Rất nhiều vụ việc phóng viên, nhà báo bị hành hung trong thời gian gần đây đang đặt ra câu hỏi: 'Phải chăng quyền tác nghiệp báo chí của phóng viên đang bị đe dọa'?
Cần xử lý nghiêm hành vi cản trở phóng viên tác nghiệp |
Liên tiếp bị hành hung
Trong thời gian gần đây, rất nhiều vụ việc hành hung, cản trở phóng viên lấy thông tin đã xảy ra. Mới đây nhất giám đốc bệnh viện đa khoa huyện Lương Tài đã có những hành vi cản trở báo chí khi tác nghiệp. Nhóm phóng viên VTV khi đang thực hiện bài phản ánh về công tác cứu chữa các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm đã bị vị giám đốc bệnh viện liên tục chửi bới cũng như thách đố nhóm phóng viên thực hiện công việc của mình. Sau khi biết được vụ việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã lập tức chỉ đạo đình chỉ công tác đối với Giám đốc bệnh viện đa khoa huyện Lương Tài và báo cáo UBND tỉnh Bắc Ninh về vụ việc.
Một vụ việc khác cũng không kém phần nghiêm trọng xảy ra ở Hà Tĩnh khi 2 phóng viên Võ Minh Châu và Phạm Minh Thùy của báo Tiền Phong khi đang tác nghiệp đưa tin về vụ cưỡng chế hành chính tại đây thì bị Dương Đình Trang (em trai chủ tịch xã Kỳ Thọ, Kỳ Anh) dùng mũ bảo hiểm hành hung. Không những thế, nhân vật này còn dùng dao truy đuổi nhà báo Phạm Minh Thùy. Vụ việc khiến nhà báo Minh Châu phải nhập viện với mức thương tích 3%,. Chỉ một thời gian sau, công an huyện Kỳ Anh đã bắt Dương Đình Trang vì hành vi côn đồ và sử dụng vũ khí nguy hiểm. Ngày 19-5, công an huyện Kỳ Anh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Dương Đình Trang.
Vào năm 2010, trong trận đấu giữa Megastar Nam Định và Đồng Tâm Long An, phóng viên Duy Bùi (báo Thể thao 24h) là phóng viên ảnh duy nhất có mặt trên sân. Khi trận đấu có những hành động ẩu đả giữa cầu thủ 2 đội, phóng viên Duy Bùi đang tác nghiệp thì bị một nhóm người trên sân lao vào chửi bới sau đó áp tải anh vào khu vực không có khán giả và có hành động gây thương tích. Không những thế, nhóm người này còn khống chế tước đoạt máy ảnh, xóa toàn bộ dữ liệu trong thẻ nhớ đồng thời làm hư hỏng máy ảnh của phóng viên này.
Ngày 21/3/2010 khi nhận được thông báo thị trấn Tân Thạnh (Long An) đang diễn ra việc khai thác đất mặt trên đất nông nghiệp trái phép 2 phóng viên Huỳnh Lộc và Hàn Giang của báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh đã đến tìm hiểu. Trong khi đang tác nghiệp, phóng viên Huỳnh Lộc đã bị một thanh niên mặc áo trắng đi xe máy lao vào cản trở. Thanh niên này tên Tân, chủ hầm đất đang khai thác. Cùng lúc đó, một nhóm người lạ mặt lao vào cưỡng chế máy ảnh của phóng viên Hàn Giang khiến máy ảnh rơi và gãy khóa pin. Mặc dù hai phóng viên đã nói rõ đang tác nghiệp nhưng Tân đã chỉ thẳng mặt và tuyên bố: ‘Nhà báo tao cũng đánh’. Ngoài ra một người dân địa phương tên Tuấn đến can thiệp cũng bị Tân đánh và phải vào bệnh viện cấp cứu.
Cần có biện pháp mạnh tay
Những vụ việc kể trên chỉ là một phần nhỏ trong hàng loạt các vụ hành hung, cản trở nhà báo thời gian gần đây. Theo công bố của Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng dựa trên kết quả khảo sát 279 nhà báo ở 19 tỉnh, Thành phố vào năm 2013: '75% cơ quan nhà nước né tránh hoặc phản hồi báo chí không đúng thời hạn luật định. Trong số 25% nhận được trả lời đúng thời hạn cũng chỉ có thông tin vỏ, thiếu nội dung cụ thể'.
Đây là những hành vi vi phạm Pháp luật bởi tại điều 7 của Luật báo chí nêu rõ trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí: ‘Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các tổ chức có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí, giúp báo chí thông tin chính xác, kịp thời và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin. Đối với vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử thì các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền không cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin…’.
Cần có những biện pháp mạnh tay để bảo vệ phóng viên khi tác nghiệp
Đồng thời, điều 2 của Luật báo chí 1989 (sửa đổi năm 1999) đã quy định: ‘Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận để xâm phạm lợi ích Nhà nước, tập thể và công dân’.
Như vậy, việc cản trở các phóng viên, nhà báo tham gia tác nghiệp là một việc làm vi phạm pháp luật và cần phải trấn chỉnh ngay lập tức, các đối tượng hành hung, cản trở báo chí cần phải bị xử lý nghiêm minh và công khai.
Tuy vậy, mỗi nhà báo cũng cần phải trang bị cho mình những kỷ năng tự bảo vệ mình khi tác nghiệp. Có khá ít các vụ hành hung, cản trở nhà báo được xử lý triệt để. Bởi khi hành hung xong thì các đối tượng chỉ bị xử lý ở hành vi ‘cố ý gây thương tích’. Mỗi phóng viên cần trang bị cho mình những kiến thức đầy đủ về luật pháp, trang bị những biện pháp bảo vệ bản thân khi có biến cố.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?