Câu chuyện 1 triệu đồng

Hồi cuối năm 2009, một buổi tối nhá nhem, có người chống gậy tới tìm tôi... Thoạt nhìn, thú thật tôi rất sợ hãi!

Tác giả (bìa phải) cùng gia đình anh Mùi - chị Ngoan - Ảnh: T.M.H.

Hồi cuối năm 2009, một buổi tối nhá nhem, có người chống gậy tới tìm tôi... Thoạt nhìn, thú thật tôi rất sợ hãi!

Một tai nạn và cuộc tình nghèo

Tôi sợ vì trước mắt tôi là một người với thân thể sần sùi, đỏ hỏn, hố mắt thụt sâu, chẳng có lông mày, lông mi. Cổ bị dính vào vai. Tiếng nói của người ấy cũng bị biến dạng.

Vượt qua chút sợ hãi ban đầu, tôi được biết một thảm kịch: đó là anh Mùi, mới 27 tuổi. Quê Mùi ở Thanh Hóa. Cái khó nghèo đưa đẩy Mùi vào TP.HCM làm công nhân, ở nhà trọ bên phường Tân Thới Hiệp, Q.12. Chẳng may xảy ra tai nạn nổ bình gas và Mùi dường như bị thiêu sống mà thành ra như vậy.

Tai nạn xảy ra, bố mẹ ở ngoài quê dồn hết tài sản, rồi vay thêm vào cứu Mùi và chỉ có thể cứu mạng sống của Mùi thôi. Còn để có thể thay đổi hình dạng của Mùi thì đòi hỏi nhiều cuộc phẫu thuật thẩm mỹ, đắp vá da vô vàn tốn kém. Tất cả nằm ngoài khả năng của họ. Bố Mùi đau xót muốn đưa Mùi về quê, sống nốt những ngày tàn. Nhưng không muốn trở thành gánh nặng của gia đình, và còn một lý do riêng giấu kín nên Mùi dứt khoát xin gia đình ở lại. Gia đình Mùi đành để một người em trông giúp Mùi và họ ngậm ngùi về quê.

Những ngày nằm trong phòng trọ đau đớn ấy, Mùi đọc báo có bài viết về gia đình tôi (*), Mùi hỏi thăm và tìm tới nhà tôi ở Đông Thạnh.

Mùi trình bày nguyện vọng: muốn tôi giúp Mùi kêu cứu ở đâu đó để phẫu thuật tách cái cổ ra khỏi xương vai... Chỉ cần thế thôi, Mùi có thể đứng thẳng, đi lại được và sẽ sống, làm việc nuôi thân...

Tôi nghèo, không thể có đủ tiền cho Mùi thực hiện ước mơ nên đã “rao” câu chuyện của Mùi lên mạng. May thay, nhiều người đọc và mỗi người góp một chút, năm chục một trăm... Có người lại cho mưu kế xa hơn: bày vẽ cho Mùi mua bảo hiểm, sau đó mới đăng ký mổ...

Ca mổ thành công, Mùi đã nhấc cổ ra khỏi vai. Niềm vui dạt dào. Từ đó Mùi thành người quen của tôi. Rồi một buổi chiều Mùi “bật mí” cho tôi một bí mật: Trước khi bị tai nạn, Mùi có một người yêu quê Hậu Giang, tên là Ngoan, cũng làm công nhân. Tai nạn xảy ra với Mùi, chính Ngoan đã ngày đêm chăm sóc cho Mùi. Một thời gian hết tiền, bệnh viện trả về. Ngoan nghẹn ngào từ giã Mùi với lời dặn dò: muốn cứu anh thì phải có tiền, em sẽ về quê đăng ký đi xuất khẩu lao động kiếm tiền về cứu anh. Và Ngoan ra đi...

Sau ca mổ, bè bạn giúp thêm cho Mùi tí tiền lận lưng, Mùi xin đi chở nước thuê. Thời gian qua tôi cũng lận đận với công việc mưu sinh, nuôi con cái, không gặp lại Mùi. Bẵng đi hơn hai năm...

Cuộc trùng phùng

Chiều mồng 4 tết năm nay, có người thanh niên đi xe máy, chở theo một cô gái rõ xinh bế trên tay cháu bé độ chín, mười tháng tuổi kháu khỉnh đến nhà tôi. Tôi ngỡ là khách, vội mời vào... Nhưng tôi nhận ra ngay là Mùi. Mùi dạo trước đây mà. Và cô gái ấy là Ngoan. Ngoan trong lời kể của Mùi năm xưa đã trở về như lời hứa.

Sau hơn một năm lao động bên Hàn Quốc, kiếm được một số tiền Ngoan đã về với Mùi. Có thể chẳng ai tin một cô gái đẹp xinh như thế, có được một số tiền lại lấy Mùi xấu xí, sẹo sần như thế... Nhưng Ngoan vẫn cứ lấy Mùi, sinh cho Mùi một bé con đặt tên là Bích Hợp. Trong thời gian ngắn của hai năm, Ngoan vừa làm mẹ, vừa song hành với những ca mổ ghép da cho Mùi, lấy da đầu cấy ghép cho phần cổ, lấy da lưng cấy cho phần mặt của Mùi... Khuôn mặt Mùi giờ đây đã tương đối dễ nhìn, đôi tay đã bớt co rút, có thể chạy xe, có thể làm việc...

Ngoan đã khôn ngoan tính toán: không dốc toàn bộ số tiền mồ hôi nước mắt kiếm được ở nước ngoài để chữa cho Mùi, mà dành lại một phần thuê nhà và mở tiệm bách hóa ở P.Tân Thới Hiệp. Mùi giờ không còn đi chở nước khoáng thuê mà chạy được xe, tự làm chủ, đi bỏ mối nước tinh khiết cho bà con quanh khu đó. Ngoan hi vọng sau một thời gian nữa vợ chồng sẽ tích cóp đủ tiền để Mùi đi mổ, phục hồi toàn bộ đôi cánh tay của Mùi. Cánh tay khỏe khoắn rồi thì tha hồ làm ra, bới thấy.

Ngoan khóc bảo khi trở về nước, chăm sóc cho Mùi, Mùi luôn nhắc những ngày Ngoan đi vắng, Mùi nằm trong bệnh viện có rất nhiều người tới thăm nom. Những năm chục, những một trăm ngàn đồng lúc ấy quý vô cùng. Đó là thuốc men, là cơm cháo cứu lấy Mùi. Đó là ơn, là nghĩa bao la... Mùi bảo như thế!

Và họ tâm nguyện: khi mọi sự tạm an lành họ sẽ tìm tôi, họ muốn dành một khoản tiền nhờ tôi chuyển cho người có hoàn cảnh khó khăn như chính Mùi một dạo.

Mùi đặt vào tay tôi 1 triệu đồng. Tôi bỗng òa khóc: “Bản thân câu chuyện của hai em đã là một đóng góp phi thường cho cuộc đời rồi. Các em còn bao gian khó phía trước, phải giữ lấy tiền mà lo”. Cả hai vợ chồng cũng khóc nhưng dứt khoát đòi thực hiện tâm nguyện này. Để thỏa lòng các em, tôi xin nhận 1 triệu đồng với điều kiện: từ báo Tuổi Trẻ mà Mùi biết và tìm tới tôi, tôi cũng từ Tuổi Trẻ mà dần trưởng thành, nay 1 triệu này xin gửi tới Tuổi Trẻ để trao tận tay người còn khó hơn chúng tôi. Ngày đầu xuân khi tòa soạn mở cửa, tôi sẽ đến gửi 1 triệu đồng của hai em và xin phép các em đồng ý kể lại câu chuyện này tặng Tuổi Trẻ như chút quà mừng xuân mới.

Tiễn họ về, tôi dặn với theo Mùi: “Em có hai viên ngọc rất quý giá, ráng giữ gìn”. Mùi cười tươi...

(*) Tác giả là mẹ của cậu bé xương thủy tinh Đỗ Minh Hội. Chị từng làm bao độc giả xúc động khi bằng tình yêu của một người mẹ, chị quyết tâm đưa đứa con bị gãy xương hàng chục lần của mình hòa nhập cuộc sống.