Bọ xít hút máu người gây sốt
Vừa qua tại quận Long Biên (Hà Nội), cháu bé 4 tuổi bị bọ xít hút máu đốt đã bị sốt cao, phải uống thuốc tiêu độc. Bố cháu bé cho biết: “Tối 11/9, gia đình phát hiện con bị bọ xít đốt ngay ở nhà. Sau đó con có biểu hiện sốt cao, đau rát và sưng tấy. Sau hai ngày uống thuốc con mới hết sốt, tuy nhiên vết thương vẫn còn mẩn đỏ”.
Từ đầu năm đến nay, bọ xít hút máu người xuất hiện khá nhiều trên các địa bàn như: Hà Nội, TP.HCM, Quy Nhơn, Đà Nẵng... Người dân liên tục phát hiện cả ổ bọ xít ẩn nấp dưới nền nhà, tủ quần áo. Tại Hà Nội, ngày 3.9.2012, người dân cũng phát hiện khá nhiều bọ xít hút máu tại nhà A8/12 ngõ 2 đường Phạm Văn Đồng, thuộc tổ 3 Đồng Xa (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy).
Theo mô tả của người dân, bọ xít xuất hiện ở Hà Nội giống những con bọ xít hút máu người từng bắt được tại nhiều địa phương khác. Chúng có 6 chân, vòi chích dài, cứng và nhọn, sau lớp cánh mỏng trên lưng có những vạch ngang màu vàng nâu, phần bụng dẹt và to.
Dù người dân tỏ ra khá lo lắng nhưng PGS.TS Nguyễn Văn Châu thì khẳng định: Loài bọ xít hút máu người xuất hiện gần đây không quá nghiêm trọng để nhiều người hoang mang. “Khả năng truyền bệnh của nó rất thấp, hầu như không có. Các vết đốt của bọ xít này cũng giống như muỗi đốt hoặc ong châm. Trường hợp cháu bé ở Long Biên bị sốt sau khi bị bọ xít hút máu là do nọc độc của loài bò xít này”, PGS.TS Nguyễn Văn Châu nói.
Theo PGS. TS Nguyễn Văn Châu, loài bọ xít hút máu người có thể bay vào nhà hay phát hiện thấy trong nhà từ tầng 1 đến tầng 4 (độ cao mỗi tầng từ 2,8 – 3,5m), nhưng chủ yếu từ tầng 1 đến tầng 2. Bọ xít hút máu thường làm tổ ở khe tường, sàn gỗ, gác xép và các đống củi gỗ để lâu ngày. Bọ xít hút máu người không phải mới xuất hiện ở Việt Nam mà trước năm 1979 côn trùng này đã có mặt, sau đó ít đi, mấy năm gần đây xuất hiện trở lại. Chúng xuất hiện nhiều khi thời tiết có mưa liên tục.
Không có khả năng truyền bệnh
Đầu năm 2010 cũng đã xuất hiện bọ xít hút máu ở nhiều nơi gây xôn xao dư luận, người dân rất lo lắng. Nhiều người cho rằng loài bọ xít này có thể gây bệnh Chagas truyền qua vết đốt của bọ xít thuộc phân họ Triatominae. Bệnh này có thể lây lan bằng truyền máu, mẹ truyền sang con, do phẫu thuật, cấy ghép nội tạng, tai nạn phòng thí nghiệm. Ước tính có 8 đến 10 triệu người Mexico, Trung và Nam Mỹ mang bệnh Chagas, nhưng hầu hết những người này không biết mình đã nhiễm bệnh.
Để xác định loài bọ xít hút máu người ở Việt Nam có phải cùng chủng loại với loài bọ xít gây bệnh Chagas hay không, kết quả xét nghiệm máu để tìm ký sinh trùng Trypanosoma (gây bệnh Chagas) ở 137 người (22 trẻ em và 115 người lớn) đã bị bọ xít đốt, kết quả đều âm tính. PGS.TS Nguyễn Văn Châu cho hay, xét nghiệm máu trong dạ dày của 317 bọ xít, gồm 230 con bắt trong tổ và 87 con bắt trong nhà, cũng cho kết quả âm tính.
Qua theo dõi 154 người bị bọ xít đốt thấy rằng: Vết đốt hầu như rải rác từ đầu đến chân, nhưng ở chân, tay và lưng là những nơi bị đốt nhiều nhất (25,32 - 35,06%). Bọ xít có thể chui vào trong quần áo đốt như đã thấy các vết đốt ở mông và bụng. Hiện tượng sưng, ngứa tại vết đốt là phổ biến (99,35%) và kéo dài từ 2-5 ngày. Hiện tượng sưng ngứa và có sốt là 7 trường hợp (4,54%), nhưng chỉ kéo dài trong một vài ngày. Chỉ một trường hợp sưng ngứa và gãi xước da nên nhiễm trùng tại chỗ (0,65%).
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Châu, trong quá trình nghiên cứu cho thấy, bọ xít hút máu người thường xuất hiện nhiều vào các tháng 6,7,8,9. Chúng hoạt động kiếm mồi, hút máu chủ yếu vào ban đêm (98,96%) và thường làm tổ trong các đống củi gỗ để lâu, thường xuyên có chuột hay gia súc, gia cầm lui tới. Bọ xít đốt người ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, nhưng nhiều nhất ở tay, chân; vết đốt gây sưng, ngứa đôi khi có sốt.
“Bọ xít hút máu người không có khả năng truyền bệnh và dẫn tới tử vong như dư luận hoang mang. Tuy nhiên, để bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình, người dân cũng nên dọn dẹp vệ sinh giường, tủ, vệ sinh nơi ở, khu vực quanh nhà để loại trừ trứng nở thành ổ bọ xít hút máu người phát tán. Nếu vô tình bị bọ xít hút máu người đốt, người dân nên rửa ngay vết đốt bằng xà phòng, không gãi tại chỗ vết đốt để tránh gây xước, viêm nhiễm và đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị chống dị ứng, chống viêm nhiễm tại chỗ”.
PGS. TS Nguyễn Văn Châu
(Khoa Côn trùng, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương)
Gia đình Xã hội