Dinh thự tráng lệ có 99 cửa
Nấp sau vẻ đẹp tráng lệ, uy nghiêm của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM là cả một giai thoại li kỳ, huyền bí xoay quanh ngôi biệt thự lẫn chủ nhân của nó.
Nhà chú Hỏa nay là bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM
Tuy giàu nhưng chú Hỏa cũng nghĩ đến đồng bào bằng cách xây dựng những công trình giúp ích cho các cộng đồng và người dân Sài Gòn - Gia Định thời ấy: Bệnh viện Từ Dũ, Trung tâm cấp cứu Sài Gòn, chùa Kỳ Viên… Có thể nói, chú Hỏa là một doanh nhân thành đạt tiêu biểu và luôn hướng về cộng đồng. “Đón đầu quy hoạch”, làm giàu từ nghề bất động sản, ông đã chọn cho gia đình mình một tòa dinh thự đẹp lộng lẫy nằm ngay tại khu vực trung tâm Sài Gòn ngày nay. Dinh thự của ông hiện nay nằm tại số 97 Phó Đức Chính, quận 1, TP.HCM, gần sát chợ Bến Thành.
Đó là một dinh thự xây theo kiến trúc Baroque, một trong những trường phái kiến trúc nổi bật của châu Âu thế kỷ 16. Ngôi nhà kiến trúc rất đẹp, hoà hợp giữa hai trường phái xây dựng Âu - Á. Tường nhà đúc kiên cố, dày từ 40 cm đến 60cm. Có giai thoại kể rằng, khi thiết kế, tòa nhà có ba gian hình vòng cung, với 100 cửa lớn nhỏ, cửa sổ. Khi ấy, viên toàn quyền người Pháp bắt buộc phải bỏ bớt một cửa, và không cho mở cửa cổng chính vì cổng này lớn hơn cổng của Dinh Toàn quyền, như dinh Độc Lập có 2 cổng phụ ở hai bên cổng chính vậy.
Xứng đáng với tên tuổi chủ nhân của nó, từ cổng ra vào, cầu thang đến cửa phía trước của tòa nhà là một khối hùng vĩ, cân đối và quyến rũ, hiếm gặp trong thành phố. Kiến trúc của tòa nhà còn là sự kết hợp giữa phong cách Đông - Tây. Tòa nhà hình chữ U theo thuyết phong thủy, mái nhà dốc lợp ngói âm dương, hàng hiên tạo bằng dàn khung sắt cầu kỳ. Các cột trụ theo kiến trúc Hy Lạp, các đầu gờ được bố trí phù điêu hoa lá mô phỏng kiến trúc Pháp với cửa sổ thiết kế tinh vi với thủy tinh màu tráng lệ.
Ngôi nhà được trang trí lộng lẫy từng chi tiết
Ngôi nhà không chỉ huyền bí bởi sắc màu giai thoại mà còn khiến không ít người phải trầm trồ bởi vẻ đẹp tráng lệ, lối kiến trúc tinh vi, cổ kính mang dáng dấp châu Âu thời Phục hưng. Điều đó cũng dễ giải thích vì sao ngôi nhà được chọn làm trụ sở của bảo tàng Mỹ thuật, chứ không phải bất cứ ngôi nhà nào khác trong thành phố.
Cho đến sau năm 1975, cả gia đình chú Hỏa di cư ra nước ngoài sinh sống, chính quyền Cách mạng đã tiếp quản tòa nhà này. Năm 1987, tòa nhà được lập thành Bảo tàng Mỹ Thuật TP. HCM, nhưng vì thiếu hiện vật nên đến năm 1992 mới đi vào hoạt động. Nơi đây, hiện lưu giữ hơn 20.000 tác phẩm qua nhiều thời kỳ lịch sử như: Óc Eo, Chămpa, gốm Lý - Trần - Lê, đồ chạm gỗ, cẩn xà cừ... Nơi đây cũng trưng bày các phẩm của các danh họa Việt Nam từng học tại trường Mỹ thuật Gia Định, Mỹ thuật Đông Dương, sưu tập ký họa của các tác giả ở nhiều giai đoạn. Đến nay, nó đã trở thành một trung tâm mỹ thuật lớn của Việt Nam, lưu trữ rất nhiều tác phẩm hội họa, điêu khắc và cổ vật mỹ thuật trong lịch sử đất nước và nhân loại, gồm cả những tác phẩm có giá trị rất cao như bức tranh sơn mài Vườn xuân Bắc Trung Nam của danh họa Nguyễn Gia Trí.
Cổ vật trong tòa nhà
Lời đồn thổi huyễn hoặc về con ma nhà họ Hứa
Sự bí ẩn của tòa nhà này đã được người đời thêu dệt thành những câu chuyện lạ lùng. Từ trước 1975 đã có rất nhiều lời đồn đại cho rằng ngôi nhà này có ma. Nhiều người kể đã không ít lần nhìn thấy bóng trắng thấp thoáng lướt đi qua các dãy hành lang trong đêm khuya, người khác khẳng định đã nghe hồn ma đêm đêm hiện về gào khóc. Có người lại bảo thấy có bóng áo trắng, tóc xõa, phất phơ lướt đi trong đêm, dọc hành lang, qua những cửa sổ để ngỏ. Từ đó, dư luận bắt đầu thêu dệt không ít câu chuyện kì bí.
Thực sự thì theo ông H.T, một nhà báo già của chế độ cũ kể lại với chúng tôi: giai thoại về hồn ma trong dinh thự Chú Hỏa chỉ ra đời khi bộ phim Con ma nhà họ Hứa của hãng phim Dạ Lý Hương, đạo diễn Lê Mộng Hoàng, với sự tham gia diễn xuất của diễn viên Bạch Tuyết, Thanh Tú, Dũng Thanh Lâm, Thanh Việt, Tùng Lâm, Năm Sa Đéc... xuất hiện. Đây là một trong những bộ phim ma đầu tiên của điện ảnh Việt Nam.
Nội dung của bộ phim nói về con gái của ông Hui Bon Hoa, một cô gái bị bệnh phong giữa lúc tuổi đời còn thanh xuân. Thương con, nhân vật chú Hỏa trong phim đã phải nhốt con vào một căn phòng trong tòa nhà để tránh bị lây căn bệnh phong hủi quái ác mà thời ấy chưa có thuốc chữa. Căn phòng nhốt cô gái có một cửa chính và một cửa sổ và một lỗ thông hơi dùng để đưa thức ăn vào. Chuyện phim kinh dị Con ma nhà họ Hứa đã gây cơn sốt rồi thiếu vé, do khán giả ùn ùn tranh nhau vào xem phim, đã làm cho con ma này tưởng chừng như có thật.
Căn lầu bị đồn thổi là nơi nhốt con gái chú Hỏa
Cũng theo ông H.T: Nhà chú Hỏa theo thiết kế có cái sân rất rộng nên nằm thụt ra phía sau, cách hàng rào sắt bên ngoài rất xa, lại có cây cối um tùm khiến cho toà nhà âm u, vì đèn đường vàng vọt không đủ sáng, cho nên bóng dáng người ở trong đó khi ở xa nhìn vào thì có cảm tưởng như là con ma, nhất là những người yếu bóng vía. Thêm câu chuyện phim ma, nhiều tưởng tượng thêu dệt cho câu chuyện ly kỳ hấp dẫn gây cảm xúc như là những chuyện ma khác. Cho đến ngày nay, câu “con ma nhà họ Hứa” còn gần gũi đến mức được gán cho những người … chỉ biết hứa mà không biết thực hiện lời hứa.
Trên thực tế thì năm 2006, các con cháu của ông Hui Bon Hoa khi từ nước ngoài trở về để tìm mộ phần ông đã xác nhận rằng: ông không có người con gái nào cả. Như vậy, câu chuyện về đứa con gái bị bệnh phong chỉ là sự bịa đặt của người đời. Ngay cả những nhân viên của Bảo tàng Mỹ thuật thành phố làm việc lâu năm ở đó cũng khẳng định: họ chẳng bao giờ nhìn thấy con ma nào trong tòa nhà rộng lớn ấy cả.
Khi còn sống, đã có không ít những giai thoại ly kỳ về bản thân, gia đình, nhà cửa, khi mất, chú Hỏa gây tò mò về bí ẩn kế tiếp là nơi chôn cất của ông.
Có người cho rằng mộ của Hui Bon Hoa đang nằm tại Thủ Đức. Cũng có tin cho biết hài cốt của chú Hỏa được mang về Pháp vì chú có quốc tịch Pháp, tên Jean Baptiste Hui Bon Hoa. Lại có giai thoại khác, trước khi chết, chú cho xây dựng nhiều lăng mộ, với mục đích là bảo đảm an toàn cho mộ phần vì sợ kẻ trộm đào mồ để tìm của cải quý giá chôn theo, mà phong tục người Hoa thường thực hiện. Đồng thời, theo phong thủy, mộ thường hay chôn ở chỗ có long mạch, nên tránh cho long mạch bị quấy phá có ảnh hưởng không tốt cho việc làm ăn của con cháu.
Nhiều người lớn tuổi vẫn còn nhớ, khi mất, chú Hỏa được an táng tại khu vực gần núi Châu Thới, Biên Hòa. Nơi đây có 2 ngọn núi thấp Bửu Long và Long Ân, là nơi rồng ngủ. Quan sát từ trên cao, thì thấy Bửu Long cổ tự kết hợp với những gò đống lồi lõm uốn quanh của địa thế, tạo thành hình một con rồng khổng lồ nằm vắt ngang qua lưu vực sông Phước Long, xã Tân Thành. Núi Long Ân là đầu rồng, chuỗi gò đống nói trên là mình rồng uốn khúc, và núi Châu Thới phía nam là đuôi rồng vểnh lên cao. Vì trước đó, chú Hỏa xem phong thủy rất kỹ, khu vực này long mạch hiếm thấy, rất thích hợp cho chỗ an nghỉ, đồng thời, con cháu đời sau nhờ đó mà làm ăn phát đạt.
Vậy là, sau những chuyện đồn thổi về con ma nhà họ Hứa, thì những giai thoại về nơi an táng của chú Hỏa lại xuất hiện.
Cho đến giờ phút này, có lẽ, không nhiều người biết mộ phần chú Hỏa đang nằm ở đâu. Những bí ẩn trăm năm vẫn cứ thế theo thời gian và sự thêu dệt của người đời mà trở nên huyễn hoặc hơn. Nhưng, có một điều chắc chắn là những cống hiến của ông Hui Bon Hoa, doanh nhân nổi tiếng nhất trong Tứ đại phú hộ của Việt Nam thế kỷ trước, vẫn sẽ còn mãi trong lòng người Sài Gòn, trên những con đường, kiến trúc và những giai thoại không tưởng.