Khắp các bản làng người Mường ven sông Đà, thuộc huyện Phù Yên, Sơn La, người ta đồn đại về một thứ bùa có một không hai, gọi là bùa thề. Bùa thề làm cho con người yêu nhau và sống bên nhau suốt đời. Nhưng nếu một người chết thì người kia cũng sẽ chết theo.
Câu chuyện về bùa thề như một bản tình ca huyễn hoặc về những mối tình chỉ có ở bản Mường nơi đây.
Một thầy bùa ở Tân Sơn (Phú Thọ), vùng đất giáp với Phù Yên (Sơn La).
Đồng bào ở vùng ven sông Đà tin rằng, bùa thề chỉ có ở xã Tường Tiến, Tân Lập, Nam Phong, Huy Phong, nằm bên dòng sông Đà, thuộc huyện Phù Yên mà thôi. Bùa thề không phải thứ hại người, mà họ coi như một bằng chứng về tình yêu và lòng chung thủy của những đôi trai gái, lấy cái chết để đấu tranh cho tự do của tình yêu.
Ở những xã này, bùa thề như một thứ mê mị, bí ẩn ngàn đời còn truyền lại. Người ta đồn đại rất nhiều về những cuộc tình đẹp gắn với bùa thề.
Sông Đà.
Hà Văn Khoa và Lò Thị Yên (xã Huy Phong) là một đôi tình nhân đa đoan, yểu mệnh. Khoa là chàng trai con nhà nghèo, đông anh em. Lò Thị Yên cũng sinh ra trong gia đình cám cảnh chẳng kém gì. Khoa và Yên bất chấp sự đói nghèo, quyết bảo vệ tình yêu bằng mọi giá.
Thế nhưng, bố mẹ Yên lại ra sức ngăn cản. Yên là một cô gái xinh đẹp, dễ thương. Bố mẹ không muốn Yên phải tiếp tục cuộc đời mình ở vùng đất rừng xanh núi đỏ này nên ép gả cô cho một người đàn ông buôn sắn ở thị trấn Phù Yên.
Thầy bùa Hoàng Văn Thục (Bản Dùng, Tân Sơn) đang làm bùa cho khách.
Người đàn ông mà bố mẹ ép gả hơn cô 30 tuổi, khá giàu. Ông ta có hai chiếc xe tải buôn sắn về xuôi. Ông đã có một đời vợ và hai đứa con lớn bằng Yên.
Trót trao trái tim yếu đuối của mình cho Khoa nhưng ước muốn của cha mẹ nặng như hòn đá nên Yên không thể nào từ chối được, cô phải lấy người đàn ông mà mình không yêu đó làm chồng.
Người ta bảo, trước khi đi lấy chồng, Yên đã cùng Khoa làm bùa thề để dù không được ở bên nhau song trái tim và tâm hồn thì mãi là một. Khi về thế giới bên kia, hai người sẽ là đôi uyên ương, không thế lực nào có thể chia cắt nhau được nữa.
Thầy bùa Hoàng Văn Thục.
Lấy chồng được một tháng, Yên cứ héo hon tiều tuỵ, không ăn uống, không nói năng gì, chỉ nhớ đến Khoa mà đêm đêm nước mắt đầm gối.
Người chồng yêu thương, chăm sóc tận tình cô vợ trẻ thế nào cũng không làm Yên vui lên được.
Thương vợ, ông ta đưa vợ về quê sống với bố mẹ, để bố mẹ chăm sóc. Thế nhưng, vài hôm sau gia đình thấy Yên tắt thở trên giường, thân xác tiều tụy, chỉ có khóe miệng vẫn nở nụ cười.
Gia đình không hiểu vì sao Yên chết, cô không có bệnh tật gì, cũng không có biểu hiện trúng độc.
Bùa yêu.
Từ ngày Yên chết, Khoa bỏ thuyền, bỏ lưới không đi đánh cá nữa. Anh em nhớn nhác đi tìm mà không thấy tăm hơi Khoa đâu.
Thế rồi, gia đình nhà Yên thấy Khoa rũ xác bên mộ Yên ở mãi trên sườn núi heo hút khi họ lên thắp hương trăm ngày.
Có một điều lạ lùng là người dân trong vùng không tiếc thương cho mạng sống của đôi tình nhân trẻ, mà họ mừng cho hai người mãi mãi được bên nhau. Họ tin rằng bùa thề đã linh nghiệm với đôi tình nhân này.
Câu chuyện về cái chết và mối tình vô cùng đẹp đẽ của Khoa và Yên lại khiến phong trào làm bùa thề lên cao. Các đôi trai gái hễ yêu nhau là bí mật gặp thầy bùa để xin bùa thề, quyết được cùng sống, cùng chết.
Người Mường ở vùng đất núi đá sông sâu này tin tuyệt đối vào sự linh nghiệm của bùa thề. Cha mẹ, họ hàng nếu biết con cái mình đã làm bùa thề với người yêu thì không bao giờ dám ngăn cản tình yêu của họ.
Loài cây các thầy mo ở Phù Yên thường dùng làm bùa.
Lang thang tìm hiểu về thứ bùa ngải kỳ lạ này, tôi được nghe hàng chục câu chuyện về những cái chết lạ lùng của các đôi tình nhân mà người ta tin rằng do bùa thề. Trong số những câu chuyện vừa thực vừa hư ấy, tôi rất ấn tượng với mối tình đau khổ của cặp tình nhân Đinh Văn Kha và Hà Thị Lan.
Cách đây chừng 5 năm, người dân xã Nam Phong xôn xao về cái chết của vợ chồng anh Kha, chị Lan.
Cuộc sống vợ chồng tuy nghèo, bao năm chỉ ăn cơm độn khoai sắn nhưng vô cùng hạnh phúc. Sống với nhau hơn 20 năm, đã có 3 mặt con, nhưng vợ chồng không bao giờ nói nặng lời với nhau dù chỉ một tiếng.
Thế nhưng, một ngày anh Kha đột tử do cảm lạnh. Anh chẳng để lại lời trăng trối. Chị Lan đau đớn khôn nguôi, ôm xác chồng mà không khóc nổi.
Làm tang cho chồng xong, chị họp gia đình, dặn dò 3 đứa con phải biết chăm sóc, thương yêu nhau. Chị nhờ anh em họ hàng giúp đỡ nuôi dưỡng các cháu. Chị tiết lộ rằng đã cùng anh Kha làm bùa thề từ ngày mới cưới.
Nghe chị Lan nói đã làm bùa thề, cả họ rầu rĩ buồn đau chuẩn bị làm đám tang nữa. Họ có niềm tin chắc chắn rằng, bùa thề sẽ dắt chị Lan về thế giới bên kia để hội ngộ cùng anh Kha.
Sau ngày anh Kha chết, mọi người thay nhau canh chừng chị Lan, không cho chị ra khỏi nhà. Ai cũng sợ chị quẫn trí làm liều.
Thế nhưng, sau khi anh chết đúng 10 ngày thì họ hàng phát hiện chị cũng đã tắt thở trên giường.
Người dân đồn rằng, khi chết, trên má chị hai dòng nước mắt cứ thế tuôn chảy. Thầy mo bảo, chị buộc phải về thế giới bên kia, không có cách nào cưỡng lại được và dòng nước mắt đó là nỗi buồn của chị vì thương đàn con nhỏ.
Còn tiếp…