Đầu tiên phải kể đến một điều khá khôi hài là có vẻ xe đạp điện không thích hợp cho việc... đạp. Tất nhiên đi xe đạp điện chẳng ai muốn phải đạp như xe đạp thường bao giờ, nhưng nếu chẳng may xe hết điện giữa đường thì ngoài đạp ra chỉ có nước... dắt.
Ông Văn (Định Công, Q. Hoàng Mai, Hà Nội) dùng xe đạp điện đi thăm nhà con gái ở Q. Đống Đa. Trên đường về, xe hết điện lúc còn cách nhà tới hơn 3 cây số. Nghĩ mình vẫn còn... sức nên ông đạp xe một mạch về nhà. Không ngờ sau đó ông Văn đau lưng ê ẩm mất vài ngày.
Nguyên nhân chính là do vận động không phù hợp: So với xe đạp bình thường thì khung và yên xe đạp điện cấu tạo thấp hơn hẳn, chu vi bánh xe nhỏ và khối lượng xe không phải nhẹ, vì thế khi đạp rất mỏi lưng vì chân phải guồng nhiều nhưng không duỗi hết tầm. Vì vậy, đối với người lớn tuổi đi xe đạp điện, tốt nhất là... không nên để xe hết điện giữa đường mà nên nạp thường xuyên khi thấy đèn báo yếu điện.
Tuy vậy có lúc xe hết điện lại là "may mắn" như trường hợp của anh Hưng (Khu đô thị Linh Đàm), khi mượn xe con gái sang chơi nhà người bạn. Trời nhá nhem tối, khu dân cư lại vắng vẻ nhưng chủ quan nên anh không khóa thêm khóa chống trộm dù dựng xe ngoài cửa. Đang ngồi trong nhà thì thấy cháu bé con chủ nhà chỉ ra cửa kêu thất thanh, anh giật mình nhìn ra thì vừa kịp thấy một gã thanh niên cưỡi xe phóng đi.
May sao chiếc xe... yếu điện chạy lờ đờ đã giúp anh đuổi kịp tên trộm. Kẻ gian khi thấy anh đuổi kịp đã nhảy khỏi xe chạy thoát thân. Anh Hưng kể lại: "May mà xe không chạy nhanh, tôi cũng khỏe chân nên mới đuổi theo được. Về sau tôi lúc nào cũng nhắc con gái không được quên khóa xe."
Xung quanh chiếc xe đạp điện có khối chuyện bi hài (Ảnh minh họa)
Bảo vệ chiếc xe có giá trị không nhỏ trước các đối tượng trộm cắp không phải là chuyện dễ dàng khi thủ đoạn phá khóa của kẻ gian ngày càng... lợi hại. Nhiều người trong quá trình sử dụng đã phát hiện ra hiện tượng: ở một số dòng xe đạp điện, do cấu trúc ổ khóa tương đồng mà chìa khóa xe này có thể... cắm vừa ổ khóa và bật được máy xe khác cùng chủng loại. Vì kém an toàn như vậy nên người đi xe đạp điện hầu như đều phải trang bị thêm một khóa dây chống trộm.
Chị Bình (Khương Trung, Q. Hoàng Mai, Hà Nội) thì được một phen hú vía với tay ga xe đạp điện trong một lần mượn xe con trai đi chợ: "Chưa đi xe đạp điện bao giờ, nghĩ là cũng dễ điều khiển nên tôi không hỏi lại cháu. Ai ngờ vừa dắt xe ra khỏi nhà, mới chỉ vặn ga mà xe đã vọt về phía trước cả mét." Chị hoảng hồn phanh gấp, còn cậu con trai thì cười khanh khách.
Không chỉ chị Bình mà nhiều người cũng có chung nhận xét là tay ga xe đạp điện tương đối nhạy và nhẹ nên khi xe chở nhẹ, người điều khiển nếu vô ý vặn ga quá lực sẽ khiến xe vọt tới trước. Tốc độ xuất phát của xe tuy không lớn nhưng cũng có thể gây ra những va chạm không đáng có.
Đặc biệt, khi chuyển từ đi xe đạp sang đi xe đạp điện, nhiều người chưa quen với phản xạ nhả ga, bóp phanh trước những tình huống có thể xảy ra khi tham gia giao thông. Chính vì thế khi có sự cố, thay vì bóp phanh thì không ít người đã luống cuống mà vặn tay ga khiến tai nạn xảy ra.
Về thông tin trước đây cho rằng phụ tùng xe đạp điện rất dễ hỏng, anh Thắng, chủ một cửa hàng xe đạp điện trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) cho biết: thực ra, xe đạp điện không dễ hỏng hóc, thậm chí còn tương đối bền. Một số trường hợp được phản ánh trước đây như xe chết máy, ắc-quy không vào điện trong khi xe mới mua vài ngày v.v... hầu như chỉ gặp ở các mẫu xe đã qua sử dụng (hàng bãi).
Để xe được bền, người sử dụng nên lưu ý tránh đi vào những chỗ đường gồ ghề, vì xe không có hệ thống giảm chấn cho bình ắc-quy và động cơ nên những bộ phận này dễ trục trặc nếu bị va đập lẫn nhau khi xe xóc nảy.