Cụm từ “chưa bao giờ quá tải đến mức này” đã được liên tục nhắc đến tại hội nghị vừa được tổ chức tại Bệnh viện Nhi T.Ư ngày 4-4 để chống quá tải bệnh viện.
Các bệnh nhi phải nằm ghép giường tại Bệnh viện Nhi T.Ư |
Có thể nói càng chống, tình trạng quá tải tại bệnh viện càng trầm trọng, và căn nguyên quan trọng là lỗ hổng chuyên môn ở bệnh viện tuyến dưới.
Cách đây một tháng, cháu trai chị Nguyễn Thanh Hà ở Văn Giang, Hưng Yên qua đời. Cháu chị Hà vừa tròn 1 tuổi, đầu tháng 3/2014 bé mắc sởi có biến chứng viêm phế quản - phổi. Bé được điều trị tại Bệnh viện Nhi T.Ư rồi được cho về nhà điều trị nội trú. Chỉ 2 ngày sau khi ra viện, tình trạng ho, sốt lại tái phát, bé được gia đình đưa lên Bệnh viện Nhi T.Ư. “Lần này Bệnh viện Nhi T.Ư không nhận và nói bệnh viện quá tải, bệnh cháu nhẹ, chuyển cháu về bệnh viện ở Hưng Yên. Nhưng sau chuyển viện diễn tiến bệnh của cháu nặng lên nhanh, chúng tôi phải gây áp lực để xin chuyển lại Bệnh viện Nhi T.Ư, song chỉ một ngày sau cháu không qua khỏi”- chị Hà đau xót nói.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi T.Ư, tình trạng quá tải bệnh viện diễn ra liên tục trong hai tháng vừa qua, là thời điểm các bệnh dịch mùa đông xuân vào mùa khiến các y bác sĩ cũng bị kiệt sức!
Ông Lê Thanh Hải, giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, cho biết năm bệnh gặp nhiều nhất trong thời gian này là viêm phế quản - phổi, sởi, viêm tiểu phế quản, tiêu chảy, sốt cao co giật. 40-80% bệnh nhân điều trị ở bệnh viện là diện trái tuyến, trong đó 50% là gia đình tự chuyển các trẻ đến, 50% do bệnh viện tuyến dưới chuyển đến. Mỗi ngày bệnh viện điều trị cho 1.700 bệnh nhân nội trú, trong khi bình thường là 1.400 trẻ. Cả bệnh viện thường xuyên có 100-120 trẻ thở máy, số lượng trẻ thở máy cũng chưa bao giờ lại nhiều đến như vậy. Tuy nhiên, “thương hiệu” Bệnh viện Nhi T.Ư khiến nhiều gia đình bỏ qua tuyến tỉnh, lên thẳng T.Ư vì nhiều người ngại có khi để ở tuyến dưới thì trẻ chết oan. Và thật sự cũng có nhiều trường hợp như vậy. Đó chính là lý do khiến mùa dịch sởi này được coi là dịch lớn, bất thường và số ca mắc lên đến 5.000 bệnh nhi. Đây là số có xét nghiệm xác định, còn số mắc bệnh thực tế lớn hơn nhiều.
Tình trạng quá tải không chỉ diễn ra ở Bệnh viện Nhi T.Ư. Tại Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhân đến khám đã tăng gấp đôi chỉ sau ba năm, dự kiến năm 2014 này đạt khoảng 1,2 triệu lượt. Tình trạng quá tải gay gắt nhất là ở các khoa thần kinh, ung bướu, nhi, Viện Tim mạch quốc gia... Ngày cao điểm khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 137 bệnh nhi nội trú/50 giường bệnh... Tại khoa nhi Bệnh viện Xanh Pôn, thường xuyên có 400 bệnh nhi/120 giường bệnh.
Lỗ hổng tuyến dưới
Ngay tại hội nghị chống quá tải bệnh viện, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết sẽ đề nghị cấp ngay tám máy thở từ nguồn dự trữ quốc gia cho Bệnh viện Nhi T.Ư, đồng thời cấp 4 tỉ đồng để Bệnh viện Nhi T.Ư mua thêm một máy thở vào loại hiện đại nhất hiện nay. Bên cạnh đó, Bệnh viện Nhi T.Ư cũng kêu gọi các bệnh viện tuyến dưới hạn chế chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Nhi T.Ư. Tuy nhiên theo đại diện Bệnh viện Xanh Pôn, việc này rất khó vì nhiều trẻ bệnh nặng gia đình lo ngại, nếu không cho chuyển viện sẽ bị cho là gây khó dễ, trường hợp không may trẻ không qua khỏi, bệnh viện dễ bị kiện tụng, khó ăn nói với người bệnh!
Điều dễ nhận thấy là sẽ rất khó chống quá tải bệnh viện bằng kêu gọi, vận động, thậm chí dùng biện pháp hành chính để không cho người bệnh chuyển viện. Theo một chuyên gia về chính sách y tế, nhân lực ở bệnh viện tuyến dưới vừa thiếu lại vừa hạn chế về chuyên môn. Chuyên gia này cũng cho biết hầu hết bệnh viện tuyến huyện đang thiếu bác sĩ chuyên khoa nhi, thông thường phải sử dụng bác sĩ nội hoặc bác sĩ lây kết hợp điều trị nhi khoa. Chính vì vậy, các gia đình rất lo ngại khi giao phó tính mạng con mình ở bệnh viện tuyến huyện, và khi chấp nhận chuyển tuyến thì họ bỏ qua luôn tuyến tỉnh để lên thẳng tuyến T.Ư.
Cũng theo chuyên gia kể trên, hiện nay Bộ Y tế chưa có thống kê cập nhật số lượng bác sĩ nhi khoa ở các địa phương, số còn thiếu và cần bổ sung thế nào... “Bộ Y tế nên tiến hành khảo sát này để đánh giá nhu cầu thực tế, có phân bổ đào tạo hợp lý, trước mắt là đào tạo bác sĩ chuyên khoa nhi. Gần đây nhờ nguồn vốn trái phiếu chính phủ, cơ sở vật chất ở nhiều bệnh viện tuyến huyện đã khá hơn, nhưng vấn đề nhân lực, chất lượng thì vẫn còn thiếu bất cập. Giải quyết quá tải bệnh viện không phải là việc ngày một ngày hai, nhưng phải thi hành ngay các biện pháp ngắn hạn, trung hạn, nếu không sẽ rất khổ cho người bệnh vì giải quyết quá tải chỉ ở phần ngọn”- chuyên gia này phân tích.
Số trẻ mắc sởi trong ba tháng đầu năm 2014 ở VN đã lên đến trên 5.000 ca, dịch xuất hiện tại 59/63 tỉnh, thành phố và vẫn đang xuất hiện dồn dập, dù chiến dịch tiêm vét văcxin ngừa sởi đã kéo dài được trên một tháng. Ngày 5-4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có công điện khẩn tăng cường phòng chống bệnh sởi gửi các địa phương cho biết như trên.
Hiện tại Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết các địa phương có dịch sởi đã bắt đầu chiến dịch tiêm vét cho trẻ dưới 3 tuổi, thay vì chỉ tiêm cho trẻ dưới 2 tuổi chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi như kế hoạch ban đầu.
Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?