Bức tranh thủy mạc Tây Thiên khi xuân về
Cứ mỗi độ xuân về, nhân dân trong vùng lại tổ chức lễ hội Tây Thiên vào ngày 15, 16, 17 tháng 2 (âm lịch) để tưởng nhớ Quốc Mẫu Tây Thiên.
Không chỉ được coi là nơi phát tích của Phật giáo tại Việt Nam, với giá trị to lớn về mặt tín ngưỡng tâm linh, miền đất Tây Thiên còn là một thắng cảnh đẹp, thu hút đông đảo khách thập phương và các Phật tử gần xa. Mỗi dịp xuân về, Tây Thiên trở thành một trong những điểm du lịch tâm linh lớn nhất của người dân miền Bắc.
Nằm trên sườn núi Thạch Bàn thuộc dãy Tam Đảo, cách Hà Nội khoảng một giờ lái xe, Tây Thiên là một vùng sơn thủy hữu tình với hệ động thực vật phong phú và khí hậu quanh năm dịu mát. Với diện tích 148ha, quần thể di tích Tây Thiên nằm trong một vùng đa dạng sinh học với gần 500 loài thực vật và 300 loài động vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm.
Tại Tây Thiên có những cây thông sống đến ngàn năm tuổi, kiêu hãnh vươn mình và tỏa bóng xuống những lối đi quanh co trong rừng
Thiên nhiên Tây Thiên đã góp phần vào việc kiến tạo nên vẻ đẹp của các đình, chùa. Ở lối vào đền Thỏng dưới chân núi, một phần rễ của cây đa chín cội vẫn sừng sững đứng đó, thách thức thời gian và trở thành “vị thần gác cửa” uy nghiêm cho ngôi đền. Độc đáo hơn, đền Cậu được xây dựng ngay trong lòng núi, thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa con người với thiên nhiên. Đây cũng là một cách để tỏ lòng thành kính với vị thần núi – vị thần Mẹ nơi đây, tức Tam Đảo sơn trụ Quốc Mẫu tối linh đại vương – Đệ nhất thượng đẳng Phúc Thần, hay còn gọi là Quốc Mẫu Tây Thiên.
Ni cô Tịnh thất Tây Thiên đặc biệt chỉ dành cho các sư cô tu tập. Các sư cô đều có học vấn uyên bác, tu theo dòng tu Mật tông.
Cây đa trở thành hình ảnh quen thuộc, xuất hiện tại bất cứ di tích nào thuộc quần thể này
Ngược lên phía trên là Thác Bạc. Thác Bạc hợp lưu với suối Vàng ở hồ Sen rồi cùng nhau chảy ra khe Giải Oan, tạo nên một điểm nhấn trong bản hùng ca của núi rừng Tây Thiên. Núi rừng hùng vĩ thực sự đã biến Tây Thiên trở thành một bức tranh thủy mặc rung động lòng người mỗi độ xuân về.
Thác Bạc đổ ào ào từ độ cao 40 mét xuống chân núi
Từ trên cáp treo có thể nhìn thấy toàn cảnh núi non Tây Thiên hùng vĩ
Sự gắn kết giữa thiên nhiên và tín ngưỡng khiến người ta dễ dàng tìm thấy ở Tây Thiên sự bình yên trong tâm hồn. Cứ mỗi độ xuân về, nhân dân trong vùng lại tổ chức lễ hội Tây Thiên vào ngày 15, 16, 17 tháng 2 âm lịch để tưởng nhớ Quốc Mẫu Tây Thiên. Ngày chính hội được tổ chức vào ngày hóa của Quốc Mẫu Tây Thiên là 15/2 âm lịch.
Nét mới trong mùa lễ hội năm nay là việc hệ thống cáp treo Tây Thiên sẽ đi vào hoạt động để đáp ứng nhu cầu du lịch tâm linh, tín ngưỡng, văn hóa và sinh thái của du khách. Ngồi trong cabin của cáp treo, ngắm dòng thác Bạc ào ạt đổ xuống chân núi, ghi lại từng khoảnh khắc chuyển động của vầng dương đang dần xuống từ độ cao 200 mét là cách để bất cứ du khách nào tìm về với sự thư thái và tĩnh tại trong tâm hồn.