Chùa Bồ Đề: Bé bị bán qua đời, UB quận họp bất thường

Quá trình điều tra, cảnh sát xác định bé Cù Nguyên Công bị Trang và Nguyệt bán đã qua đời hồi tháng 6/2014. Trong ngày 4/8, UBND quận đã triệu tập cuộc họp bất thường.

Chiều 4/8, Phòng Cảnh sát hình sự (PC45, Công an Hà Nội) thông tin sơ bộ kết quả điều tra vụ án Mua bán trẻ em, xảy ra tại chùa Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội).

Theo trung tá Nguyễn Cao Khải, Đội phó Đội phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em (Đội 12), trước đó, anh Nguyễn Thành Long (ở quận Long Biên) có tham gia vào hoạt động từ thiện tại chùa Bồ Đề nên quen biết Nguyễn Thị Thanh Trang (36 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng). Trang là người được giao quản lý nhà Mở (khu quản lý trẻ trong chùa Bồ Đề).

Quãng thời gian thường xuyên qua chùa, anh Long nhận làm cha đỡ đầu cho một bé trai tên Cù Nguyên Công. Thỉnh thoảng, vợ chồng anh được nhà chùa cho phép đón cháu bé về nhà chăm sóc vài ngày.

Sau 3 tháng nhận làm cha đỡ đầu cháu bé, vợ chồng anh Long nhận được điện thoại của Trang thông báo mang cháu bé về chùa ngay vì có đoàn kiểm tra.

Ngày 4/1, khi vợ anh Long đến chùa đón bé Công về nhà như mọi khi, để đưa đi khám bệnh (trước đó Công bị viêm đường hô hấp) đã không thấy cháu bé đâu. Cho rằng thông tin cháu bé được bố mẹ đón về là không đúng sự thật (trước đó Trang thông báo đây là trường hợp cháu bé bị bỏ rơi), anh Long đã làm đơn gửi cơ quan chức năng đề nghị xác minh.

Quá trình điều tra, ngày 3/8, cơ quan công an bắt khẩn cấp Trang và Phạm Thị Nguyệt (35 tuổi, tạm trú ở phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) để điều tra hành vi Mua bán trẻ em.

Tài liệu công an cho thấy, tháng 10/2013, Trần Thị Thu Hà (24 tuổi, ở Phú Thọ) sinh con là cháu Cù Nguyên Công nhưng không có khả năng nuôi dưỡng đã gửi bé vào chùa Bồ Đề.

Thời gian làm việc tại chùa Trang có quen Nguyệt (một phụ nữ bị vô sinh). Họ cấu kết với nhau, bàn với Hà viết giấy cho con (Hà cho Nguyệt bé Công). Trang được xác định nhận của Nguyệt 35 triệu đồng để thực hiện việc "rút" cháu bé khỏi chùa một cách êm đẹp. Trang sau đó đưa lại cho Hà 10 triệu đồng.

Để thuyết phục Hà giúp sức, Trang nói với mẹ cháu bé Nguyệt là chị dâu mình, cả gia đình rất yêu thương trẻ con nên không cần phải lo lắng gì, yên tâm giao con cho người phụ nữ nhà ở phường Thịnh Liệt. Thỉnh thoảng, Hà gọi cho Nguyệt hỏi thăm tình hình bé Công và đều được người đàn bà này thông báo sức khỏe con hoàn toàn bình thường

Quá trình điều tra, cảnh sát xác định bé Công đã qua đời hồi tháng 6/2014.

Từ tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, ra lệnh bắt khẩn cấp Phạm Thị Nguyệt và Nguyễn Thị Thanh Trang để điều tra hành vi Mua bán trẻ em.

Đến nay, cảnh sát xác định sư trụ trì Thích Đàm Lan không liên quan đến vụ việc trên, nhưng tiếp tục mời sư trụ trì lên phối hợp để điều tra.

Theo trung tá Khải, việc nhận nuôi trẻ bị bỏ rơi ở chùa Bồ Đề không đúng pháp luật, chùa không có chức năng nuôi nhận trẻ. "Vì tính nhân đạo nên lâu nay chùa vẫn nhận nuôi dưỡng trẻ. Tới đây cơ quan chức năng sẽ làm việc với nhà chùa để có biện pháp phòng ngừa, chấm dứt sự việc tương tự trên", Phó đội trưởng Đội 12 nói.

Về Trần Thị Thu Hà (mẹ bé Công), cô ta chỉ có quyền nuôi dưỡng con chứ không được phép bán cháu bé. Tuy nhiên quá trình điều tra đến nay, cảnh sát xác định Hà không trực tiếp tham gia việc mua bán con cùng Trang và Nguyệt. Nhiều khả năng người phụ nữ này sẽ không bị xử lý hình sự, thiếu tá Khải thông tin.

Họp bất thường

UBND quận Long Biên, Hà Nội, đã quyết định thành lập hai đoàn thanh tra, trong đó có Hội Phụ nữ và Sở Lao động thương binh xã hội cùng tham gia. Hoạt động thanh kiểm tra chùa Bồ Đề sẽ bắt đầu ngày 5/8 và kéo dài trong một tuần. Sau khi có kết quả điều tra, hai đoàn sẽ có những phương án, kiến nghị về đối sách với những cháu nhỏ mồ côi, lang thang cơ nhỡ tại chùa Bồ Đề hoặc giao cho các cơ quan chức năng quản lý.

Phó chủ tịch UBND quận Long Biên Vũ Thu Hà cho biết, việc Công an Hà Nội bắt giữ Nguyễn Thị Thanh Trang, người phục vụ ở chùa Bồ Đề là độc lập. Cơ quan điều tra đang mở rộng vụ án, làm rõ những người liên quan. Còn về mặt quản lý nhà nước, UBND quận Long Biên luôn bám sát tình hình và quản lý sát các hoạt động tại chùa Bồ Đề.

Theo Thượng tá Nguyễn Viết Chức, Phó trưởng Công an Quận Long Biên, Công an quận đã phối hợp với công an phường rà soát toàn bộ những người đã hoặc chưa đăng ký tạm trú, tạm vắng trên địa bàn phường Bồ Đề, số lượng các cháu đang ở tại chùa Bồ Đề vào các thời điểm, nguồn gốc, xuất thân...

Trước đó, nghi ngờ về việc Nguyễn Thị Thanh Trang mua bán cháu bé Cù Nguyên Công (2 tuổi), ngày 3/8, Công an TP Hà Nội đã ra lệnh bắt khẩn cấp Trang và Phạm Thị Nguyệt (35 tuổi, ngụ Ninh Bình), triệu tập một số người khác để lấy lời khai.

Quá trình điều tra cho thấy, Trang đã giấu toàn bộ thông tin về việc cháu Công đến ở chùa Bồ Đề gần một tháng, không cung cấp cho trụ trì Thích Đàm Lan biết nhân thân cháu bé. Trang luôn nhận đứa bé là cháu của mình nên thời gian đầu bà Thích Đàm Lan không biết động cơ, mục đích cũng như nhân thân của cháu bé. Cảnh sát tình nghi Trang đã xác định mục đích, động cơ đưa cháu bé đến ở tại chùa và được đặt hàng trước.

Thượng tá Chức cho rằng đây là sơ xuất trong công tác quản lý của nhà chùa và trụ trì Thích Đàm Lan bởi cháu bé đã xuất hiện cả tháng trời tại chùa Bồ Đề. Theo quy trình thì nhà chùa phải trình báo cơ quan công an về sự có mặt của cháu bé, nhưng chùa đã không làm.

Theo ông, khi các lực lượng chức năng và công an quận Long Biên vào kiểm tra thì nhà chùa nói rằng các cháu đang ngủ nghỉ, hay viện lí do các cháu đang ốm đau để các cơ quan chức năng không vào kiểm tra. Cuối năm 2013, ông từng đề xuất các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, giao các trẻ mồ côi tại chùa Bồ Đề cho một đơn vị chức năng quản lý.

"Nếu tiếp tục duy trì điểm tập trung trẻ mồ côi tại chùa Bồ Đề sẽ tiềm ẩn nhiều vấn đề tiêu cực, phức tạp trong công tác quản lý. Đó là chưa nói đến vấn đề liên quan đến an ninh trật tự xã hội như mua bán người, đối sách, chính sách đối với các cháu, chế độ, tiền tài trợ...", thượng tá Chức nói.

Ngoài ra, các cháu phải sống trong tình trạng khó khăn, thiếu thốn, bệnh tật... Theo thượng tá Chức, những người làm việc tại chùa đều là không có chuyên môn, khó có thể chăm sóc trẻ tốt. Bác sĩ, y tá, thuốc men... không có sẽ tiềm ẩn nhiều vấn đề cho cuộc sống của các cháu nhỏ.

Triệu tập trụ trì chùa Bồ Đề, khởi tố vụ án buôn bán trẻ em

Thông tin từ Trung tá Nguyễn Cao Khải, Đội phó Đội phòng chống tội phạm buôn bán người, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội cho biết, chiều nay (4/8), Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án buôn bán trẻ em tại chùa Bồ Đề theo điều 120 Bộ Luật hình sự đồng thời ra lệnh bắt khẩn cấp 2 đối tượng Phạm Thị Nguyệt (SN 1979, quê quán Ninh Bình, hiện trú tại Giáp Nhị, Hoàng Mai, Hà nội) và Nguyễn Thị Thanh Trang (sinh năm 1979, hiện trú tại Mai Hắc Đế, Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Hiện, Phòng hình sự phối hợp với công an Long Biên cũng đã triệu tập sư Thích Đàm Lan, trụ trì chùa Bồ Đề và những người có liên quan để làm rõ các tình tiết của vụ việc.

Riêng về việc chùa Bồ Đề nuôi nhiều trẻ em, đội phó Đội 12 cho biết: chùa Bồ Đề không có chức năng này. Các cơ quan liên quan cũng đã nhiều lần họp để nhắc nhở.

Cũng trong chiều nay, Trung tá Nguyễn Cao Khải cũng cho hay, cơ quan công an có nhận được thông tin cháu Công đã qua đời vào ngày 27/6 vừa qua.

Cơ quan công an sẽ khẩn trương xác minh, nếu cần thiết sẽ tiến hành sử dụng các biện pháp pháp y”, Trung tá Khải nói.