Bi hài chuyện chiếc bằng đại học
Thứ năm, 13/06/2013 10:27

Việt Nam là một dân tộc hiếu học, đó là nét truyền thống đáng tự hào. Tuy nhiên cái gì bị đẩy lên thành thái quá cũng đều chứa theo những mầm mống của bệnh.

Bằng đại học liệu có còn được trọng dụng? (Ảnh minh họa)

Bằng đại học liệu có còn được trọng dụng? (Ảnh minh họa)

Đáng lẽ phải mở tung mọi cánh cửa vào đời ra trước mắt giới trẻ trước khi khuyên họ chọn con đường nào. Làm sao để họ tự nhận ra mình, nhận ra những giá trị đích thực mà mình có thể tạo ra cho cuộc sống, hơn là ảo tưởng sang trọng của bằng cấp.

Học để thành tài, từ cổ xưa đến nay vẫn là ước muốn đáng trân trọng của những người trẻ tuổi. “Nhân bất học bất chi tồn”, triết lý cay nghiệt này phản ánh tầm quan trọng của nghiệp đèn sách với đời con người và với cộng đồng. Xưa đã thế, nay, trong thời đại kinh tế tri thức thì học vấn, lập nghiệp, lập danh bằng sự học càng nóng bỏng hơn bao giờ hết. Nói cho cùng thì quốc gia nào mà nền giáo dục tạo được nhiều nhà phát minh, sáng chế, chuyên gia, quản lý, nhà kinh tế giỏi thì quốc gia đó hoàn toàn có thể vững tin vào tương lai tươi sáng của mình.

Đất nước ta, sau nhiều thập niên chất xám bị coi rẻ như bèo do những nguyên nhân mang tính số phận, cuối cùng cũng đã bừng tỉnh mà nhận ra rằng đó là sự lãng phí kinh khủng nhất, gây nhiều hậu quả nhất. Hình như để bù lại, chưa bao giờ học thức “có giá ngất ngưởng” như hiện nay. Từ chỗ một kỹ sư, bác sĩ, giáo sư, nhà báo, luật sư... mài mòn quần, rụng hết cả tóc vì học mà khi đi làm thu nhập kém xa một lái xe, một thợ sửa chữa, thậm chí một bảo vệ, thì nay tình hình đang có chiều cực đoan ngược lại. Giờ đây, một nhận thức mang tính toàn dân, với sự đồng thuận tự nhiên rất cao là cứ phải có cái bằng đại học trong tay mới mong thoát kiếp nghèo khổ triền miên! Mới mở mày mở mặt với thiên hạ. Mới có hy vọng leo lên các nấc thang phía trên để được trọng vọng. Và thế là lao động trí óc được phóng đại quá mức trong nhận thức chung. Chính người lớn khiến cho giới trẻ chỉ thấy còn duy nhất một con đường đi đến ấm no, cao sang, đẳng cấp hơn người là phải vào được đại học.

Phàm ở đời cái gì bị đẩy quá lên đều dẫn đến thảm trạng. Bằng đại học trở thành tấm vé hạng sang vào tương lai giầu có, một thứ đạo bùa vạn năng có thể mở mọi cánh cửa kho đụn chứa đầy của cải! Chả có lý gì mà không đoạt lấy bằng mọi giá. Thế là các bậc phụ huynh, từ nông thôn đến thành thị, từ đồng bằng đến miền núi… đều bất chấp thực tế, bất chấp hoàn cảnh, bất cần biết khả năng, học lực của con mình đến đâu, một mực bắt nó hướng vào cổng các trường đại học, như hướng về miền đất hứa luôn ở tình trạng sắp hết chỗ. Phải vào đại học bằng được nếu không sẽ đi ăn mày! Lời đe doạ này ngấm vào con em chúng ta ngay từ khi chúng còn để chỏm, run rẩy bước chân vào lớp một, y như lời đe doạ về một dịch bệnh khiến chúng đi học mà như đi đặt cược số phận mình. Chưa biết chữ nào đã lao đi tìm thầy phụ đạo. Suốt 12 năm phổ thông chúng bị nung chảy mình trong những cái lò bát quái được gọi mỹ miều và lừa mị là “học thêm”. Có thể nói thẳng ra rằng, đó cũng là những cái lò “sát sinh” tuổi thơ của con em chúng ta.

Ảnh minh họa

Rất nhiều trẻ em - nhất là ở khu vực thành thị - có lý do để căm thù việc học bởi chúng bị biến thành con mồi, thành một thứ “cửu vạn” cõng trên lưng cả trái núi áp lực, thành vật thế chấp cho những cuộc mặc cả lạnh lùng, bi thảm giữa thầy cô và gia đình. Đánh vật mãi, cuối cùng cái ngày tốt nghiệp cũng đến. Không ít trường hợp, vì quẫn bách do không chịu nổi sức ép của gia đình mà cái ngày đáng lẽ phải rất nhiều cảm xúc ấy cũng là ngày kết thúc cuộc đời ngắn ngủi nhưng khổ ải của chúng. Với đa số còn lại thì những kỷ niệm học đường đầy mơ mộng chưa kịp lắng xuống đã phải ùn ùn kéo nhau đi học thêm, luyện thi, làm phao... để lao vào cuộc đua sinh tử cuối cùng: Quyết một phen “sống mái với... đại học”! Bởi vì chúng sắp phải đối mặt với cuộc cạnh tranh mang mầu sắc may rủi của trò đỏ đen: Chỉ một số ít qua được cổng những trường đại học “danh giá”, phần lớn còn lại sẽ chỉ đứng bên ngoài hoặc trở thành sản phẩm vét của những trường “đại tiểu học” xuất hiện khắp mọi xó xỉnh - theo đúng nghĩa của từ đó (Thực tế có nhiều trường mang danh là đại học nhưng chỉ có một hai khoa, lèo tèo học trò, lèo tèo thầy cô, phải thuê những khu nhà ổ chuột nhếch nhác làm giảng đường).

Có cầu ắt có cung. Các lò luyện thi đại học theo kiểu học đại mọc lên như nấm, biến các sĩ tử tương lai thành những vật tế thần. Trong khi đó các trường đại học dân lập mở cửa hết cỡ, chế biến ra trăm loại hình đại học để nhử mồi. Họ biết những con cá nào sẽ cắn câu. Đó là những ông bố, bà mẹ sỹ diện, hám danh và lệch lạc trong quan niệm về chiếc bằng đại học. Nhiều gia đình từ đây lâm vào cảnh táng gia bại sản. Học gạo, dạy gạo đã đua nhau hạ chất lượng xuống. Trượt vào đại học thì nhiều chứ chả mấy ai trượt tốt nghiệp đại học? Lại còn cả điều bi hài này nữa: Nhiều gia đình giàu có tống được con-những nghịch tử vô tích sự- vào đại học, chẳng khác nào thoát một gánh tội. Giữ được thể diện là mục tiêu thứ nhất, nhưng cái chính là đánh lừa được mình, ít nhất cũng trong 4-5 năm. Các ông cử, bà cử tương lai ấy học thì ít, đàn đúm thì nhiều. Nhưng có tiền mua tiên còn được, nữa là điểm các môn, là thứ sẵn nhất và xét ra cũng thuộc loại rẻ nhất hiện nay, nếu đem so với việc người ta dùng cái bằng để ăn trên ngồi trốc sau này. Chưa bao giờ câu thành ngữ “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” lại dễ lấy ví dụ như trong buổi tao loạn việc học này.

Cứ tiền trao, là cháo múc, giá cả tùy thuộc tầm quan trọng của môn học, tùy thuộc mức độ hư hỏng, dốt nát của sinh viên. Thày và lái buôn chả có chỗ nào khác nhau! Tiền vào khiến các loại bảng điểm đẹp hơn tô son Hàn Quốc! Cuối cùng, chỉ cần 50 ngàn là có thể mua cái luận án photo có sẵn bán nhan nhản tại các quầy tạp hóa dày đặc quanh các trường đại học, về thuê “chế” lại thành luận án đầy ắp kiến thức của mình. Thuộc hàng “thiếu gia” thì quẳng toẹt vài chục triệu rồi tha hồ đi chơi, khi trở về mọi thứ đâu đã vào đấy. Luôn có những người kiếm ăn bằng nghề làm luận án thuê, đáp ứng mọi nhu cầu của khách. Từ một sinh viên chỉ quen ăn chơi, rỗng tuếch về kiến thức, trở thành một cử nhân “hiền tài quốc gia” còn đơn giản hơn học thi lấy cái bằng lái xe.

Nhưng cái bằng lái xe thì chỉ để có quyền lái xe. Còn cái bằng cử nhân thì có quyền lái tiền, lái nhân phẩm, thậm chí lái quyền lực, biến thứ công cụ nhạy cảm ấy thành cỗ máy gây họa cho cộng đồng! Chưa ai thử tính áng xem trong bảng thống kê bầu “nguyên khí” quốc gia, có bao nhiêu phần trăm là ám khí, uế khí? Nhưng thực tế này thì không cần phải thống kê cũng biết kết quả: đất nước đang dư thừa kỹ sư chưa qua trình độ phổ thông, thừa người làm việc trí óc ăn bám, thừa những trí thức rởm, thừa kẻ dốt nát có bằng cấp, thừa ở mức độ nhan nhản… nhưng lại thiếu người làm thợ trực tiếp, thợ lành nghề, thiếu người tự trọng sống bằng chính năng lực của mình. Một cuộc khủng hoảng thừa-thiếu nguồn lực-nhân phẩm con người song song tồn tại, chính là kết quả nhãn tiền của cách dạy, cách học, cách hướng nghiệp lạc hậu, vụ lợi hiện nay. Đặc biệt chua xót là quá trình đào tạo đại học ồ ạt, đua nhau chạy theo số lượng đã khiến đất nước thiếu những trí thức giỏi, có thể ngang ngửa với khu vực và thế giới, đồng thời tạo ra sự thỏa mãn giả tạo về một mặt bằng dân trí cao, cao hơn cả mặt bằng khu vực… nhưng không có thật.

Tạ Duy Anh

Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny

Tag: Bằng đại học , Sinh viên ra trường , Thất nghiệp , Cải cách giáo dục , Hướng nghiệp , Bằng giả