Tuy nhiên, việc cả một khu dân cư rộng lớn của thủ đô Hà Nội (xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ) có quá nhiều bà con sống bằng nghề… “giặt rác” thì đúng là “rách trời rơi xuống”.
Từ tang tảng sáng đến rim rỉm tối, bà con túa đi bãi rác thiên hạ, bới qua dòi bọ, xác động vật để tìm nhặt nylon, bao tải xú uế về làng rồi giặt giũ, phơi rợp xóm thôn, phủ sặc sỡ quốc lộ 32, sau đó đóng gói đem bán.
Rác tràn ngập quốc lộ 32, đầu độc môi trường và gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Ảnh: Đ.D.H
“Chúng tôi bị lãnh đạo thành phố “mắng” oan”!
Họ mưu sinh cách ấy, thì vẫn được xem là lương thiện và đáng cảm thông. Chỉ có điều, với thu nhập vài chục nghìn đồng một ngày lao động cật lực, chung sống với môi trường cực kỳ độc hại, bẩn thỉu, lại thêm thảm họa môi trường mà cái nghề “giặt rác” rước về cho đông đảo bà con và cả cộng đồng... - có thể thấy: Sự “đánh đổi” này quá nhẫn tâm.
Trong vòng 4 - 5 năm qua, bất kỳ ai đi qua khúc quốc lộ 32 dài dằng dặc chạy dọc xã Phụng Thượng ấy cũng phải sửng sốt. Bởi nylon đủ màu xanh đỏ tím vàng rải kín hai bên đường, phủ kín cả sân vận động, đường quê và bờ ruộng, trùm lút cả bãi rác xây quy mô của địa phương, bao bọc xú uế kinh hoàng quanh tấm panô tô vẽ màu mè to bằng 4 cái chiếu đôi “Gìn giữ môi trường”, rồi “Tích cực xây dựng quê hương xanh - sạch - đẹp”. Mấy khu xây dựng nhà máy xí nghiệp đã giải tỏa mặt bằng và có cổng bảo vệ hẳn hoi, cũng được bà con tận dụng để phơi rác nylon thối khắm. Rác lấn hết quốc lộ, tai nạn xảy ra liên tiếp. Các máy “giặt rác” hoạt động ầm ầm, bùn nước thối kinh hoàng xả xuống kênh Tây Ninh vốn trước trong trẻo, bao năm giúp huyện Phúc Thọ thoát được nước lũ ra sông Đáy.
Một vùng quê tràn ngập rác theo đúng nghĩa đen. Đến mức, ông Nguyên - Chủ tịch UBND xã Phụng Thượng - gặp chúng tôi chỉ biết thở dài: “Rác nhiều đến mức, lãnh đạo thành phố Hà Nội “kinh lý” qua đoạn quốc lộ 32 quê tôi, họ sợ quá, tá hỏa gọi điện về uỷ ban huyện “phê phán” rằng: Sao huyện và xã để địa bàn “bẩn thỉu” đến mức khó tin như vậy. Rác tràn ngập nhiều hơn cả ở... bãi rác. Cả thế giới người ta đang tìm mọi cách đưa nylon ra khỏi cuộc sống, sao mình để dân lút trong nylon đến thế?”. Vị chủ tịch xã gãi đầu gãi tai: “Chúng tôi thu gom rác chuyên nghiệp lắm, xây cả nhà kiên cố chứa rác trước khi xe của Nhà nước đến thu gom. 13 cụm dân cư là 13 đội thu gom rác. Cái mà thành phố tưởng là rác chúng tôi thải ra kia, chẳng qua là nylon bà con đi nhặt về rồi giặt giũ, phơi phóng, đóng gói để chờ tư thương đến mua”.
Sau khi bị “trách móc”, Phụng Thượng đã ra quân vận động bà con bỏ nghề độc hại tổn thọ mà thu nhập còm nhom kia đi. Bà con không nghe. Xã gọi loa thông báo, tuyên truyền cật lực. Trước Tết Nguyên đán vừa rồi, có mấy hộ để rác rưởi trên ôtô còn bị... tạm thu cả xe, thu gom cả rác “thương phẩm” đem đi tiêu huỷ ở bãi rác “nhà nước” trên khu vực thị xã Sơn Tây. Xót tiền của công sức của hàng xóm láng giềng lắm, nhưng phải “xử” một vụ để làm gương. Đảng uỷ, chính quyền xã đều báo cáo với chúng tôi như vậy. Song những gì hiện giờ vẫn còn nhìn thấy ở Phụng Thượng thì... thật đáng sợ.
Thậm chí chúng tôi chỉ có ý định tham quan một cỗ máy “giặt rác” chạy đinh tai nhức óc, xả nước bùn sền sệt đen kịt xuống kênh Tây Ninh, thì một nhóm người ở ngay đầu chiếc cầu bêtông duy nhất của địa bàn Phụng Thượng nằm trên quốc lộ 32... đã xông ra. Họ túm ngực một phóng viên đòi đánh. Họ chửi bới thậm tệ. Họ chỉ vào lan can cầu bêtông có dòng chữ mà mỗi chữ to gần bằng cái vành xe đạp: “Gia tộc côn đồ”! Không biết vô tình ai đó viết lên đó, hay đó cũng là sự “ghi nhận đẳng cấp” cho đám thợ “giặt rác” đầu gấu vừa định hành hung nhà báo? Hay đó là sự thách thức của gia chủ? Chính quyền xã Phụng Thượng tỏ ra không bất ngờ khi nghe chúng tôi kể lại chuyện “gấu mèo gấu biển” kia.
Bởi, với người “giặt rác”, thì ai kiểm tra, ai chụp ảnh hay hỏi han cái gì cũng đều dễ dàng đẩy họ vào nguy cơ mất nghề, mất miếng cơm manh áo. Đơn giản là xã đã ra quân chấn chỉnh tình trạng đầu độc môi trường kia nhiều lần mà chưa hiệu quả. Những lao công “giặt rác” ướt nhách, ở trần, chân đất, tay trần, cứ thế bốc nylon đen đúa bùn đất dòi bọ thả vào máy giặt ào ào. Ngần nào bẩn thỉu thì tống cả ngần ấy ra kênh. Giặt xong, họ cõng rác lên xe cải tiến, rải ra quốc lộ. Rác thành phẩm (sau khi giặt sạch, phơi khô, đóng bao tải) bán được 3.000 đồng/kg, xe tải từ mạn Hưng Yên lên “ăn hàng”. Không khô, không sạch không mua. Họ mua về tái chế đồ nhựa dân dụng. Nghe nói sản xuất thứ đó rất lãi.
Cảnh “giặt rác” nylon ở Phụng Thượng.
Nghề kinh dị!
Nghe nói, trước kia các “ông bà chủ” ở Hưng Yên có đẩy nghề “giặt rác” sang Bắc Ninh khiến các dòng sông và con kênh xứ Bắc bị nhuộm đen. Sau đó, người Kinh Bắc sớm nhận ra sự khốc hại của cái nghề tàn sát sức khỏe và môi trường kiểu “đổi sự sống lấy miếng ăn” này. Không “miền quê” nào chịu trở thành công xưởng nhặt và “giặt rác” cho đám con buôn. Thế rồi vòng vèo thế nào đó, nghề “giặt rác” thịnh phát ở Phụng Thượng.
Ông Dương Văn Thiết - một cán bộ thôn ở Phụng Thượng - nhẩm tính: Riêng thôn ông có 200 hộ, thì có tới hơn 50 gia đình đi làm nghề nhặt rác và “giặt rác”. Xã nhà có hơn 13.000 dân, lực lượng “giặt rác” không hề nhỏ. Họ đi khắp nơi kiếm rác về, chất đống ở thôn, với dòi bọ, thối bẩn, độc hại, có khi để cả tuần trước khi được giặt. Thôn Đông có 3 cái máy “giặt rác” như “quỷ sứ” gào thét, gây bệnh tật cho con người và ô nhiễm cho môi trường. Nếu mỗi người một ngày nhặt được 30kg bao dứa và nylon về thôn, thì “góc quê hương” của ông Thiết đã có tới 1,5 tấn rác/ngày. Cả xã hơn 1,3 vạn dân, với tỉ lệ người “hành nghề” không nhỏ, thì con số thật khủng khiếp. Bằng mắt thường cũng có thể thấy kênh Tây Ninh bị đầu độc từng giờ từng phút. Sự thật là xã Phụng Thượng chưa phạt một trường hợp nào do vi phạm môi trường kiểu này. Mà giả dụ có phạt “kịch trần” thì cũng không đến 2 triệu đồng/vụ, không đủ sức răn đe. Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Phúc Thọ thì cho biết: Sẽ làm và sẽ làm; dự kiến có thể và có thể... Bức xúc này cũng được bà con phản ánh nhiều trong các kỳ họp hội đồng nhân dân.
Ông Thiết không ngần ngại tỏ ra... lảng tránh nhà báo. Lý do là bao nhiêu “kế hoạch chấn chỉnh” đã làm ông chán nản rồi. Đảng uỷ, chính quyền xã thì kêu là rất khó để ra tay hiệu quả. Trong khi đó, việc đầu độc môi trường lại gây ra những hậu quả rõ rệt. Kênh Tây Ninh bị bùn đất, nylon, bao tải bồi lấp, nước không thể thoát, gây lụt úng, năm vừa qua bà con bị “giặc nước” cướp mất trắng mùa vàng trên mấy chục hécta lúa. Thế là chị em lao động dôi dư, mùa giáp hạt “thóc cao gạo kém” lại đổ xô đi nhặt rác về kênh quê mình giặt, rồi phơi khắp ruộng đồng thôn xóm đường sá quê mình. Với tình trạng ô nhiễm hiện nay, chắc chắn mực nước ngầm của khu vực sẽ bị nhiễm bẩn trầm trọng. Người trực tiếp làm nghề “kinh dị” và cả cộng đồng dân cư chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng sức khỏe cả trước mắt và lâu dài.
Ruộng đất ít, mùa màng thất thu, không có nghề phụ, bà con đổ đi nhặt rác về giặt là không có gì khó hiểu. Một công nhân môi trường đô thị của thôn Đông, xã Phụng Thượng xót xa: “Tôi cũng làm nghề thu gom rác ở xã, nhưng việc của tôi sạch gấp nghìn lần chị em đi “giặt rác”. Họ trực tiếp leo lên các bãi rác ở xa lắm. Bãi gần thì bới hết nylon và bao dứa từ lâu rồi. Họ vạch dòi bọ, xác động vật và xú uế lên để tìm rác. Tay trần, chân đi dép, về nhà cũng cứ thế giặt. Nước bẩn nó rỉ ra, bốc lên, thối như xác động vật chết rữa ấy, nhà báo ạ”. Nói xong chị đẩy xe rác, bịt mặt, ngậm ngùi đi khuất.
Nhóm nhặt rác, “giặt rác” nữ trở về sau một ngày “bội thu” túi nylon bẩn thỉu rất e dè khi tâm sự với chúng tôi. Có người bật khóc, đầy mặc cảm: “Nếu mà lên báo thì con cái tôi biết, nó xấu hổ chết chú ạ. Bần cùng mới phải làm cái nghề này, chứ không lẽ ngồi nhà chết đói à? Chúng tôi đi, cả vợ lẫn chồng đều đi. Ba giờ sáng đã ra khỏi nhà đi đến khắp các bãi rác thiên hạ. Nó bẩn thỉu độc hại hết cỡ. Nhưng nghèo khó thế này, nếu có tiền mua đồ bảo hộ lao động thì chúng tôi lại chả đi “giặt rác”! Ngồi trong bãi rác nó thối um lên. Kiếm được đồng tiền thời buổi này nhục lắm, gạt dòi bọ, gạt xương trâu xương bò, lợn chết, chó chết ra mà tìm nylon, tìm bao tải dứa...”.
Bà con trả lời câu hỏi của nhà báo về việc mua sắm dụng cụ bảo hộ, khiến chúng tôi phải thấy xấu hổ. Còn Chủ tịch UBND xã Phụng Thượng thì cám cảnh: Đang nghèo như thế, bỗng dưng có cái nghề kiếm vài chục đến gần trăm nghìn đồng/ngày, có gì bà con chả ham. Bỏ được nghề này không dễ đâu. Nhìn con đường sặc sỡ sắc màu của rác thải nylon đang bốc lên ngùn ngụt xú khí, ngẫm về tương lai của vùng đất đang bị nghề “giặt rác” tác yêu tác quái..., khó ai tránh khỏi cảm giác xót xa. Sao cuộc đời lại sinh ra cái nghề đi gạt dòi bọ và xác động vật chết để rước rác về nhà? Sao cái nghề “rách trời rơi xuống” ấy lại bị cơ quan chức năng quản lý một cách “được chăng hay chớ” như vậy?