Yêu cầu đặt ra là phải có cơ chế cụ thể để giải quyết những vấn đề phát sinh trong việc mang thai hộ.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng dự thảo quy định về việc mang thai hộ cần xem xét lại và phải có đóng góp nhiều hơn của giới chuyên môn. |
Tại phiên thảo luận tại tổ chiều 14/11 về Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ ủng hộ chủ trương cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo nhưng đề nghị Dự thảo cần quy định cụ thể hơn để giải quyết được các vấn đề: Làm sao kiểm soát được mang thai không vì mục đích nhân đạo, tranh chấp phát sinh xử lý thế nào?...
Cần thêm ý kiến giới chuyên môn
Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) Dương Đăng Huệ cho biết Dự thảo đã quy định ba cơ chế để khắc phục tình trạng lạm dụng, thương mại hóa việc mang thai hộ. Thứ nhất, phạm vi người mang thai hộ rất hẹp, chỉ là người thân thiết và cùng hàng, em có thể mang thai cho chị nhưng mẹ không thể mang thai cho con. “Thân thích chả nhẽ lại mặc cả với nhau. Nhưng nhiều người nói quy định như vậy không thực thi được, cho quyền nhưng không thực hiện được quyền đó. Họ nói mở thì mở cả hai cánh, đừng mở một cánh” - ông Huệ nói. Cơ chế thứ hai là một người chỉ được mang thai hộ một lần và thứ ba là phải có chỉ định của cơ quan y tế.
Ở góc độ người làm chuyên môn, ĐB Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhận xét quy định như Dự thảo chưa đầy đủ. Theo bà Lan, trường hợp hai người đều bình thường về mặt sinh sản nhưng khi kết hợp với nhau lại không có con (điều kiện để nhờ mang thai hộ trong Dự thảo) chưa bao hàm hết được các trường hợp xảy ra trong thực tiễn như người chồng không có tinh trùng hoặc trứng của người vợ không bảo đảm… “Dự thảo quy định trường hợp mang thai hộ phải kết hợp giữa noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng. Nhưng nếu cả hai đều có cái này thì có thể cũng chẳng cần phải mang thai hộ” - bà Lan nói thêm và cho rằng dự thảo quy định về việc mang thai hộ cần xem xét lại và phải có đóng góp nhiều hơn của giới chuyên môn.
Con sinh ra bị dị tật thì phải làm sao?
Đề cập về cơ chế giải quyết những tranh chấp có thể phát sinh khi mang thai hộ, ĐB Nguyễn Thị Ngọc Thanh (Hà Nội) đề nghị cần bổ sung các quy định rõ ràng và chặt chẽ hơn. Ví dụ, trong trường hợp người mang thai hộ sinh 2-3 con, nhưng người nhờ chỉ nhận có một hoặc hai thì luật sẽ giải quyết thế nào. Hay khi sinh xong, người mang thai hộ muốn tiếp tục nuôi trẻ trong thời gian sáu tháng để cho con bú nhưng bố mẹ của đứa trẻ lại không đồng ý thì lúc đó sẽ giải quyết ra sao? Hoặc ngược lại, bố mẹ muốn cho bú nhưng người mang thai hộ lại không đồng ý thì cơ chế giải quyết thế nào. “Tất cả những cái đó, chúng ta đều phải đặt ra và bổ sung những cơ chế giải quyết cho phù hợp” - bà Thanh kiến nghị.
Ông Huệ thừa nhận thực tế có rất nhiều vấn đề đặt ra như nhờ mang thai nhưng đứa trẻ sinh ra không khỏe mạnh mà có dị tật thì giải quyết thế nào? Người mang thai tự dưng phát bệnh thì có quyền phá thai hay không?... Sau khi QH cho ý kiến về mặt chủ trương, Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện chế định này.
Quy định về ly thân để bảo vệ phụ nữ, trẻ em
Theo Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế Dương Đăng Huệ, chế định ly thân là công cụ rất quan trọng để bảo vệ phụ nữ và trẻ em. “Ông chồng vũ phu, thường xuyên đánh đập vợ khiến cô vợ phải bỏ về nhà ngoại. Như hiện nay thì bất cứ lúc nào ông chồng cũng có thể đến nhà ngoại đưa cô vợ về, bắt phải ở chung vì quan hệ hôn nhân vẫn tồn tại, cô vợ vẫn có nghĩa vụ phải chung sống với ông chồng. Nhưng nếu quy định chế định này thì là công cụ bảo vệ phụ nữ vì một trong những hậu quả pháp lý của việc ly thân là chấm dứt nghĩa vụ sống chung” - ông Huệ dẫn chứng.
Hoặc cũng có trường hợp ly thân, ông chồng giàu có, vợ nghèo nhưng nuôi con, nếu người vợ yêu cầu cấp dưỡng nuôi con thì tòa án sẽ từ chối, nhưng nếu quy định chế định này thì tòa án có thể ra quyết định yêu cầu người chồng cấp dưỡng.
Đồng tình với quy định này, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng nên quy định chế định ly thân trong luật tạo cơ sở pháp lý để giải quyết những vấn đề thực tế phát sinh. “Nhưng tôi không đồng ý với Dự thảo là đưa ra tòa án giải quyết, không phải mọi tranh chấp đều giải quyết ở tòa. Nên để xã, phường xác nhận cũng được. Ly thân nếu có, bằng con đường hành chính thôi đừng đưa ra tư pháp” - ông Đương nói.
Cũng ủng hộ chế định ly thân nhưng theo ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM): "Tất cả cái gì liên quan đến nhân thân, tài sản của người dân là tòa án giải quyết chứ không hành chính được".
Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?