Ca ghép gan người lớn thành công ngoài dự tính
Thứ hai, 15/10/2012 15:16

Tối đa 3 tiếng phần gan sau khi cắt từ người cho phải được ghép xong cho người nhận. Tuy nhiên, ê kíp bác sĩ của BV Chợ Rẫy và Trung tâm Asan chỉ mất 15 phút.

Các bác sĩ đang thực hiện phẫu thuật.

Các bác sĩ đang thực hiện phẫu thuật.

Sáng 15/10, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tổ chức họp báo, chính thức công bố về ca ghép gan người lớn vừa được thực hiện tại đơn vị mình. Để chuẩn bị cho ca ghép gan này, Bệnh viện Chợ Rẫy và phía đơn vị bạn (Trung tâm Asan) phải chuyển một số thiết bị kỹ thuật chuyên dụng từ Hàn Quốc sang Việt Nam.

Ca phẫu thuật diễn ra từ lúc 8h25p tới 22h30p ngày 12/10, dưới sự phối hợp nhịp nhàng của các bác sĩ Bệnh  viện Chợ Rẫy và 15 y, bác sĩ (4 phẫu thuật viên, điều dưỡng, bác sĩ gây mê, chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ chăm sóc hậu phẫu…) của Trung tâm ghép gan Asan.

Theo PGS. TS Nguyễn Tấn Cường, người tham gia ê kíp và tổ chức ca mổ, đơn vị ghép gan Hàn Quốc yêu cầu bệnh viện chuẩn bị 100 bịch máu, 100 bịch huyết tương để phòng khi bệnh nhân mất nhiều máu. Tuy nhiên, cả người cho và nhận gan đều mất rất ít máu (khoảng 8 đơn vị) nên không phải truyền.

Nhóm bác sĩ cắt 2/3 lá gan phải của người cho, tức con trai và lọc hết phần gan bị xơ của người nhận, tức mẹ, rồi ghép vào.

Các bác sĩ của Trung tâm Asan đã mang động mạch lấy từ người chết não, được nuôi trong dung dịch chuyên dụng để thực hiện cho ca ghép gan này. Nếu không có đoạn động mạch kia bệnh nhân sẽ phải sử dụng ống nhân tạo, có nguy cơ thuyên tắc cao hơn.

Khi mở ổ bụng, các bác sĩ cũng phát hiện bà Đ., người nhận gan có tới 3 lá lách và bị cường lách, nên quyết định cắt bỏ luôn lá lách phụ. Sau phẫu thuật 2 tiếng, người cho đã tỉnh, nhận biết được người thân, còn bà mẹ tới sáng hôm sau mới tỉnh.

Hình ảnh hai mẹ con trong ca ghép gan phức tạp tại phòng cách ly.

Cho tới thời điểm này, người cho gan đã tự ăn được một chút, còn người nhận gan vẫn nuôi ăn qua tĩnh mạch. Các xét nghiệm đánh giá tình trạng nhiễm trùng, miễn dịch chống thải ghép, chức năng gan, phổi, lưu thông mạch của cả người cho và nhận gan sau phẫu thuật đều tốt.

Cả hai bệnh nhân đang nằm phòng cách ly (ít nhất trong 10 ngày), nếu tình hình tiến triển tốt sẽ được xuất viện sau 1 tháng nữa. Từ trước đến nay, trên cả nước đã thực hiện được 23 ca ghép gan. Trong đó 16 trường hợp trẻ em và 7 trường hợp người lớn.

Riêng ca ghép gan này là ca ghép gan người lớn thứ 3 của cả nước và đầu tiên ở khu vực phía Nam. Bác sĩ Nguyễn Tấn Cường cho biết 1/3 bệnh nhân ghép gan, sau 8 năm kể từ lúc phẫu thuật không cần dùng thuốc ức chế miễn dịch nữa (khác với những ca ghép tạng khác, như ghép thận phải uống thuốc suốt đời).

Thông thường, sau 6 – 8 tuần, lá gan của người cho sẽ tái sinh. Dù chỉ tái sinh được 60% thể tích lá gan cũ nhưng cũng đủ để bộ phận này thực hiện chức năng lọc.

Khác với ghép gan từ người chết não, ghép gan từ người sống đòi hỏi sự phức tạp hơn nhiều. Nếu khi cắt gan của người cho không khéo, người nhận sẽ sống còn người cho gan bị biến chứng, tử vong. Chính vì thế, khi chọn người cho gan, phải làm các xét nghiệm, ước tính tỉ mỉ, sao cho lúc cắt gan đủ để ghép nhưng cũng phải chừa lại phần gan vừa đủ để không ảnh hưởng tính mạng người cho gan.

VNN
Tag: Ghép gan , Phẫu thuật gan , Sức khỏe , Bệnh viện Chợ Rẫy