Năm tôi học lớp 7, bố vẫn còn, cuộc sống gia đình tôi người ngoài nhìn vào cứ nghĩ đang yên ấm, hạnh phúc, chỉ có những người trong cuộc mới hiểu. Tôi không còn quá trẻ con để biết được đang có chuyện gì xảy ra, hiểu nỗi đau của bố, sự hy sinh, tần tảo bố đã dành cho gia đình bé nhỏ này. Đổi lại bố chỉ nhận được sự bội bạc của vợ mình, là người mẹ đã sinh ra chúng tôi.
Tôi nghe họ hàng, làng xóm xì xào chuyện chị Minh không phải con của bố bao nhiêu năm nay nhưng không tin, vì chị khá giống tôi và yêu thương, chăm lo cho hai đứa em hết mực. Nhưng rồi, càng lớn lên chuyện về chị khiến tôi hoài nghi, cho đến bây giờ tôi mới biết chị là sản phẩm tình yêu của mẹ và chú Hoàng, mối tình đầu của mẹ.
Ngày xưa, chú là bạn thân nhất của bố, cũng là người đã “dẫn mối” cho bố và mẹ quen nhau. Mẹ yêu chú, dâng hiến tất cả cho chú nhưng hai người không thể đến được với nhau khi chú chưa có gì trong tay. Hơn nữa chú không yêu mẹ thật lòng, còn muốn phiêu lưu với những cuộc tình thoảng qua khác. Bố là người đã chứng kiến từ đầu cuộc tình của họ, khi hai người còn đang hạnh phúc bên nhau, cho đến khi mẹ bị bỏ rơi và mang trong mình giọt máu của chú.
Bố yêu mẹ từ ngày mới gặp gỡ nhưng vì mẹ và chú Minh đang hạnh phúc bên nhau nên suốt mấy năm trời bố chỉ lặng lẽ dõi theo cuộc tình của họ. Biết được “hậu quả” tình yêu của hai người, khi chú bỏ rơi mẹ và giọt máu của mình thì bố đã trở thành “người đổ vỏ” tự nguyện. Dù bố biết mình sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi và điều tiếng xấu khi lấy mẹ nhưng vì tình yêu quá lớn nên dù gia đình và họ hàng phản đối, bố vẫn quyết lấy được mẹ.
Khi mẹ sinh chị Minh, bố vẫn cơm nước, giặt giũ quần áo cho mẹ và đứa con thơ không phải giọt máu đào của mình. Chính sự quan tâm và yêu thương ấy của bố đã khiến mẹ cảm động và từ một tình thương, mẹ đã yêu bố nhiều hơn, cũng nhủ lòng sẽ bù đắp những thiệt thòi cho người đàn ông đã yêu thương và cứu rỗi cuộc đời mình.
Rồi sản phẩm tình yêu giữa hai người họ là tôi và em Nhung ra đời. Tưởng chừng như gia đình chúng tôi sẽ luôn đầy ắp tiếng cười, bố sẽ nhận được tình yêu và sự bù đắp cho những mất mát mẹ đã để lại, nào ngờ một lần nữa, mẹ lại trắng trợn phản bội người đã cưu mang mình trong suốt bao nhiêu năm qua.
Năm tôi 10 tuổi phải chứng kiến biến cố đầu tiên của gia đình mình. Kể từ đó, hạnh phúc gia đình bắt đầu rạn nứt và bên bờ vực thẳm của sự đổ vỡ. Tôi nhớ như in khoảnh khắc đó, người đàn ông tên Hoàng tìm về đến tận gia đình chúng tôi. Bố mẹ vẫn tỏ ra bình tĩnh như chưa từng có chuyện gì xảy ra và tiếp đón ông rất tốt. Ông đã ở lại nhà tôi chơi bốn ngày, sang ngày thứ 5 thì mẹ tôi cũng đột nhiên biến mất cùng gã khách trong đêm hôm đó.
Đến ngày hôm sau nữa, mẹ lại một mình về với gia đình, ba chị em tôi mừng khôn tả khi mẹ đã trở về, còn bố chẳng nói chẳng rằng, ông đã lên gác ngồi hút thuốc cả buổi. Những ngày tiếp theo thật đáng sợ, bởi bố và mẹ không nói với nhau lời nào, chẳng trách mắng. Mẹ không mở miệng nói được một câu xin lỗi. Không khí gia đình ngột ngạt và đáng sợ vô cùng khi chiến tranh lạnh giữa bố mẹ xảy ra.
Tầm hơn một tháng sau, bố mẹ mới lại nói chuyện nhưng không còn ngủ chung giường như trước nữa. Bố cứ ngủ một mình trên gác, còn tôi xuống ngủ với mẹ. Mỗi đêm tôi cảm nhận được sự trở mình, những tiếng thở dài chua chát, cũng như nghe thấy những tiếng nấc nghẹn ngào của mẹ. Có lẽ, đấy là sự trả giá đích đáng cho những gì mẹ đã gây ra cho bố, cũng như nỗi đau, sự cô đơn mẹ sẽ phải gánh chịu suốt cuộc đời còn lại.
Năm tôi 14 tuổi, bố mất sau một tai nạn giao thông trên đường đi làm về. Kể từ đó, cái gia đình vốn vắng bóng niềm vui lại càng trở nên lạnh lẽo và buồn chán hơn. Bố mất, ba chị em tôi trở nên ác cảm với mẹ, còn mẹ cứ sống lùi lũi trong nỗi đau, sự ăn năn, hối hận. Có lẽ đến lúc ấy mẹ mới thấy được tình yêu thương của người chồng lớn lao đến nhường nào, cũng như cảm nhận được nỗi đau khi không còn chồng.
Rồi mẹ lại một lần nữa mắc phải sai lầm khi bố qua đời chưa được một năm. Vào một buổi chiều, người đàn ông tên Hoàng đến nhà chúng tôi chơi, sau khi thắp cho bố mấy nén nhang, chuyện trò với mẹ một buổi chiều thì ông ta ở lại nhà ăn cơm tối và ngủ qua đêm ở đó. Ba chị em tôi khinh ghét ra mặt nhưng không ai dám hé răng đuổi ông đi. Ngày hôm sau, mẹ cũng bất ngờ mất tích khỏi ngôi nhà nhỏ này.
Nỗi đau đè lên nỗi đau, hận nối tiếp thù hận. Ba chị em tôi mỗi đứa một tâm trạng, một nỗi đau, chung quy lại là cảm giác căm ghét người đàn bà mà chúng tôi ngày ngày vẫn gọi là mẹ. Hận người đàn ông đã khiến bố mất đi niềm hạnh phúc duy nhất, khinh thường hai con người chỉ vì bản năng, dục vọng mà đã đánh mất đi hạnh phúc gia đình và niềm tin của những người thân yêu nhất dành cho họ.
Đã gần 8 năm trôi qua, mẹ vẫn sống một mình trong căn nhà vắng lặng tình yêu thương, chị Minh đã có chồng, tôi cũng có công ăn việc làm ổn định và có người yêu, còn cô em út đang học đại học. Dường như cả ba chị em tôi đều không đủ bao dung để thứ tha cho những lỗi lầm của mẹ. Cũng gần 8 năm trôi qua, người đàn ông ấy vẫn thỉnh thoảng xuất hiện trong ngôi nhà của chúng tôi, nhưng giờ mẹ không còn lén lút ba chị em tôi để đi theo gã đàn ông ấy nữa. Mẹ ngang nhiên công khai mối quan hệ với tình cũ trong chính ngôi nhà của mình.
Mỗi lần về quê, nghe mọi người kể chuyện của mẹ và ông ta sống với nhau trong nhà mình, tôi không kìm nổi sự tức giận, xấu hổ khi có một người mẹ như thế. Cứ mỗi lần góp ý, mẹ đều bao biện cho hành động của mình: “Mẹ là phụ nữ, cũng cần có một người bạn để tâm sự” hay “Các con đi xa hết, mẹ không có ai bầu bạn nên có chú ấy chuyện trò cho vui thôi”. Nhưng đây đâu phải là lần đầu tiên mẹ và chú ấy “bầu bạn” với nhau.
Bao nhiêu năm qua, mẹ lừa dối bố, lừa dối con cái để lén lút với người ta, giờ mẹ sẵn sàng giẫm đạp lên tất cả những lời khuyên răn của con cái hay những điều tiếng xấu xa của thiên hạ để sống cho bản năng và những ham muốn của mình. Tôi cảm thấy xấu hổ và nhục nhã khi có một người mẹ như vậy. Cứ mỗi lần về quê, tôi không dám đi ra khỏi nhà vì sợ hàng xóm, láng giềng nhủ tai nhau, chỉ trỏ đủ kiểu rồi mỉa mai cười khi bắt gặp chị em tôi qua ngõ.
Tôi là một thanh niên có tư tưởng khá thoáng và hiện đại nhưng không thể chấp nhận được hành động của mẹ. Tại sao cuộc sống của chị em tôi lại bất hạnh như thế này? Tại sao tôi lại có một người mẹ như thế? Tôi phải làm sao để can ngăn mẹ không nên làm điều sai trái này nữa đây?