Tết Hàn Thực ở Việt Nam
Từ thời Lý, Tết Hàn thực đã được Việt hóa. Người Việt Nam ăn tết Hàn thực với mục đích chủ yếu là để lễ Phật và cúng gia tiên. Tết Hàn thực ở Việt Nam không kiêng lửa, mọi việc nấu nướng vẫn được thực hiện.
Người Việt tượng trưng cho Tết Hàn thực bằng bánh trôi, bánh chay với ý nghĩa đó là những thức ăn nguội (hàn thực) và gọi tết này là “Tết bánh trôi-bánh chay." Hiện nay, Tết này vẫn được duy trì ở miền Bắc, nhất là các tỉnh xung quanh Hà Nội.
Bánh trôi, bánh chay
Bánh trôi và bánh chay thường được cho rằng có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng cũng nhiều sự tích cho rằng, bánh trôi, bánh chay có từ thời Hùng Vương. Tục làm bánh trôi, bánh chay để nhắc lại sự tích ”bọc trăm trứng” của bà Âu Cơ.
Hai thứ bánh tuy cùng làm bằng bột gạo nếp, nhưng mỗi thứ có hương vị đặc biệt riêng.
Bánh trôi làm bằng bột nếp nhào nặn với nước, có nhân bằng đường phên. Gạo làm bánh trôi, bánh chay phải kén được nếp cái hoa vàng. Cứ chín phần nếp cho một phần tẻ hoặc non hai phần tẻ. Đường làm nhân bánh trôi ngon nhất là đường phên Dương Liễu, Cát Quê, những miếng đường vuông thành, sắc cạnh, đỏ thắm, rắn đanh và giòn, hương thơm mát.
Bánh nặn xong, được thả vào nồi nước sôi. Bánh chìm xuống rồi nổi lên, “ba chìm bảy nổi, chín lênh đênh” thì vớt ra và ngâm trong nước lã đun sôi để nguội cho săn trở lại rồi lại vớt ra bày vào đĩa. Đĩa bánh trôi được rắc thêm mấy hạt vừng trắng rang thơm.
Bánh chay cũng làm bằng bột nếp nhào nặn với nước và cũng có nhân, nhưng nhân bằng đậu xanh nấu chín. Đỗ để làm nhân bánh cũng phải là giống đỗ tiêu, hạt nhỏ, thơm; được hấp chín tới, giã mịn, trộn với đường kính trắng. Bánh chay được đựng trong bát, chan thêm một chút chè đường quấy với bột đao hay bột sắn dây ướp hoa bưởi.
Hướng dẫn làm bánh trôi, bánh chay ngũ sắc đặc biệt cho Tết Hàn Thực
Để món ăn này thêm mới lạ và hấp dẫn cả nhà, bạn hãy thử làm hai món bánh này
với nhiều vị, nhiều màu sắc hơn nhé.
Phần vỏ bánh
1. Bánh trôi màu đỏ
Nguyên liệu:
- 100g bột nếp
- 30g bột năng
- muối
- 1 thìa cà phê dầu ăn
- Phần tạo màu: 100g cơm gấc
Cách làm:
- Gấc: cho 1 chút rượu vào bóp kỹ, bỏ hạt và chỉ lấy phần cơm gấc (100g)
- Trộn bột nếp, bột năng, cơm gấc, 1 chút muối (để bánh đậm vị), dầu ăn đều lên với nhau. Vừa trộn, vừa rót nước vào từng ít bột để nhồi bột dần, không cho nước liền 1 lúc vì có thể khối bột hoặc không được ướt đều hoặc nhão quá.
Màu sắc của bánh rất đẹp.
Nhào bột đến khi vừa tay thì để bột nghỉ khoảng 30 phút. Bột vừa tay nghĩa là bột mịn, dẻo, khối bột đều màu, không bị chảy sệ nhanh và không vãi nước là được.
2. Bánh trôi màu xanh
- Phần tạo màu: 100g lá dứa
- Lá dứa rửa sạch, thái nhỏ, bỏ vào máy xay cùng 1 chút nước, xay nhuyễn rồi vắt lấy nước cốt, hòa cùng 50ml sữa tươi (để vỏ bánh mềm hơn)
- Khi nhồi bột, không rót nước vào mà trộn bột nếp, bột năng, muối, dầu ăn và rót từ từ nước lá dứa (rót từ từ đến khi bột đủ ướt thì dừng lại, vì tùy từng loại bột mà có thể dùng nhiều hay ít nước, không nhất thiết phải dùng hết lượng nước lá dứa đã xay). Nhồi bột kỹ đến khi bột vừa tay là được, để bột nghỉ 30′.
3. Bánh trôi màu vàng
- Dùng 1 quả chanh leo bỏ vỏ, đem lọc lấy nước cốt, bỏ hạt, hòa thêm chút nước
- Trộn bột nếp, bột năng, muối, dầu ăn, rót từ từ nước cốt chanh leo vào nhào kỹ, có thể thêm nước cho vừa bột. Để bột nghỉ 30′.
4. Bánh trôi màu cam
- 100g bí ngô (hoặc khoai lang vàng)
- Bí ngô (khoai lang) gọt vỏ, rửa sạch, bổ miếng nhỏ, đem đi hấp chín, tán nhuyễn.
- Trộn bột nếp, muối, dầu ăn (không cho bột năng), bột bí ngô (hoặc bột khoai lang) ở trên, rót nước từ từ, nhồi bột đều tay. Để bột nghỉ 30′.
5. Bánh trôi màu tím
- Củ dền rửa sạch, xay nhuyễn, thêm nước để lọc lấy nước cốt màu tím, đun nóng.
- Trộn bột nếp, bột năng, muối, dầu ăn, rót từ từ nước củ dền vào nhào kỹ. (rót từ từ đến khi bột đủ ướt thì dừng lại, vì tùy từng loại bột mà có thể dùng nhiều hay ít nước, không nhất thiết phải dùng hết lượng nước củ dền ở trên). Nhồi bột kỹ đến khi bột vừa tay là được, để bột nghỉ 30′.
Phần nhân bánh
Nguyên liệu
- 50g đường mật
- 50g cùi dừa (tùy theo sở thích)
Cách làm:
- Đường mật (mua loại cắt sẵn thành từng viên nhỏ để làm nhân bánh trôi) bỏ ra bát để ngoài khoảng 2 tiếng để viên đường ướt vừa phải, khi luộc bánh, đường sẽ tan hết chứ không còn cục ở giữa.
- Thông thường, người ta chỉ làm nhân bánh trôi bằng đường viên này hoặc không nhân rồi chấm bánh ăn với mật. Tuy nhiên, để món bánh trôi thêm thú vị, bạn có thể chuẩn bị thêm cùi dừa để cho vào nhân, khi ăn sẽ có cảm giác sật sật và vị ngậy béo của dừa.
Cùi dừa cạo bỏ lớp vỏ nâu cứng bên ngoài, đem cắt thành nhiều miếng nhỏ (cỡ bằng 1/3 viên đường)
Nặn bánh
- Chia bột bánh trôi thành nhiều phần nhỏ như đầu ngón tay cái bằng cách lăn bột thành thanh tròn dài, sau đó ngắt từng viên bột nhỏ.
Viên bột chỉ nên ướm chừng như ngón tay cái là vừa miệng ăn.
- Mỗi miếng bột làm cùng 1 viên đường mật và 1 viên dừa. Ấn đường và dừa vào giữa miếng bột, vê tròn bánh. Nặn bánh, chỉ nên vê 1 vòng, không nên vê nhiều vòng tránh việc bánh bị nhão khi luộc.
- Xếp bánh vê xong vào khay hoặc mâm chờ luộc bánh
Luộc bánh
- Đun nước đến khi sôi già, thả bánh vào.
Lưu ý: khi lấy bánh từ khay hoặc mâm để bỏ vào luộc, nếu bánh hơi dính vào khay hoặc mâm, bạn chú ý không nhấc thẳng viên bánh lên mà dùng tay cầm nhẹ viên bánh, vừa kéo bánh trên mặt khay chừng 1-2cm, vừa nhấc lên từ từ. Làm như vậy, bánh trôi sẽ được nguyên viên, không bị vỡ hoặc hở nhân ra ngoài.
- Luộc bánh đến khi nào thấy bánh nổi lên hoàn toàn (không phải 3 chìm 7 nổi đâu nhé. Ban đầu, khi thả vào nước, bánh sẽ chìm, rồi sau đó lơ lửng, nổi lên lại chìm xuống. Tuy nhiên, khi nào bánh nổi hẳn mới là chín.) Chú ý để lửa vừa phải khi luộc bánh, nếu lửa to quá bánh sẽ dễ bị vỡ.
- Vớt bánh trôi ra khỏi nồi nước sôi, thả ngay vào bát nước lạnh để bánh không bị nhão và dính bết vào nhau.
- Thả bánh trong bát nước lạnh chừng 2-3′ thì vớt ra đĩa ngay. Vớt bánh vào đĩa rồi gạn hết nước đi để bánh không bị nhão và nhanh thiu.
Thành phẩm
Bánh trôi vớt ra đĩa ráo nước là có thể ăn ngay. Ngoài ra, tùy theo sở thích mà bạn có thể rắc thêm dừa nạo hoặc vừng (vừng trắng đã rang) lên bánh.
- Nếu rắc thêm dừa nạo thì chỉ nên ăn trong ngày, không nên để bánh đến hôm sau, vì dừa nạo nhanh bị ôi, hỏng.
Nếu rắc vừng, để cho đẹp mắt, bạn dùng 1 chiếc đũa, nhúng vào bát nước,
rồi chấm vào vừng, chấm lên chóp của từng viên bánh.
- Nếu rắc vừng, để cho đẹp mắt, bạn dùng 1 chiếc đũa, nhúng vào bát nước, rồi chấm vào vừng, chấm lên chóp của từng viên bánh. Như thế viên bánh sẽ được đẹp mắt và vừng được đều từng viên bánh.