Bí ẩn bên trong “trường bắn xi lanh” Kỳ 2: Những yêu sách quái gở của tử tù chờ mãi không được chết
Thứ hai, 01/07/2013 09:51

Quậy phá chán, Ngọc lại bẻ hành bẻ tỏi, “hành hạ” quản giáo bằng những “yêu sách kỳ dị”.

Phòng tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc

Phòng tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc

Nguyên tắc thì vẫn là: Không được trực tiếp nói đến việc dựa cột hay tiêm thuốc độc, tiêm hoặc bắn vào thời gian nào, tránh ảnh hưởng đến tâm lý của những người đợi chết. Không hỏi, nhưng dường như tử tù nào cũng biết rất rõ mình đang đợi ngày “xử tử” rất rất gần đây thôi…

Nhà báo ơi, em vẫn sống

Quả thật, “dính án” tử hình lúc giao thời giữa hai hình thức thi hành án tử hình bằng bắn “dựa cột” và trói lại nằm giường tiêm thuốc độc, nên những người từng gây tội ác kinh thiên này có vẻ… quá thiệt thòi. Người ta bảo, bản thân cái chết không có gì đáng sợ lắm, bởi khi nó chưa đến thì người ta chả biết nó ra sao, còn khi nó đến rồi thì người ta… không còn biết gì nữa. Cái đáng sợ hơn là nỗi ám ảnh, sự sợ hãi khi nghĩ về cái chết. Trong trường hợp của thế giới tử tù đang bị biệt giam “dồn toa” ở trại tạm giam Kế (Bắc Giang) kia, “triết lý” kể trên rất rất đúng. Khi quản giáo Cường dẫn chúng tôi đi qua các vòng cửa quây kín dây thép gai, rồi mở cửa các phòng biệt giam tối tăm, hôi hám, chật chội thì đã thấy tiếng chào hỏi, bàn luận của các tử tù: “À, lại nhà báo này. Lần trước anh ấy còn tặng tớ mấy tờ báo cơ mà”, “Nhà báo ơi, em vẫn sống lại được gặp anh lần nữa nhá, cứ tưởng bị “đòm” từ lâu, ai ngờ…”, “Nhà báo ơi, nói với cán bộ cho em “đi” (thi hành án tử hình) thì “đi” luôn nhanh lên, chứ em nằm chờ chết thế này gần chục năm rồi, không chịu được nữa”. Có người văng tục, chửi bới, hoặc nói những lời phẫn uất khá chí tình.

Thật ra thì với cảm giác “sống nay chết mai”, ăn chắc án tử hình rồi, tử tù là đối tượng mà quản giáo phải rất vững vàng, tình nghĩa, lão luyện trong tay nghề thì mới quản lý hiệu quả được. Anh em quản giáo chỉ còn biết an ủi động viên tử tù “nhưng mà khó lắm”, quản giáo Cường nói. Bởi họ bị giam quá lâu, thủ tục và lộ trình đi đến ngày ra “pháp trường xi lanh” còn chờ đợi dài, làm sao họ không bức xúc? Nhiều đối tượng phản ứng tiêu cực, lăn đùng ngã ngửa ra tự tử, xé quần áo treo cổ, đâm đầu vào bờ tường, chọc thủng tĩnh mạch, tuyệt thực, “tuyên chiến” với cán bộ quản giáo, cũng vì cái uất ức không được “chết nhanh” kia.

Nguyễn Thị Ngọc bất bình khi bị biệt giam chờ "tiêm thuốc độc" lâu quá nên thu gom nước tiểu, xú uế đợi cán bộ đi qua để hắt ra

Nữ tử tù quái chiêu

Căn phòng biệt giam tử tù mở ra. Mùi hôi hám xộc lên, từ ngoài nắng nỏ đi vào, tôi thấy mọi thứ tối thui. Phòng của nữ tử tù tên là Nguyễn Thị Ngọc (tội buôn ma túy) bé tẹo. Cô ta bị cùm một chân bằng cùm sắt to, thành thử mọi di chuyển, cựa quậy chỉ trong “vòng kim cô” với khoảng cách bằng chiều dài cơ thể cô ta, bởi một bên chân bị ghim chết cứng vào một chỗ. Dính án, tòa xử tuyên tử hình Ngọc từ năm 2004 cùng với người tình, đến nay đã 9 năm, sơn nữ tóc dài da trắng nay bị biệt giam trong phòng riêng dành cho tử tù. Khi chúng tôi chụp ảnh, người đàn bà nhan sắc này khóc, lấy quạt nan che mặt, giọng đầy oán thán. Mở miệng ra là Ngọc xin được chết. Ngọc có hai con, chồng nghiện ma túy, Ngọc đưa chồng đi cai nghiện ở Thái Nguyên. Tại đó Ngọc gặp Vũ Năng Sỹ (nguyên là cán bộ Trung tâm y tế huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên; nay Sỹ là một tử tù cũng bị giam buồng bên cạnh, cách Ngọc hơn 10m). Sỹ là một bác sĩ tốt nghiệp Đại học Y Thái Nguyên. Hai người mặn nồng rồi rủ nhau đi buôn ma túy nhưng lưới trời lồng lộng, họ đã tự giăng lưới và tự để cho mình mắc lưới tử tội. Sỹ bảo: “Em là một cán bộ ngành y, ăn học tử tế, đầy tâm huyết, một phút nông nổi giờ thành người sắp bị xử tử, buồn lắm chứ. Chỉ ước ao sau này được chết, rồi đem nội tạng của mình hiến tặng cho bệnh nhân nghèo để họ được sống. Như thế là trọn vẹn cái khát vọng của người được đào tạo ngành y”.

 Bị biệt giam chờ ngày ra pháp trường lâu quá, tử tù này béo ú lên (Ảnh nhỏ: Cận cảnh một cái cùm biệt giam tử tù).

Việc lấy nội tạng tử tù hầu như không thể theo quy định luật pháp nước ta. Vả lại, bây giờ nếu Sỹ bị thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc đặc chủng, thì nội tạng của anh ta cũng không dùng được vào việc gì nữa. Đôi tử tù từng là nhân tình nhân ngãi này vô cùng đau khổ trong cảm giác đợi chết. Sỹ bất bình: “Đi” (xử tử) thì “đi” luôn đi, tha thì tha luôn đi, chờ đợi thế này nhục lắm”. Anh ta chửi bới. Ngọc thì tích cóp nước tiểu, phân, đợi cán bộ đi qua, hắt tứ tung cho bõ tức. Ngọc còn tuyệt thực nhiều ngày để phản đối việc bị giam lâu quá, Ngọc bỏ ăn, không thèm tiếp bố già đến thăm nom, Ngọc kiến nghị xin đổi phòng biệt giam, đổi quản giáo để cho nó… thay đổi không khí. Quậy phá chán, Ngọc lại bẻ hành bẻ tỏi, “hành hạ” quản giáo bằng những “yêu sách kỳ dị”.

Đại tá, giám thị trại giam Kế, ông Nguyễn Duy Đức thở dài kể: “Ngọc đòi chúng tôi mua cho cô ta đúng loại báo cô ta thích. Ngọc đọc kỹ từng chữ để giết thời gian, báo mua về muộn là Ngọc chửi bới, tuyệt thực nhiều ngày. Khăn mua về thì phải đúng kích cỡ, đúng màu sắc, đúng… loại hoa thêu vẽ trên khăn mà Ngọc yêu cầu, nhỏ hay to là hơn là cán bộ “dính quả chửi bới”. Có khi Ngọc đòi mua gối có hình hoa hồng đỏ, mà nhà thiết kế vẽ hoa tuylip trên đó là… cả khu biệt giam nghe Ngọc gào thét càu nhàu. Chuyện Ngọc thu gom nước tiểu, xú uế vào cái bô, đợi cán bộ đi qua để hất ra đe dọa là có thật. Chúng tôi kỷ luật Ngọc bằng cách rất đơn giản. Đành chấp nhận cho Ngọc hắt phân và nước tiểu của mình ra khắp phòng và cửa phòng, lối đi. Rồi bảo anh em từ từ hẵng dọn. Cho Ngọc biết thế nào là mùi xú uế, Ngọc gây ra thì tự ngửi đi đã…”.

Sự cuồng quẫn cảm giác như đã lên đến đỉnh điểm nếu không có sự quản lý, động viên khéo léo của các quản giáo dày dạn kinh nghiệm nhất. Khó nhất là đối phó với những tử tù có suy nghĩ tiêu cực như Nguyễn Duy Biên, anh ta liên tục lao đầu vào bờ tường đòi tự tử. Vừa nhập phòng, Biên đã kịp xé quần áo bện thành dây treo cổ tự vẫn.

Đại tá Nguyễn Duy Đức, giám thị trại giam Kế bảo: “Sức chứa của trại được Bộ Công an cho phép là 12 tử tù, nhưng giờ con số đã là hơn gấp đôi (26 đối tượng). Nhà giam được cơi nới, sửa chữa, cùm, phòng, dây thép gai không thể tốt như những phòng biệt giam đạt tiêu chuẩn cấp Bộ được. Lý do như đã nói, là chúng ta dừng việc thi hành án tử hình bằng bắn súng, giờ chuyển sang hình thức tiêm thuốc độc, nhưng thuốc thì chưa mua được, sản xuất trong nước thì chưa xong, nhà tiêm thuốc với công nghệ ngoại nhập và thiết bị “nhập nguyên chiếc” từ Thái Lan cũng… chưa hoàn thiện. Tóm lại, theo nghị định của Chính phủ mới đây: Ngày 26/6/2013 vừa qua, việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc được chính thức có hiệu lực, nhưng vẫn chưa có tử tù nào được “tiêm xử tử”. Kế hoạch thi hành án tử hình kiểu mới lại bị vỡ. Tức là hàng trăm tử tù lại mỏi mòn đợi chết, có nhiều đối tượng gào théo đòi được “đi” sớm”.

“Pháp trường xi lanh” vẫn chưa hứa hẹn ngày “khai mạc”

Theo Trung tướng Cao Ngọc Oánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Bộ Công an) chính thức trả lời trên báo chí rằng: “Việc “xử tử” trong “pháp trường xi lanh” chưa diễn ra theo lộ trình là ngày 27/6/2013 được và cũng chưa biết bao giờ mới diễn ra, có gì chúng tôi sẽ thông tin với báo chí sau”. Vậy là, con đường đợi chết của hàng trăm tử tù trên cả nước mịt mù lắm. Họ còn phải vật vã chờ đợi khá lâu nữa trong tình trạng buồng giam quá tải, tâm trạng của tử tù đầy “nỗi niềm” với chuỗi “một ngày dài hơn thế kỷ”. Điều này sẽ tiếp tục gây khổ sở cho bản thân tử tù, gây nỗi khó khăn cho những người trực tiếp quản lý, giáo dục các đối tượng chờ chết trong trại tạm giam.

 

Theo Đỗ Quân (TT&ĐS)

Clip đang được xem nhiều nhất: Thêm clip bạo hành trẻ em gây phẫn nộ: Cha đẻ đánh đập dã man, tung chân đạp con gái nhỏ bay xa 2 mét!

Tag: Tử tù , Tiêm thuốc độc , Yêu sách , Pháp trường , Thi hành án , Biệt giam , Nguyễn Thị Ngọc