Bí ẩn những căn hầm ngập tràn báu vật ở Hải Phòng (2)

Anh Báo đã thu được mấy hũ chứa vòng ngọc, những viên ngọc đơn lẻ, các đồ dùng chế tác bằng ngọc. Thứ mà anh Báo trúng quả, bán được giá nhất là những chiếc dao găm bằng vàng nguyên chất, bọc vàng, hoặc chuôi nạm vàng, những lá trầu bằng vàng,...

Ông Trần Anh Nghĩa, nguyên Trưởng Công an xã, Chủ tịch xã, giờ là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Chính Mỹ (Thủy Nguyên, Hải Phòng), dẫn tôi trèo lên đỉnh núi Phượng Hoàng, ngọn núi cao nhất trong xã. Đứng trên đỉnh Phượng Hoàng, phóng tầm mắt ra tứ phía, thấy cảnh quan sơn thủy hùng vĩ. 

Ngay cạnh núi Phượng Hoàng, cách vài trăm mét là hai ngọn núi nhỏ, bên hữu là núi Hổ Phục, bên tả là núi Rùa. Theo ông Nghĩa, khắp vùng Thủy Nguyên này, chỉ thấy nhắc đến kho báu ở núi Phượng Hoàng, Hổ Phục và núi Rùa mà thôi.

Ông Trần Anh Nghĩa.

Tại ba quả núi này, đã diễn ra các cuộc đào bới, tìm kiếm từ hàng trăm năm trước. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian gần đây, chính quyền thôn và nhà chùa Linh Sơn đã quản lý núi Phượng Hoàng rất chặt, nên không mấy người xâm phạm được. 

Chỉ có những ngọn đồi nhỏ dưới chân núi Phượng Hoàng, gồm phần đầu, chân, cánh của con chim phượng (từ trên máy bay nhìn xuống, núi Phượng Hoàng như con chim phượng xõa cánh) là bị đào bới, tàn phá tan nát, và đám đào trộm đã lấy đi rất nhiều báu vật. 

Khi các ngọn núi nhỏ quanh núi Phượng Hoàng bị đào bới hết, thì đám săn kho báu tiếp tục săn lùng ở núi Hổ Phục và núi Rùa. Núi Hổ Phục thì đã bị xới tung, cạo trọc lốc.

Anh Tuyến dẫn PV lên núi Hổ Phục.

May mắn là khi đám săn tìm cổ vật đang mở hầm đào xuyên vào lòng núi Rùa, thì ông Trần Quang Thiện (con cháu của cụ tổ Trần Liễu) đã cùng con cháu dòng tộc đứng ra mua lại toàn bộ quả núi này để giữ gìn, bảo tồn nơi ở xưa của cụ Trần Liễu.

Bí ẩn về những hầm mộ, kỹ thuật cất giữ hài cốt, của cải trong lòng núi, ông Nghĩa không nắm được nhiều. Nhưng ai cũng biết rằng, những kẻ đào núi săn tìm kho báu biết rõ nhất. Suốt một thời gian dài, ở làng Mỹ Cụ xuất hiện hàng loạt các “chuyên gia” đào mồ cuốc mả, lấy đi vô số cổ vật, của quý trong lòng núi.

Sườn hầm mộ lộ ra khỏi vách núi Hổ Phục.

Trong số các chuyên gia đào mồ cuốc mả, đào rỗng mấy quả núi săn tìm kho báu suốt chục năm nay ở làng Mỹ Cụ, nổi lên cái tên Tuyến “còi”, Huỳnh “đảo” và Báo “đá”. Đây là ba cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong giới đào mộ săn đồ cổ ở làng Mỹ Cụ. Ngoài ra còn có Minh “sứt”, Tuấn “la”, Quân “tít”, Hùng “trố”…

Huỳnh “đảo” tên thật là Lê Văn Huỳnh. Tôi tìm đến nhà, nhưng hàng xóm bảo anh đi vắng, còn đi đâu chẳng ai rõ, thi thoảng mới thấy anh ở nhà.

Theo lời anh Tuyến, còn gọi là Tuyến “còi”, thì anh Huỳnh là người tích cực đào núi săn mộ nhất. Anh Huỳnh tham gia đào bới suốt từ năm 2000 đến tận năm 2010. Khi đã khoét rỗng cả núi Hổ Phục, một góc núi Phượng Hoàng, Huỳnh “đảo” mới chịu buông cuốc, xẻng.

Tác giả cạnh cửa hầm mộ bên vách núi.

Anh Tuyến dẫn tôi ra phía đầu làng Mỹ Cụ, nơi có quả núi Hổ Phục giống như con hổ phục mồi nằm giữa cánh đồng. Quả núi nham nhở vết đào bới, phơi thứ đất cằn cỗi đá sỏi gan gà. Chẳng có cây gì mọc được ngoài cỏ dại và bạch đàn lơ phơ.

Quả núi rộng ngót chục ha này chi chít những đường hầm. Có đường hầm xuyên ngang từ vách núi, có đường hầm bắt đầu từ chân núi, có đường hầm thẳng đứng từ đỉnh núi xuyên xuống rồi mới tỏa ra các ngách ngang dọc. Anh Huỳnh đã mất tổng cộng 10 năm trời đào bới và anh cũng trúng vô số cổ vật. Như lời anh Tuyến nói, thì số cổ vật anh Huỳnh bới được từ quả núi này phải tính bằng… xe tải.

Làng Mỹ Cụ.

Vụ trúng quả lớn nhất của anh Huỳnh là vào năm 2007, mà cả làng Mỹ Cụ này đều biết, đều được tận mắt chứng kiến. 

Lần đó, anh Huỳnh đào một đường hầm từ chân quả núi, xuyên sâu vào lòng núi chừng 20m. Đến độ sâu này, anh phát hiện một lớp đất lạ, rõ ràng là đất xáo trộn chứ không còn nguyên bản. 

Biết rằng có bàn tay con người tác động, anh tiếp tục đào ngược lên trên. Không ngờ, anh đã đụng phải một hầm gạch. Bình thường, các hầm gạch chỉ nằm sâu vào lòng núi chừng 2-3m, hoặc sâu vào vách núi 1-2m, thế nhưng, hầm gạch này lại nằm sâu trong lòng núi đến 20m.

Vết tích hầm mộ anh Huỳnh đào trên núi Hổ Phục.

Người xưa đã kỳ công đào một đường hầm sâu vào lòng núi, rồi mới khoét rỗng lòng núi. Trong hầm sâu này, họ xây một đường hầm gạch kiểu vòm cuốn. Xây dựng xong, họ mới đưa xác người vào cất giữ. Chỉ người giàu mới được chôn cất kỳ công như thế này. Sau khi đặt xác vào trong, hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng vạn món đồ cũng được chất kín vào hầm mộ đó. Số lượng nhiều hay ít phụ thuộc vào sự giàu có của người đó khi còn sống.

Anh Huỳnh đã trúng hầm mộ còn nguyên vẹn. Suốt 2000 năm qua, giới đào mồ cuốc mả săn báu vật đã không đụng chạm được đến ngôi mộ này. Anh Huỳnh đã nhờ anh Tuyến vét từng mẩu đất, làm lộ ra toàn bộ gian phòng chứa ăm ắp cổ vật.

Cổ vật bằng đồng 2000 năm tuổi trong núi Phượng Hoàng.

Chiếc bạt lớn được căng ngay miệng hầm vừa che mưa nắng, vừa để ngủ tại chỗ để trông coi. Ban ngày nhóm Huỳnh “đảo” đào bới, đêm gom cổ vật chuyển về nhà cất giấu, hoặc đưa đi nơi khác bán cho giới sưu tầm cổ vật.

Chuyện Huỳnh “đảo” trúng ngôi mộ chứa vô số báu vật, ông Trần Văn Ngoang, trưởng làng Mỹ Cụ cũng biết rất rõ. Ông Ngoang chỉ tôi mấy chiếc bát cổ có men xanh lốm đốm mà ông dùng làm đồ đựng thức ăn cho chim và gà rồi bảo đó là những món đồ anh Huỳnh tặng ông. 

Ông Ngoang nói vui: “Hắn cho tớ đến chục cái bát cổ, bảo tớ đem về bày trong tủ chơi cho vui, nhưng tớ có biết nó đẹp xấu thế nào đâu. Nghĩ đến cái bát lấy từ mộ mà lạnh cả người, chả dám để trong nhà”.

Cổ vật bằng gốm mà anh Tuyến đào được trong núi Phượng Hoàng.

Sợ cất giữ đồ lấy từ mộ, nên ông Ngoang đem cổ vật làm đồ đựng thức ăn cho gà, chim. Vài chiếc ông vứt chỏng chơ ở góc vườn. Tôi trộm nghĩ, những món đồ gốm phủ men xanh lốm đốm thô mộc tối cổ ấy mà vào tay mấy chuyên gia buôn bán đồ cổ, thì có khi được thổi giá lên hàng trăm triệu đồng, thậm chí là triệu USD!

Theo ông Ngoang, hồi năm 2007, ông và người dân trong xóm ùn ùn kéo đến nhà anh Huỳnh để xem kho báu. Ai cũng choáng váng khi thấy khắp trong nhà, ngoài sân la liệt, ăm ắp cổ vật. Cổ vật nhiều đến nỗi ngôi nhà nhỏ không còn chỗ để nữa. Kho cổ vật anh Huỳnh kiếm được gồm đủ các món, như nồi đồng, nồi đất, sạp đồng, bát, lọ, gương đồng, kiếm đồng bọc vàng, rồi bát đĩa bọc vàng nhiều vô kể...

Chiếc chĩnh cổ anh Huỳnh đào được ở núi Hổ Phục được định giá 150 triệu đồng.

Cùng với anh Huỳnh, thì anh Báo cũng trúng rất nhiều hầm mộ chứa kho báu trong núi Hổ Phục. Tuy anh này không trúng kho báu lớn, nhiều cổ vật như kho báu của anh Huỳnh, nhưng kho báu anh ta đào trúng lại chứa toàn cổ vật có giá trị. 

Theo lời kể của Tuyến “còi”, anh Báo đào một hầm sâu vào lòng núi và trúng một gian phòng cực kỳ nguyên vẹn trong lòng đất, còn nguyên các cột chống bằng gỗ lim. 

Anh Báo đã thu được mấy hũ chứa vòng ngọc, những viên ngọc đơn lẻ, các đồ dùng chế tác bằng ngọc. Thứ mà anh Báo trúng quả, bán được giá nhất là những chiếc dao găm bằng vàng nguyên chất, bọc vàng, hoặc chuôi nạm vàng. Những chiếc dao găm này dài chừng 30cm. Ngoài ra, còn những lá trầu bằng vàng, mặt nạ nạm vàng ròng.

Còn tiếp…