Bi kịch của Dương Quý Phi một trong 'Tứ đại mỹ nhân' Trung Hoa
Thứ sáu, 06/06/2014 18:38

Là một cung phi của vua Đường Minh Hoàng, Dương Quý Phi được xếp vào một trong “Tứ đại mỹnhân” nước Trung Hoa cổ, có sắc đẹp khiến hoa héo vì hổ thẹn (tu hoa).

Tạo hình Dương Quý Phi trong phim cổ trang

Tạo hình Dương Quý Phi trong phim cổ trang

Được sủng ái một thời, song cũng chính do mê mẩn sắc đẹp của Quý Phi mà nhà vua bỏ bê triều chính, ăn chơi sa đọa, tin dùng tiểu nhân. Loạn lạc xảy ra, trong bước đường chạy loạn bà đã bị buộc thắt cổ chết khi mới 38 tuổi.

Sắc đẹp làm “hoa thẹn”

Dương Quý Phi tên thật là Dương Nguyệt Nhi, sau này đổi là Dương Ngọc Hoàn, sinh ngày 1/6/719, mất năm 756, tại Thục Quận (nay là Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên), nguyên quán Bồ Châu (nay là ngoại ô thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây). Tương truyền, khi Dương Ngọc Hoàn mới sinh ra, trên cánh tay đã đeo sẵn một chiếc vòng bằng ngọc, vì vậy, cha của bà mới lấy hai chữ Ngọc Hoàn (vòng ngọc) để đặt tên cho cô con gái của mình.

Bà là con út trong số bốn người con gái của Dương Huyền Diễn, một vị quan Tư hộ đất Thục Chân. Gia đình thuộc dòng khá giả vì tổ phụ từng làm thứ sử tại quận Kim. Từ nhỏ Ngọc Hoàn sống với gia đình ở Tứ Xuyên, được dậy học hát, múa... đến năm 10 tuổi, cha mẹ mất, mới đến Lạc Dương (xưa là Đông Đô của nhà Đường, nay thuộc tỉnh Hà Nam), sống với nhà bác ruột.

Được sự chọn lựa của Võ Huệ Phi (phi tần của Đường Minh Hoàng), ở tuổi 17, Ngọc Hoàn được tiến cung hầu Thọ vương Lý Mạo, hoàng tử thứ 18 của nhà vua, trở thành Thọ vương phi. Thọ vương Lý Mạo tính nhút nhát, thích ngắm mỹ nhân. Dương Ngọc Hoàn về hầu hạ Lý Mạo được 3 năm, nhưng chuyện chăn gối chưa bao giờ có vì Lý Mạo còn nhỏ. Khi ấy, Ngọc Hoàn lại trong độ tuổi xuân thì chẳng khác gì một bông hoa hải đường mơn mởn cành tơ.

Nói về sắc đẹp, Dương Ngọc Hoàn được xếp trong hàng “Tứ đại mỹ nhân” của nước Trung Hoa cổ. Nếu Tây Thi có nét đẹp khiến cá phải lặn (trầm ngư), Vương Chiêu Quân khiến chim sa (lạc nhạn), Điêu Thuyền đẹp đến nỗi trăng cũng phải núp vào mây (bế nguyệt), thì Dương Ngọc Hoàn mỗi khi ngắm hoa, hoa đều rũ héo vì hổ thẹn (tu hoa).

Giai thoại kể rằng: Sau khi vào cung, Ngọc Hoàn tư niệm cố hương. Ngày kia, nàng đến hoa viên thưởng hoa giải buồn, nhìn thấy hoa mẫu đơn, nguyệt quý nở rộ, nghĩ rằng mình bị nhốt trong cung, uổng phí thanh xuân, lòng không kìm được, buông lời than thở: “Hoa à, hoa à! Ngươi mỗi năm mỗi tuổi đều có lúc nở, còn ta đến khi nào mới có được ngày ấy?”. Lời chưa dứt lệ đã tuôn rơi, nàng vừa sờ vào hoa, hoa chợt thu mình, lá xanh cuộn lại. Lúc này, có một cung nga nhìn thấy, người cung nga đó đi đâu cũng nói cho người khác nghe việc ấy. Từ đó, mọi người gọi Dương Ngọc Hoàn là “tu hoa”.

Theo sách “Cựu Đường Thư”, thì Dương Ngọc Hoàn tư chất phong diễm, giỏi ca múa, thông âm luật, trí tuệ hơn người, trong cung đều gọi là “Nương Tử”, mọi lễ nghi đưa đón đều coi như hoàng hậu. Sau này, khi được Đường Minh Hoàng vời vào cung, “thi tiên” Lý Bạch có 3 bài ”Thanh bình điệu” ca tụng sắc đẹp của Ngọc Hoàn, bài đầu tiên là: Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung/ Xuân phong phật hạm, lộ hoa nùng/ Nhược chi quần ngọc sơn đầu kiến/ Hội hướng Dao đài nguyệt hạ phùng. (Thoáng bóng mây hoa, nhớ bóng hồng/ Gió xuân dìu dặt giọt sương trong/ Ví chăng non ngọc không nhìn thấy/ Dưới nguyệt đài Dao thử ngóng trông - Bản dịch của Ngô Tất Tố). Bạch Cư Dị trong “Trường hận ca” cũng viết: Ba nghìn cung nữ bao người/ Mà lòng yêu dấu riêng nơi một nàng.

duong-quy-phi-61

Được “vua cha” sủng ái

Đường Minh Hoàng tức Đường Huyền Tông (tên thật là Lý Long Cơ) là một ông vua tài giỏi và cũng rất đa tình, lãng mạn. Trải qua hơn 20 năm trị vì, ông đã biến nhà Đường từ một đất nước vốn chính trị hỗn loạn, kinh tế suy sụp dưới thời Võ Tắc thiên thành một cường quốc. “Con đường tơ lụa” kết nối thủ đô Trường An với các nước Trung Á, Tây Á, Nam Á, thậm chí châu Âu thông suốt. Sứ giả các nước lũ lượt kéo đến, riêng ở Trường An có hơn một triệu người nước ngoài. Nhà Đường đã trở thành trung tâm giao lưu kinh tế, văn hóa của châu Á. Vì hồi đó niên hiệu của Đường Minh Hoàng là “Khai Nguyên”, cho nên, thời kỳ này cũng được gọi là “Thịnh thế Khai Nguyên”.

Tuy nhiên, sau 20 năm trị vì, Đường Minh Hoàng đã không còn là một minh quân và nhà Đường cũng không còn là thời “Thịnh thế Khai Nguyên” nữa. Nhà vua dần tin dùng kẻ nịnh thần, lơ là triều chính, đắm chìm trong cuộc sống cung đình xa hoa, tận hưởng lạc thú. Các cung phi được nhà vua sủng ái sinh cả thảy 59 người con, trong số đó có 30 trai và 29 gái. Cung phi được nhà vua sủng ái nhất là Vũ Huệ Phi. Bà này sinh được 7 con, nhưng bỏ mất 3 khi còn nhỏ. Năm Khai Nguyên thứ tư, Huệ Phi qua đời, Huyền Tông buồn rầu, ngày nhớ đêm thương, lập đài Tập Linh để cầu siêu cúng vái cho vong hồn Huệ Phi được sớm siêu thăng. Nội giám thấy nhà vua vậy bèn tìm đủ mọi cách làm cho ông nguôi buồn. Nhưng bao nhiêu cung tần mỹ nữ cũng không làm Huyền Tông khuây khỏa.

Một hôm Cao Lực Sĩ (một hoạn quan được nhà vua tin dùng) đi qua phủ Thọ vương thấy Ngọc Hoàn là giai nhân tuyệt sắc, bèn nghĩ rằng có lẽ mỹ nhân này sẽ thay được Vũ Huệ Phi. Nhân buổi hầu vua, Cao Lực Sĩ mật tấu với Huyền Tông, truyền đưa Ngọc Hoàn vào Tập Linh đài để trông coi đèn nhang sớm hôm cầu nguyện cho Vũ Huệ Phi. Do đó, Ngọc Hoàn phải vào cung Hoa Thanh đến đài Tập Linh làm sãi, lấy đạo hiệu là Thái Chân. Cao Lực Sĩ lại chọn con gái của Vị Chiêu để thay Ngọc Hoàn làm vợ Thọ vương. Xem như việc Ngọc Hoàn xuất gia là đã thay đổi đời người, không còn là vợ của hoàng tử Lý Mạo nữa.

Trông thấy Ngọc Hoàn, Huyền Tông mê mẩn ngay, từ đó dần quên đi Huệ Phi. Huyền Tông lập nàng làm Quý phi, từ đó người ta thường gọi nàng là Dương Quý Phi. Nhà vua lại truy phong Dương Huyền Diễn - cha của Dương Quý Phi làm Thái úy vàTề Quốc Công. Ba người chị của Quý Phi cũng lần lượt được phong làm Hàn quốc phu nhân, Quốc quốc phu nhân và Tần quốc phu nhân. Hàng tháng, chỉ riêng khoản chi son phấn, tư trang cho mỗi phu nhân đã lên tới 30 vạn quan tiền. Anh họ Quý Phi là Dương Xuyên được phong làm Tể tướng và được đổi tên là Dương Quốc Trung.

Đường Huyền Tông rất thích âm nhạc, mà Dương Quý Phi rất giỏi ca vũ nên càng được Huyền Tông yêu chiều. Nàng nổi tiếng với điệu múa Hồ hoàn vũ, là điệu múa xuất phát từ người Hồ. Truyền thuyết kể, bản nhạc nổi tiếng “Nghê Thường Vũ Y Khúc” lưu truyền đến đời sau là do Huyền Tông sáng tác, nhà vua chiêm bao thấy mình cùng múa với Quý Phi trong cung Nguyệt, sau khi tỉnh dậy, ông viết bản nhạc theo ký ức mình.

Một vài chi tiết ghi chép trong sách sử đãcho thấy Huyền Tông sủng ái Quý Phi đến mức nào. Nhà vua đã cho xây cung Hoa Thanh Trì, là nơi dành riêng cho Quý Phi tắm và cho dẫn vào bên trong cung một suối nước nóng. Mỗi lần Quý Phi tắm xong, không vội mặc quần áo mà đứng ra bên ngoài hóng gió. Lúc đó, những người hầu biết ý đều lui xuống cả, chỉ có một mình Huyền Tông đứng lại nhìn ngắm vẻ đẹp như thần tiên của mỹ nhân họ Dương. Người đẹp lại đặc biệt thích ăn quả vải của miền Nam. Để Quý Phi hàng ngày đều có thể ăn quả vải tươi, Huyền Tông bèn cử người cưỡi ngựa chạy suốt ngày đêm, vận chuyển quả vải từ miền Lĩnh Nam đến thủ đô Tràng An trong thời gian ngắn nhất. Thời đó, nhà thơ nổi tiếng Đỗ Mục từng viết thơ châm biếm: “Nhất kỵ hồng trần phi tử tiếu, vô nhân tri thị lệ chi lai.” (Lính cưỡi ngựa chạy như bay, phi tử cười, nhưng không ai biết lính đi ngựa nhanh như vậy là để vận chuyển quả vải tươi đến kinh thành).

Vào đời Đường, nét tròn trịa, đầy đặn được xem là vẻ đẹp chuẩn mực của người phụ nữ. Trong tục ngữ, thành ngữ tiếng Hoa ngày nay vẫn còn câu: Yến ốm Hoàn mập (Yến là chỉ người đẹp thời Hán làTriệu Phi Yến, Hoàn là chỉ Dương Ngọc Hoàn thời Đường, ý câu thành ngữ là mỗi người một vẻ đẹp khác nhau). Thực sự tranh vẽ Dương Quý Phi đời trước chỉ phù hợp với thẩm mỹ thời Đường, khác thời nay rất nhiều.

Còn nữa

Hải Thanh (Câu chuyện pháp luật) Minh Phương

Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai

Tag: duong quy phi , bi kich duong quy phi , tu dai my nhan trung hoa , tham cung bi su , phong kien trung quoc , tin , bao