Chuyện cổ tích về tình cha - con

Đầu năm 2011, Phạm Vũ Thiều Quang, 9 tuổi, trở thành người nhỏ tuổi nhất châu Á khám phá Nam Cực. Chuyện về cậu bé học lớp 5 trường Quốc tế Singapore luôn hấp dẫn. Cả tình bạn thú vị của cha con Thiều Quang.

Thiều Quang (phải) và bố tại Đảo Currville, Nam Cực.

Con

Thiều Quang (SN 2001) dáng dong dỏng, da trắng, má ửng hồng như trái đào chín, ấn tượng với cặp mắt to, tròn sáng. Nhà thám hiểm nhí kéo tôi lại bên chiếc laptop, vật bất ly thân của cậu mỗi ngày khi tôi hỏi chuyện Nam Cực. Thiều Quang thao tác trên bản đồ trực tuyến từng vị trí cậu đã đi qua, dừng chân. Thiều Quang đo quãng đường vượt eo biển Drake tới Nam Cực gần bằng đường bộ từ Hà Giang tới mũi Cà Mau. Cậu bé kể, 3 ngày trên tàu vượt eo biển dữ nhất, sóng to khiến Thiều Quang bị nôn tới 6 - 7 lần, gần như không ăn uống được gì. Nhưng khi đặt chân đến đảo Deception, cậu đã chinh phục được thử thách.

Cậu bé chia sẻ: “Đến giờ cháu vẫn rất vui vì sau chuyến đi Nam Cực, cháu hiểu biết hơn về nhiều nơi trên thế giới. Cháu muốn chia sẻ những gì mọi người đang làm ở Nam Cực như nghiên cứu về nhiệt độ, băng và hệ sinh thái ở đó có thích hợp với loài vật không”. Cậu giới thiệu những trạm nghiên cứu trên Nam Cực, đo diện tích các đảo, độ sâu eo biển; tự tin giới thiệu lịch sử của miền đất này...

Khát khao về môi trường sống trong lành chiếm phần lớn cuộc nói chuyện với cậu bé nay đã 10 tuổi. Thiều Quang cho rằng bảo vệ môi trường là việc lớn và tích cực tham gia. “Cháu muốn thế giới sạch đẹp hơn. Nếu không bảo vệ môi trường, bầu khí quyển sẽ bị ô nhiễm, tầng ô zôn bị thủng và bề mặt Trái đất sẽ chẳng khác gì một bãi rác khổng lồ”, Thiều Quang nói.

Anh em Thiều Quang khám phá bãi giữa sông Hồng, Hà Nội .

Cha

Anh Phạm Quang Vinh, bố Thiều Quang cao to, nước da đen giòn như dân đi biển. Hai cậu con trai đặc biệt mết bố và luôn ước được cùng anh đi bộ từ trường về nhà để trò chuyện.

Hỏi anh Vinh có dạy con kiến thức và phương pháp học tập không, anh thẳng thắn: “Có những nguyên tắc của tôi có thể bị nhiều người phản đối. Tôi nghĩ kiến thức và cách tiếp cận kiến thức giữa các thời kỳ hoàn toàn khác nhau nên gần như tôi không có gì nhiều để dạy cho các con về kiến thức phổ thông. Thực tế, con người dạy bảo nhau rất ít mà phần lớn kiến thức là do mỗi người tự tìm hiểu, khám phá theo nhu cầu, ý thích của họ”. Vì vậy, theo anh Vinh, điều quan trọng là khơi gợi, từng bước tạo điều kiện cho con tìm hiểu về thế giới, tôn trọng sáng tạo, khám phá và ý thức của con trẻ.

Anh Vinh cho con sử dụng máy tính từ lúc lên 5 và mỗi người tự dùng máy tính của mình một cách dễ chịu vì hầu như không ai kiểm soát, theo dõi lẫn nhau làm gì với thế giới mạng. Anh Vinh cho biết, 2 con anh tự học được rất nhiều kiến thức từ những chiếc máy tính. Có lĩnh vực, ví như kiến thức địa lý, Thiều Quang nắm vững hơn bố nhờ tự khám phá. Anh Vinh nói: “Nên tin vào trẻ em và sự tò mò của chúng, để thấy chúng lớn lên ra sao, thông minh thế nào”.

Anh Vinh chia sẻ, hầu hết trẻ con ở Việt Nam thường xuyên bị ép buộc phải làm thế này, thế kia theo ý muốn của người lớn mà ít khi được hỏi chúng yêu thích, mong muốn được làm gì. “Sở dĩ tôi mong muốn chơi với con bình đẳng như những người bạn là bởi nhiều trẻ con thường bị coi là đồ chơi của người lớn".

Và chúng ta là bạn

Để làm bạn với con, nguyên tắc đầu tiên anh Vinh theo đuổi là trung thực, thành thật với con và với chính mình. Khi 4 - 5 tuổi, Thiều Quang luôn đặt câu hỏi về những thứ xung quanh mà bố mẹ không thể biết hết. Không giống nhiều cha mẹ tìm mọi cách để trả lời con, anh Vinh thành thật nói “Bố không biết”, và đó là cách để Thiều Quang tự tìm câu trả lời. Với câu hỏi “Cây cầu nào dài nhất thế giới?” hồi 5 tuổi, Thiều Quang nhờ bố viết cho cụm từ “longest bridge” để tìm kiếm trên internet, cậu bé nhận ra, tự mình có thể tìm hiểu được rất nhiều thứ, nhiều kiến thức.

Thiều Quang (phải) giới thiệu với khách thăm tại triển lãm ảnh “Mùa hè Hy Lạp” gồm 35 bức ảnh do em chụp. Triển lãm do Đại sứ quán Hy Lạp tổ chức tháng 10-2011 tại Hà Nội Nguồn: Album gia đình anh Phạm Quang Vinh .

Vừa quan tâm với tư cách người cha, anh Vinh còn hoá thân thành đứa trẻ để lắng nghe, chia sẻ và chơi với con. Rất nhiều cha mẹ biết con thích khám phá thế giới tự nhiên, môi trường sống xung quanh trẻ trong khả năng đáp ứng được nhưng họ không sẵn lòng, hoặc ít dành thời gian đưa con đến những nơi đó. Khi biết 2 cậu con trai thích ra bãi giữa sông Hồng (Hà Nội), anh Vinh không chỉ cùng các con mình đạp xe đến mà còn giúp con tổ chức để bạn bè của chúng cùng được chia sẻ niềm vui ấy. Cuối tuần, bố con anh lại có những chuyến khám phá các địa danh ở Hà Nội. Thiều Quang có lẽ là một trong số ít những đứa trẻ Hà Nội từng đạp xe gần 30km vượt qua cầu Thăng Long lúc 6 tuổi.

Trong những chuyến đi cùng bố, Thiều Quang học được nhiều điều. Ví như việc xếp hàng cả tiếng đồng hồ ở sân bay Hong Kong lúc Thiều Quang 7 tuổi giúp cậu bé nhận ra: Chọn hàng nào để đứng; chọn chỗ nào để chờ đợi. Anh Vinh tâm sự với con: “Con vừa phải biết kiên nhẫn chờ đợi, vừa phải biết chọn lấy chỗ của mình để không bỏ qua những cơ hội khác. Hãy giành lấy cơ hội một cách lịch sự, văn minh và hãy biết cách chờ đợi”.

Nguyên tắc bình đẳng cũng luôn được bố con anh Vinh ứng dụng một cách công bằng với nhau. Khi anh em Thiều Quang mắc lỗi, đôi khi anh Vinh đề nghị các cậu bé viết lại để rút kinh nghiệm, nhưng chính anh cũng có lúc viết gửi các con: “Có lẽ, bố chưa thực sự là người bạn tốt của con bởi vì bố đã không dành đủ thời gian và không chia sẻ với con tất cả những gì con nghĩ. Đôi khi bố cũng quên rằng, bố là người lớn, thỉnh thoảng bố mang những cái phức tạp từ thế giới người lớn của bố áp đặt vào con, phán xét con. Bố viết ra những điều này giống như một bản tự kiểm điểm để tự nhắc nhở bố nhớ là có lúc bố chưa thực sự là người bạn của con. Và thế là không tốt. Bố đang cố gắng trở thành đứa trẻ ngoan. Bố hứa đấy”.