Chuyện bên bữa cơm gia đình
Bữa cơm chiều là khoảnh khắc sum họp của cả gia đình sau một ngày làm việc vất vả.
Hai ông bà nghỉ hưu mấy năm rồi, sống chung với vợ chồng cậu út thật nhưng cả ngày chỉ có hai ông bà già ở nhà với nhau, loanh quanh chẳng có việc gì để làm. Chiều đến, cả hai cứ ngóng các con đi làm về, bố mẹ con cái cùng ngồi ăn cơm tối cho nhà cửa ấm cúng, người ra người vào cho đỡ buồn.
Nhưng lạ thật, chúng nó đi làm cả ngày rồi, đến bữa cơm, ngồi vào bàn ăn cùng với bố mẹ nhưng chỉ toàn lôi chuyện công việc ra nói. Chúng dường như quên hẳn sự hiện diện của ông bà, nhiều khi còn say sưa tranh luận khá gay gắt. Ông bà ngồi ăn cùng mâm chỉ biết nhìn nhau, cùng nén tiếng thở dài. Chuyện công việc của các con, ông bà giờ già cả rồi, biết gì mà tham gia, hơn nữa cũng tôn trọng công việc và cuộc sống của các con nên hai ông bà có một nguyên tắc ngầm là không bao giờ can thiệp vào việc riêng của chúng.
Ảnh minh họa
Người già đâu có ăn uống được gì nhiều, còn phải ăn kiêng để giữ gìn sức khỏe, ngồi ăn cơm cùng với các con cốt để cho mọi người có thời gian thư giãn, chuyện trò vui vẻ, không khí gia đình đầm ấm nhưng lại thấy các con cứ tranh thủ bữa ăn để bàn luận công việc nên ông bà cũng ăn quấy quá cho xong bữa rồi rủ nhau vào phòng xem TV, đọc báo hoặc rủ nhau đi bộ vài vòng quanh khu cho tiêu cơm. Có khi hai ông bà già đi bộ cả tiếng đồng hồ về nhà vẫn thấy các con ngồi bên mâm cơm, tính tính toán toán, gọi điện thoại mãi không thôi.
Chiều muộn, cả nhà Điệp mới lục tục kéo nhau về. Cô tranh thủ đặt nồi cơm, nấu nướng thật nhanh để cả nhà cùng ăn tối, kịp giờ cho hai đứa trẻ còn học bài. Dường như đã thành thói quen khó bỏ, vào bữa cơm là Điệp lại hỏi han, chất vấn các con chuyện học hành, chuyện trường lớp. Hôm nào cả hai đứa trẻ được điểm tốt, không có khuyết điểm nào thì thôi, chúng bị điểm kém hay mắc lỗi thì bữa cơm hôm ấy cả nhà phải hứng chịu trận lôi đình của mẹ. Hai đứa trẻ chỉ biết cắm mặt mà ăn, không dám ho he kể chuyện này chuyện kia một câu. Có hôm bị mẹ mắng, chúng vừa ăn vừa khóc. Hòa có cố tình đánh trống lảng sang chuyện khác hay can ngăn vợ cũng chẳng giải cứu được lũ trẻ khỏi cơn giận dữ của mẹ.
Vợ chồng Vinh mới lấy nhau nên rất hào hứng với cuộc sống gia đình mà họ mới gây dựng. Phải nói rằng Ngọc là người nấu ăn ngon, chịu khó thay đổi thực đơn. Cô biết anh thích ăn món gì, nêm gia vị ra sao cho phù hợp với khẩu vị của chồng. Thú thực, ban đầu Vinh chỉ thích được về nhà ăn cơm vợ nấu, bữa cơm chiều của hai vợ chồng trở thành niềm vui trong ngày của anh sau những giờ phút căng thẳng vì công việc.
Nhưng gần đây, anh lại có cảm giác ngại về nhà ăn cơm. Lý do là anh sợ sự im lặng lì lợm, chẳng nói chẳng rằng suốt bữa của vợ mỗi lần cô giận dữ hay hiểu lầm anh chuyện gì. Có khi chỉ là chuyện anh về nhà muộn đôi chút, chuyện anh quên chưa thay chiếc bóng đèn bếp mà cô đã nhắc tối qua hay đơn giản anh mải nghe điện thoại để cô gọi mấy lần mới xuống ăn cơm, chuyện cô nhắn tin mà anh không trả lời...
Ngọc vẫn làm cơm chu đáo, chỉ khác là cô sẽ chẳng nói năng hay nhìn chồng lấy một lần suốt cả bữa, vẻ mặt lạnh lùng, vô cảm, Vinh có cố tình hỏi han hay bông đùa để giảng hòa cũng vô ích. Vợ anh giống như bức tượng gỗ vô tri vô giác vậy. Bữa cơm diễn ra trong sự im lặng đến ngột ngạt, chỉ có tiếng bát đũa lanh canh.
Cứ đến bữa cơm tối là Hưng bật TV, tranh thủ vừa ăn vừa xem. Anh cứ dán mắt vào màn hình suốt bữa, nhất là hôm nào có phim hành động nước ngoài mà anh đặc biệt thích. Anh cứ ăn, cứ xem như một cái máy, chẳng thèm quan tâm xem hôm nay vợ nấu món gì. Chị có hỏi chuyện thì anh chỉ ậm ừ cho xong vì còn mải xem TV. Chị bực lắm, có lần tức khí tắt phụt chiếc TV nhưng thế nào anh cũng và vội bát cơm thật nhanh rồi lao về phòng xem tiếp bộ phim đang dở.
Bữa cơm chiều là khoảnh khắc sum họp của cả gia đình sau một ngày làm việc vất vả. Là phút giây quý giá để mỗi một thành viên trong gia đình chia sẻ, thể hiện sự quan tâm hay kết nối, hàn gắn yêu thương. Hãy gạt bỏ những lo toan thường nhật, những giận hờn vu vơ, những sở thích cá nhân để dành cho nhau những phút giây đầm ấm, sum vầy bên mâm cơm gia đình.