Vaxjo nhìn từ cửa sổ máy bay
Tên của thành phố được cho là ghép bởi hai từ "väg" (con đường) và "sjö" (hồ), ý chỉ con đường đóng băng đi qua mặt hồ Växjö mà những nông dân dùng trong mùa đông để mang hàng hóa đến chợ. Nơi sau này trở thành thành phố Växjö.
Nổi tiếng nhất Växjö là hai lâu đài lớn Kronoberg và Teleborg. Lâu đài Teleborg nằm gần hồ Trummen về phía nam thành phố. Tuy mang phong cách kiến trúc trung cổ nhưng lâu đài này mới chỉ được xây dựng vào năm 1900 theo thiết kế của Lindvall & Boklund, công ty kiến trúc Thụy Điển.
Lâu đài Teleborg
Đây là món quà cưới của ngài bá tước Fredrik Bonde af Björnö dành cho người vợ Anna Koskull của mình. Sau khi vợ chồng ngài bá tước qua đời, lâu đài được dành cho các cô con gái của họ. Năm 1964, chính quyền thành phố mua lại lâu đài cùng toàn bộ khu công viên bao quanh, vốn thuộc sở hữu của gia tộc Bonde để làm nơi tham quan, hội thảo, tổ chức đám cưới cùng các sự kiện.
Ngoài các hoạt động quảng bá của hội đồng thành phố, một phần của lâu đài còn được dành cho Trường đại học Linnaeus sử dụng.
Đặc biệt, trong công viên bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những chiếc giỏ đặc biệt để chơi môn ném gôn đĩa. Những người tham gia, các vận động viên sẽ cầm những chiếc đĩa trong tay và cố gắng ném trúng vào giỏ. Và để tránh cho đĩa không bị rơi ra khỏi giỏ, những sợi dây xích sắt được móc thêm vào là vì thế.
Trò chơi ném gôn đĩa
Sau khi giải thích cho tôi về môn ném gôn đĩa, Lucas mặt đầy nghiêm trọng, ngó nghiêng xung quanh xem có ai đang chơi hay không, mồm thì liến thoắng đùa: “Cẩn thận, cẩn thận đấy!”. Kể ra thì những ngày cuối tuần nếu vào công viên thì bạn cũng phải để ý một chút để khỏi bị chiếc đĩa nào đó bay lạc trúng người dù khi đó khu vực có người chơi đều được đánh dấu.
Tuy không được cả thế giới biết đến nhưng môn ném đĩa (tên quốc tế là disc-golf, hay còn gọi là Frisbee dựa theo tên hãng sản xuất) đã được phổ biến tới hơn 40 quốc gia trên thế giới. Nó giống môn đánh gôn ở chỗ mục tiêu chính là đi hết các mốc (như các lỗ golf) với số lần ném ít nhất.
Phần còn lại của lâu đài Kronoberg
Một góc không thể thiếu của thành phố nhỏ Växjö đó là Kronoberg. Lucas đã không dưới mười lần nhắc với tôi rằng đây là nơi ưa thích của anh từ lúc còn nhỏ xíu. Lâu đài này được xây dựng vào giữa thế kỷ 15, dành cho đức giám mục của vùng khi đó là ngài Lars Mikaelson.
Từng bị phá hủy trong cuộc chiến tranh giữa Đan Mạch và Thụy Điển. Khi biên giới hai nước chưa bị dời đến tận eo biển Oresund thì pháo đài Kronoberg chiếm giữ vị trí chiến lược rất quan trọng. Nó từng được củng cố và trang bị tới 50 khẩu pháo. Vị trí này mất đi sau hòa ước Roskilde. Mất đi tầm quan trọng quân sự, pháo đài dần chìm vào hoang phế và đổ nát. Phần tàn tích còn lại cho tới giờ chỉ dành cho khách du lịch tới thăm vào mùa hè.
Bên hồ Helgasjön
Chúng tôi cứ ngồi nhẩn nha hết ngắm pháo đài lại nhìn ra hồ Helgasjön ngắm chiếc tàu thủy hơi nước Thor tuổi đời có lẽ còn gấp vài lần tuổi tôi chạy qua. Những cột khói đen bốc lên, mùi khói dầu phảng phất trong hơi gió thật kích thích.
Sau khi đã loanh quanh hết thành phố, để quên đi việc chúng tôi hay nhắc đến rằng thành phố nhỏ quá, Lucas liền tranh thủ một ngày nắng đẹp chạy xe một lèo 40km ra khỏi trung tâm đến công viên nai sừng lớn nhất của Thụy Điển - Grönåsens Moosepark.
Chú nai sừng tò mò trước ống kính máy ảnh
Những chú nai sừng cao hơn 2m, con trưởng thành khoảng 800kg là loài lớn nhất trong họ hươu nai. Ở Thụy Điển, chỉ trừ trên đảo Gotland, còn ở đâu cũng có mặt chúng. Trung bình mỗi năm, chỉ tính riêng các thợ săn trong nước, có khoảng 100.000 con được bắn. Nai sừng cũng chính là một ngành công nghiệp quan trọng ở đây.
Cuối mùa đông, bộ sừng rụng đi, khoảng 7 tháng sau mọc lại như cũ. Chẳng cần vào rừng, đôi khi ngay bên đường xe chạy bạn cũng có thể gặp vài chú nai đang ngó nghiêng từ xa. Anh bạn tôi thì càu nhàu vì thi thoảng vẫn có những vụ nai chạy ngang đường bị xe chẹt phải rồi gây tai nạn.
Trong công viên nai sừng
Trong công viên nai sừng này bạn có thể tham gia các hoạt động dạo chơi, săn bắn, nướng thịt, nghỉ ngơi cùng gia đình hoặc bạn bè. Một nơi lý tưởng cho nghỉ ngơi cuối tuần. Chỉ tiếc rằng ông bà chủ hiện tại vì lý do tuổi tác đang muốn bán toàn bộ nơi này.
Quay về thành phố, chúng tôi lại nhẩn nha quanh pháo đài. Ngay gần đó là hàng bánh quế ngon tuyệt. Trong không gian xanh dìu dịu, căn nhà gỗ sơn màu sơn đỏ cùng những chiếc bánh quế giòn tan, phủ mứt dâu ngọt mát có lẽ là nơi tôi nhớ nhất trong cả chuyến đi.