Cách tạo áp lực tích cực trong công việc
Thứ sáu, 20/09/2019 09:11

Nếu bạn nhìn nhận theo khía cạnh khác, áp lực lại là “liều doping” giúp cải thiện năng suất, đẩy nhanh tiến độ công việc, và giúp bạn phát triển chuyên môn.

Căng thẳng luôn là vấn đề không ai muốn gặp phải, và thường gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng công việc. Nhưng nếu bạn nhìn nhận theo khía cạnh khác, áp lực lại là “liều doping” giúp cải thiện năng suất, đẩy nhanh tiến độ công việc, và giúp bạn phát triển chuyên môn. Do đó, nếu biết cách tạo ra các áp lực cần thiết, bạn sẽ dễ tiến xa hơn trong sự nghiệp. Bài viết dưới đây của CareerLink sẽ đưa ra 9 cách giúp bạn tạo ra các áp lực tích cực trong công việc.

carreer-link-282-xahoi.com.vn-w600-h315

1. Chủ động nhận nhiệm vụ đầy thử thách

Nhiều người vì sợ mắc sai lầm nên luôn muốn giữ mình trong "vùng an toàn" nhưng đó lại chính là sai lầm lớn. Hãy thử thách bản thân bằng cách xung phong nhận các nhiệm vụ, dự án mới của công ty, miễn đó không phải là những nhiệm vụ vượt quá xa khả năng của bạn. Hãy cân nhắc tất cả các vấn đề liên quan: Thuận lợi, khó khăn, thế mạnh và điểm yếu của bạn, mức độ rủi ro của dự án...và tìm lời giải đáp phù hợp trước khi quyết định tiếp nhận thử thách.

2. Đặt mục tiêu cao hơn

Nếu bạn muốn phát triển trong nghề nghiệp thì chắc chắn phải chấp nhận vượt ra khỏi vùng an toàn. Nhưng nếu chưa đủ năng lực để nhận các nhiệm vụ, dự án tương đối quan trọng thì hãy bắt đầu bằng những bước tiến ngắn phù hợp. Hãy đặt mục tiêu cao hơn một chút với những công việc bạn thường làm. Chắc hẳn đích đến xa hơn sẽ tạo nên ít nhiều áp lực đồng thời kích thích bạn tiến lên để vượt qua thử thách.

3. Học những điều mới mẻ khác biệt

Bên cạnh các kiến thức chuyên môn, bạn cũng nên chủ động tích lũy các kiến thức mới mẻ khác để hỗ trợ cho công việc. Dù rằng các áp lực thêm vào sẽ khiến bạn khá căng thẳng, nhưng chính các bài học mới sẽ bổ trợ cho sự nghiệp tương lai của bạn. Ví dụ nếu bạn là một copywriter thì học thêm thiết kế đồ họa sẽ giúp bạn trong việc trình bày tạo sự cuốn hút hơn cho các bài viết, và dễ thăng tiến đến các cấp bậc cao hơn như trưởng nhóm marketing.

4. Nhờ sự nhắc nhở từ người thân

Người thân không chỉ chia sẻ cùng bạn các khó khăn trong cuộc sống hay công việc, mà họ còn có thể đưa ra những lời nhắc nhở cần thiết khi bạn lơ là, thiếu tập trung cho sự nghiệp. Chắc chắn sự góp ý chân thành của họ đôi lúc sẽ khiến bạn thấy áp lực, nhưng sẽ giúp bạn thúc đẩy bản thân cố gắng và tập trung hơn vào mục tiêu. Vì vậy hãy gần gũi, chia sẻ với người thân và tỏ ra cầu thị để nhận được những lời khuyên giá trị khi cần đến.

5. Vẽ bảng thống kê cụ thể

Đừng chỉ ghi nhớ “trong đầu” về những cột mốc và các thành tích, mà bạn cần cụ thể hóa bằng một biểu đồ thống kê. Bạn có thể tự đặt một chiếc bảng ở phòng cá nhân với các hình vẽ minh họa chi tiết mục tiêu công việc. Bên cạnh, bạn cũng có thể ghi những lời nhắc nhủ, các thành quả cá nhân từng đạt, những mục tiêu ngắn và dài hạn. Cách này không chỉ giúp bạn tạo ra các áp lực tích cực, mà nhờ đó bạn có thể quản trị kế hoạch công việc tốt hơn.

6. Hãy biết “kiềm chế” nhiệt huyết

Nghe qua có vẻ vô lý, nhưng cũng giống như khi bạn bắt đầu chương trình rèn luyện thể thao. Sự hăng hái ban đầu sẽ dễ dàng biến mất nếu bạn liên tục cố sức hoàn thành mọi thứ. Bạn nên phân bổ sức lực vừa hoàn thành chỉ tiêu, mà lại không thường xuyên rơi vào tình trạng kiệt sức, cũng như thêm hăng hái cho những ngày tiếp theo.

7. Tham gia vào các hội nhóm liên quan

Mạng xã hội không chỉ đơn thuần là nơi giúp bạn giao lưu mở rộng danh sách quan hệ, mà còn giúp kết nối đến các “tiền bối” cùng nghề giàu kinh nghiệm. Bằng cách nhìn vào các thành quả của họ, bạn sẽ có thêm động lực cùng một ít áp lực để phấn đấu trong nghề nghiệp. Ngoài ra, bạn cũng thu nhận thêm nhiều kiến thức quý báu thông qua những cuộc trò chuyện.

8. Trang trí bàn làm việc

Bàn làm việc là nơi “gắn bó” mật thiết với dân văn phòng. Do đó, thay vì thói quen sử dụng vật dụng bừa bãi, gây mất thời gian tìm kiếm và ảnh hưởng đến sự tập trung, thì bạn nên trang trí bằng các bức ảnh về “ngôi nhà mơ ước”, một “thần tượng” nghề nghiệp liên quan. Chắc hẳn điều đó  sẽ góp phần tạo ra các áp lực tích cực giúp bạn cố gắng hiện thực hóa mục tiêu.

9. Nhìn vào thành tích của đồng nghiệp

Thực tế cho thấy, cạnh tranh chính là động lực để thúc đẩy sự phát triển. Do vậy, bạn đừng nhìn vào thành công của đồng nghiệp với thái độ ghen tị, mà hãy xem đó như là mục tiêu để phấn đấu vươn lên. Nếu bạn cần sự trợ giúp, đừng ngại xin lời khuyên của đồng nghiệp, và hãy nhiệt tình giúp đỡ họ khi cần. Như vậy, bạn không những có thêm "áp lực tích cực", mà còn xây dựng được mối quan hệ tốt ở nơi làm việc.

HX (Theo Tri Thức Xanh)

Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu

Tag: Công việc , tạo áp lực tích cực trong công việc , CareerLink