Trong hàng trăm vụ cháy nổ các trạm xăng, chưa ghi nhận trường hợp nào có nguyên nhân do ĐTDT.
Một số cây xăng treo biển cấm dùng ĐTDĐ chỉ như một biện pháp phòng xa. (Ảnh: Như Ý) |
Theo Nghị định 52/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực thi hành từ ngày 5/8/2012, hành vi sử dụng điện thoại di động tại các cây xăng sẽ bị xử phạt từ 2 – 5 triệu đồng.
So với Nghị định 123/2005/NĐ-CP, Nghị định mới đã nâng mức phạt đối với hành vi sử dụng điện thoại tại cây xăng lên gấp 10 lần, đồng thời nêu rõ điện thoại di động là một loại thiết bị có thể gây nguy hiểm ở cây xăng.
Vậy, điện thoại di động có phải là tác nhân nguy hiểm gây cháy, nổ xăng?
Chưa ghi nhận trường hợp điện thoại di động gây nổ xăng
Tháng 6/1999, trước nguy cơ “cực kỳ hiếm xảy ra” về việc điện thoại di động có nguy cơ gây cháy nổ trạm xăng, tập đoàn Exxon đã thông báo cho 8.500 trạm xăng của họ ở Mỹ để cảnh báo và bắt đầu dán khuyến cáo "Không dùng điện thoại di động" tại các trạm xăng này. Tuy nhiên, lý giải cho hành động của mình, tập đoàn Exxon cho hay là họ chỉ muốn phòng xa, dù không có tài liệu nào khẳng định là điện thoại gây nguy hiểm.
Tương tự, các nhà sản xuất điện thoại di động cũng đưa ra cảnh báo trong sách hướng dẫn với hai lý do: thứ nhất, điện thoại thuộc dòng thiết bị điện tử nên không bao giờ có thể loại trừ nguy cơ cháy nổ (dù rất nhỏ); thứ hai, cũng như Exxon, họ phòng xa để tránh các rắc rối với các vấn đề pháp lý.
Tiếp đó, đến năm 2001, nhiều người sử dụng Internet nhận được một email với nội dung cho rằng điện thoại di động khi khởi động hoặc đổ chuông có thể truyền năng lượng đủ mạnh để tạo tia lửa gây cháy. Email này còn trích dẫn 3 trường hợp rủi ro như một tài xế giơ điện thoại soi bình xăng khiến phát nổ, một người bị bỏng nặng ở mặt vì nói chuyện điện thoại khi đổ xăng và một người bị cháy quần khi điện thoại nằm trong túi phát nổ.
Bức thư đã gây chấn động cư dân mạng này sau đó được xác minh rằng chỉ là một trò đùa ác ý. Email có nguồn gốc không rõ ràng này được gửi đến hòm thư của một nhân viên của công ty gas Shell ở Jamaica. Anh này đã gửi tiếp cho bạn bè, nhưng vẫn để chữ ký và logo Shell Company ở cuối thư, làm cho những người nhận được tưởng là thư của Shell và coi đó là “bằng chứng xác thực” đáng tin.
Để làm rõ những lo ngại này, Cục an toàn giao thông Australia đã điều tra lại hồ sơ 243 vụ nổ ở trạm xăng trên khắp thế giới xảy ra trong 11 năm từ 1993 đến 2004 và tuyên bố không có bất cứ vụ nào có nguyên nhân xuất phát từ điện thoại di động. Ông Robert Renkes, vốn là người phát ngôn của Viện Xăng dầu Hoa Kỳ, cũng khẳng định chắc chắn: “Chúng tôi chưa tìm thấy bất cứ vụ cháy nổ tại cây xăng nào do điện thoại di động gây ra”.
Sóng điện thoại cũng được cho là không phải thủ phạm bởi nếu nó đủ mạnh để có thể phát tia lửa gây cháy thì tế bào não của người dùng đã bị hủy hoại từ lâu.
Về mặt lý thuyết, khả năng gây cháy tại cây xăng của điện thoại vẫn có thể xảy ra. Năng lượng cần thiết cho một tia lửa để đốt cháy hơi xăng là 0,2 mJ. Trong khi năng lượng có trong một điện thoại di động được nạp đầy pin cao hơn gấp 5 triệu lần. Tuy nhiên khả năng gây cháy thì rất khó vì điện thoại di động không được thiết kế nhằm để phát lửa. Những show truyền hình thực tế tại Mỹ cũng cố gắng dùng điện thoại di động để làm cháy một căn phòng chứa đầy hơi xăng nhưng tất cả đều thất bại.
Như vậy, trên khắp thế giới cũng như ở Việt Nam chưa ghi nhận một trường hợp nào xác nhận điện thoại di động là nguyên nhân gây cháy nổ tại các trạm xăng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài Việt Nam, hiện chưa nước nào trên thế giới ra luật cấm dùng điện thoại tại các trạm xăng. Việc khuyến cáo không sử dụng điện thoại di động tại các cây xăng đơn giản là biện pháp phòng xa, bởi nếu điện thoại nổ ở cây xăng thì hậu quả sẽ kinh khủng hơn rất nhiều so với việc nó bị nổ khi đang sạc pin ở nhà.
Dù đã có chế tài nhưng theo nhiều ý kiến, việc xử phạt hành vi sử dụng ĐTDĐ tại cây xăng sẽ khó thực hiện hiệu quả. (Ảnh: Như Ý)
Việc xử phạt khó khả thi
Theo ý kiến của một số nhà quản lý và người dân, việc thực hiện xử phạt sẽ gặp nhiều khó khăn trong thực tế, giống như trường hợp quy định xử phạt đối với người hút thuốc lá nơi công cộng.
Trao đổi với PV, Đại tá Tô Xuân Thiều, Phó giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội, cho biết: Theo quy định về thẩm quyền xử phạt hành chính thì khi phát hiện hành vi vi phạm xảy ra trên địa bàn phường, lực lượng chức năng của phường phải lập biên bản. Nếu vụ vi phạm vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì người đó phải gửi biên bản đến người có thẩm quyền để ra quyết định xử phạt theo đúng quy định. Với trình tự như vậy, sẽ rất khó thực hiện xử phạt người dùng điện thoại tại các cây xăng, bởi theo quy định của Nghị định 52, khi phát hiện hành vi vi phạm trên, người dân, nhân viên bán xăng dầu có thể báo UBND phường, hoặc công an phường đến lập biên bản. Tuy nhiên, những hành vi dùng điện thoại tại các cây xăng thường diễn ra rất nhanh, khi lực lượng chức năng đến cũng khó xử lý.
Dù quy định xử phạt hành vi sử dụng điện thoại đã có hiệu lực thi hành nhưng rất nhiều người dân, nhân viên trạm xăng và cả lực lượng chức năng có thẩm quyển xử phạt vẫn chưa nắm được quy định này. Đây là một yếu tố khiến việc xử phạt trở nên khó khăn hơn và tình trạng sử dụng điện thoại di động vẫn còn khá phổ biến tại nhiều cây xăng, dù lệnh cấm đã có hiệu lực.
Trung tá Hoàng Hải, Trưởng công an phường Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Đến ngày 5/8, công an phường vẫn chưa nhận được văn bản chính thức hướng dẫn thực hiện quy định này, mà chủ yếu chỉ biết đến Nghị định 52 thông qua các phương tiện thông tin đại chúng”.
Theo một nhân viên bán xăng (xin giấu tên) tại một cây xăng của Petrolimex ở Thanh Xuân – Hà Nội, tình trạng khách hàng vào mua xăng nghe, gọi điện thoại di động vẫn diễn ra từ trước đến nay. Sau một vài lần nhắc nhở nhưng không có kết quả, nhân viên bán xăng gần như không để ý tới vấn đề này nữa. “Có khách hàng khi nghe điện thoại bị nhắc đã nổi khùng với nhân viên bán xăng nên các lần khác chúng tôi không nhắc nhở nữa”, nhân viên này phân trần. Khi phóng viên hỏi về quy định xử phạt người sử dụng điện thoại di động tại cây xăng có hiệu lực từ 5/8, nhân viên trên cho biết chưa biết gì về thông tin này, cũng như chưa nhận được hướng dẫn gì từ công ty và cơ quan chức năng. Được biết, từ năm 2006, các cửa hàng bán xăng dầu của Petrolimex đã treo biển cấm sử dụng điện thoại di động.
Anh Nguyễn Văn Thủy (Từ Liêm – Hà Nội) cho biết: “Tôi có biết quy định xử phạt khi nghe điện thoại di động tại cây xăng qua báo chí. Trước đấy, theo quan sát của tôi thì không phải cây xăng nào cũng có biển cấm nghe điện thoại. Tôi thấy nhiều người mua xăng vẫn sử dụng điện thoại bình thường tại điểm bán xăng mà không có ai nhắc nhở, thậm chí ngay cả nhân viên bán xăng cũng vô tư dùng điện thoại di động. Tôi e rằng lệnh cấm lần này chắc sẽ khó thực hiện hiệu quả”.
- Chữ cái duy nhất không xuất hiện trong tên của bất kỳ tỉnh, thành nào tại Việt Nam, là chữ gì?
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/7/2025, đối tượng nào được hưởng lợi khi trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần mức cũ
- Những lần thủy quái xuất hiện ở Việt Nam: Người Pháp từng bắt gặp, có loài đến nay vẫn còn tồn tại?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?