Được tách thành hai huyện Đông Giang và Tây Giang từ huyện Hiên cũ từ năm 2003. Tây Giang cách TP Đà Nẵng chừng 116km, đường lên Tây Giang vòng vèo, quanh co xuyên giữa bạt ngàn rừng thẳm. Chốc chốc lại bắt gặp những bản làng Cơ tu nằm chênh vênh triền núi hay lọt thỏm giữa thung lũng xanh, cái màu xanh ước vọng của những đồng ruộng bậc thang đã xong mùa gieo cấy.
Hai bên đường lên thị trấn Tơ Viêng (Tây Giang), một bên là bờ taluy sừng sững, một bên là dòng A Vương ầm ào thác dội giữa thâm u, huyền bí của đại ngàn. Những cánh rừng nguyên sinh xanh thẳm, những đỉnh núi chót vót mây trắng lượn lờ. Có lẽ, dân "phượt" sẽ cảm thấy thích thú khi được chinh phục những con dốc ngất ngưỡng trời xanh, những con đèo ngoằn ngoèo trên vực thẳm hay những cây cầu treo lát gỗ lắt lư mà đứng giữa cầu nhìn xuống thác ghềnh với cảm giác lâng lâng của người chinh phục.
Lên với Tây Giang để đắm mình trong nét hoang sơ của ngôi làng truyền thống bao đời của người Cơ tu. Nhưng nhà Gươl, nhà Moong, nhà Dài độc đáo với kiến trúc và chạm trổ đặc trưng chỉ có ở người Cơ tu nơi đây. Có dịp lưu trú sẽ để nghe giọng trầm khàn "ô..ô, a..a" từ điệu lí Cơ tu của những già làng. Để ngà ngà say bên ché rượu cần vây quanh đống lửa sân Gươl, ngắm nhìn những chàng trai, cô gái Cơ tu tạo thành vòng tròn nghiêng mình Tâng tung - za zá (điệu múa truyền thống Cơ tu)
Có thể nói, nơi đây có rất nhiều món ăn, thức uống độc nhất vô nhị mà không nơi nào có được. Uống: có rượu nếp than, rượu Tr'din, Tà-vạt... Ăn: có bánh sừng trâu, cà- đang (sùng đất), zará (món thịt cộng với rau rừng thọc nhuyển trong ống lồ ô)...
Lên với Đông Giang là trộn lẫn của rất nhiều cảm xúc : mệt mà vui, lạ mà ngon, rùng mình mà thú vị, lạnh lẽo mà ấm áp tình người...
Bánh sừng trâu của người Cơ tu
Những món nhậu có phần... rùng rợn
Những em nhỏ luôn tươi cười với du khách
Nét đẹp của buôn làng
Lễ hội truyền thống thu hút nhiều khách du lịch tới thăm
Hai thế hệ cùng niềm đam mê với nhạc cụ dân tộc
Những con đường phủ đầy sương
Đường đi học