Cà Mau: Ngư dân gặp "hạn"

Sau khi xăng dầu tăng giá, ngư dân vùng Sông Đốc, Ngọc Hiển… đã khó nay lại càng khổ hơn. Không chỉ gặp khó về bến neo đậu, sửa chữa tàu thuyền sau mỗi chuyến ra khơi, lượng thủy sản giảm, mà còn bị thương lái ép giá.

Anh Nguyễn Văn Sang, chủ tàu Vĩnh Sang, ở Thị trấn Năm Căn, huyện Ngọc Hiển cho biết, mỗi tàu đánh cá muốn ra khơi phải trang bị rất nhiều thứ từ: dầu, ngư cụ, thực phẩm, thuốc men, đặc biệt là lực lượng ngư phủ (bạn tàu) phải từ 10 - 15 người… Đánh bắt xong, sau khi trừ hết chi phí, lợi nhuận chia 7/3. Khi hết con nước quay vào bờ, bạn tàu không có tiền chi tiêu, chủ tàu phải ứng tiền trước để giữ chân. Thế nhưng đến lúc gần ra khơi thì họ lại “mất tích”. Không có bạn tàu, chuyến đi biển coi như hủy bỏ.

Ngư dân Cà Mau đang gặp khó

Những bế tắc trên chưa có lối thoát thì đùng một cái giá dầu tăng khiến cho ngư dân càng thêm khốn đốn. Anh Trần Huỳnh Song, Chủ tàu cá Song Mai cho biết: "Với tàu cá 50 tấn mỗi chuyến ra khơi xài khoảng 5.000 lít dầu. Đợt rồi dầu tăng 1.000 đồng/lít, đồng nghĩa mỗi chuyến phải mất thêm 5 triệu đồng".

Trước đây, mỗi chuyến ra biển đánh bắt lãi khoảng vài chục triệu đồng, nay dầu tăng giá nên không còn lời bao nhiêu. Chưa kể đến việc nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, có những chuyến trắng tay phải chịu lỗ nặng.

Để tiết kiệm nhiên liệu, nhiều ngư dân chuyển sang dùng đèn Ecolight. Tuy nhiên, khi dùng loại đèn này thì lượng đánh bắt thủy hải sản giảm mạnh, buộc ngư dân phải dùng lại đèn siêu áp.

Đau đầu nhất là giá của các loại thủy hải sản cứ giao động rất thất thường. Chị Huỳnh Hồng Mai, Chủ tàu cá Sông Đốc 4 cho biết, khó khăn lắm mới ra biển đánh bắt được thủy sản, nhưng khi bán thì lại bị thương lái ép giá. Bởi chuyến đi nào đánh bắt được nhiều hay ít, thì thương lái đều nắm rõ để làm giá. Chẳng hạn, nếu con nước bắt được nhiều mực lớn thì họ lại mua giá rẻ, mực nhỏ giá cao; chuyến sau ngư dân bắt được nhiều mực nhỏ, thì họ lại mua với giá thấp…

Bên cạnh đó, mỗi lần tàu bị hư hỏng, ngư dân rất khó khăn để đưa tàu lên bờ sửa chữa. Bởi phần lớn các xưởng sửa chữa tàu (ụ tàu) ở Cà Mau quá nhỏ. Diện tích chiều rộng chỉ vài chục mét, đậu được không quá 15 chiếc tàu vừa và nhỏ. Mỗi xưởng chỉ có 2 xe để vận chuyển tàu lên sửa chữa, nhưng mỗi lần chỉ kéo được 1 tàu. Chưa kể hệ thống xe và đường ray xuống cấp nên việc vận chuyển tàu lên rất khó khăn. Trong khi đó, lượng tàu hư hỏng có khi rất nhiều. Gặp khi tới con nước, ngư dân phải ở nhà vì tàu chưa được sửa chữa xong.

Đối với ngư dân, biển chính là nguồn sống, là điểm tựa. Vì vậy, họ rất cần sự quan tâm của các ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi để họ được yên tâm bám biển.