, “Dốc tình”, “Ngọn nến hoàng cung”, “Vòng xoáy tình yêu”… Âu cũng là niềm vui chút ít còn lại trong cuộc sống của một người nghệ sĩ đã bước đến đoạn dốc của cuộc đời.
Một trong những trường hợp đặc biệt khác tại viện dưỡng lão nghệ sĩ phải nói đến là nghệ sĩ Thiên Kim (tên thật là Đoàn Thiên Kim, SN 1934). Cái đặc biệt là người nghệ sĩ già này đến giờ vẫn còn thu nhập kha khá từ cái nghề đóng phim, được các nghệ sĩ khác gọi là người kiếm nhiều tiền nhất… trong nhà. Đa số những người trót dính vào cái nghiệp nghệ sĩ thì số phận cũng long đong, truân chuyên và cả cuộc dời của nữ nghệ sĩ Thiên Kim âu cũng là sự sắp đặt của định mệnh.
Bà kể, khi bà nói chưa tròn vành chữ “ba” thì người đàn ông ấy đã bỏ mẹ con bà ra đi. Những năm sau đó, Thiên Kim cùng hai người chị ruột và bà mẹ sống với người cha kế tại khu vực Bà Chiểu, quận Bình Thạnh. Nhưng năm đứa con gái út Thiên Kim lên 8 cũng là lúc người cha kế qua đời. Bốn mẹ con bám víu nhau, bươn chải sống qua ngày.
Từ người chị cả theo gánh hát mà bà cũng tập tành rồi sống bám và gánh hát Kim Thoa với những vai nhí. Sau này, bà chủ Kim Thoa của đoàn hát này nhận Thiên Kim là con nuôi. Đời nghệ sĩ là vậy, đến khi tóc bạc, bà không nhớ mình đã đi qua bao nhiêu đoàn hát, đón bao nhiêu vai trên sân khấu. Bà chỉ nhớ được những đoàn mà bà đi qua, đã để lại những kỷ niệm khó quên như đoàn Năm Châu, Bích Thuận, Hoa Hồng… và những vở diễn làm nên tên tuổi Thiên Kim như “Tam hoang tử tranh hôn”, “Phụng Nghi Đình”… đặc biệt là vở “Lấp sông Giang”… Mà chính vì sự nhạy cảm chính trị của vở kịch này mà đoàn hát bị ném mìn, làm ba người chết, hàng chục người bị thương; trong đó nghệ sĩ Thiên Kim cũng bị dính đạn.
Đến giờ, mảnh đạn vẫn còn nằm trong cơ thể bà và khi trái gió trở trời thì bà bị đau nhức, hành hạ. Sự kiện đó đã đi vào lịch sử không thể quên của ngành sân khấu nói riêng và một phần của lịch sử nước nhà nói chung mà đến bây giờ, vẫn được nhiều người nhắc lại.
Cái nghiệp “cầm ca” ai cũng mường tượng được là trắc trở về hôn nhân, Thiên Kim cũng không là ngoại lệ. Cả quãng đời bà, bà đã có hai người đàn ông nhưng người đầu tiên rời bỏ bà khi đứa con đầu lòng chưa đầy 3 tháng tuổi và sau đó thì qua đời; còn người đàn ông thứ hai thì có với bà đến bốn mặt con nhưng sau đó cũng xuất ngoại sang Pháp, đến nay đã hàng chục năm trời nhưng nào có liên lạc gì.
Rong chơi cũng qua kiếp người, nhưng đến bây giờ, bà Thiên Kim ngồi ngẫm nghĩ lại và không khỏi tự hào vì đã nuôi nấng năm đứa con nên ngoời, thậm chí là người chị ruột vì lý do nào đó cũng để lại năm đứa con nhỏ gọi Thiên Kim bằng dì và bà cũng nuôi chúng đầy đủ được. Đến bây giờ, bà không nghĩ được vì sao mà mình làm được điều này, trong khi đó bà là lao động duy nhất trong gia đình trong giai đoạn đất nước vừa giải phóng, kinh tế còn khó khăn.
Cũng như bao nhiêu nghệ sĩ khác, khi đoàn hát ngày càng lay lắt thì Thiên Kim cũng chuyển hướng tìm kiếm kế sinh nhai khác. Bà chuyển sang đóng phim và lồng tiếng phim. Nhưng ở công việc nào, bà cũng là tên tuổi sang với các vai chính trong các phim như “Huyền Trân công chúa”, “Quán gấm đầu làng”… Có giai đoạn, bà về cư ngụ, làm việc ở Đài Truyền hình TP.HCM, nhưng chỉ được một thời gian thì bà lại bôn ba cùng với đoàn hát Cửu Long Giang và gắn bó cho đến những năm tháng nghỉ hưu rồi về viện dưỡng lão này.
Hiện giờ, ở mái nhà chung này, bà được anh em nghệ sĩ gọi là “người kiếm tiền nhiều nhất nhà” cũng đúng thôi, vì hiện nay, dù đã già, sức khoẻ yếu nhưng bà chạy “sô” đóng phim liên tục, dù chỉ là những vai phụ, thu nhập không đáng bao nhiêu. Tiền thu nhập, bà dành để giúp cho con cái vì cuộc sống của con cũng khó khăn; một phần còn lại, bà gửi tiết kiệm để an dưỡng tuổi già. Nói về nềm vui riêng, nghệ sĩ Thiên Kim khoe: “Cái vui bây giờ là đều đặn mỗi năm, tôi cùng đón Tết với các anh chị em nghệ sĩ ở đây. Và vui hơn nữa là có khi ra đường, nhiều người hâm mộ vẫn nhận ra tôi qua những phim ảnh mà tôi đóng gần đây. Họ quấn quýt, ôm hôn… làm mình cảm động quá chừng! Bây giờ, được đi làm là vui lắm rồi”.