“Shingri-La cuối cùng” này thực sự là một thiên đường kỳ thú với sự đa dạng của khí hậu, các hệ sinh thái phong phú và nguồn tài nguyên vô cùng dồi dào. Đối với bất kỳ ai dù chỉ một lần đặt chân đến miền cực này cũng sẽ cảm nhận được hơi thở của thiên đường trong từng ngóc ngách của sự sống, từng kẽ lá cành cây, và từ mỗi người dân nơi đây.
Bhutan có nghĩa là “Vùng đất của Rồng Sâm” bởi các cơn bão dữ dội và khắc nghiệt luôn tấn công vùng đất này. Phải chăng chính vì vậy mà thiên nhiên cũng có phần ưu ái hơn, ban tặng cho Bhutan những vẻ đẹp kỳ thú đến ngỡ ngàng như một cách đền bù xứng đáng?
Những cảnh đẹp hoang sơ mời gọi khám phá, những con người hồn hậu nồng nhiệt chào đón du khách, những ngôi chùa tuyệt đẹp mang đến cảm giác thanh thản và trân trọng cuộc sống là những cảm nhận không thể phai mờ khi ghé thăm cõi niết bàn này.
Địa hình Bhutan gần như hoàn toàn là rừng núi trừ một dải hẹp dọc theo biên giới phía nam - Duars, khu vực đồng bằng duy nhất. Cho đến năm 1960 vùng đất này hoàn toàn cô lập với thế giới bên ngoài, nhưng sau đó, dần dần mở cửa cho khách du lịch vào năm 1974.
Giữ gìn và bảo vệ môi trường tự nhiên là một khái niệm ăn sâu vào tiềm thức mỗi người dân nơi đây. Họ không hề tận triệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hễ ai thấy một cành cây bị gãy thì sẽ tự giác trồng thêm ba cây non khác như một cách “bù đắp” cho mẹ tự nhiên.
Những ngôi chùa cheo leo bên vách đá…
Bên cạnh một nền tôn giáo với lịch sử lâu đời, người dân Bhutan rất chú trọng gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc bởi phần lớn dân số của Bhutan là Bhotia (hoặc Bhote, xuất phát từ Bod, tên cổ của Tây Tạng). Tôn giáo chính thức là Phật giáo Đại thừa hay còn gọi là Phật giáo Tây Tạng, được đưa đến khu vực sau khi người Bhotia xuất hiện vào giữa thế kỷ 16 với nhiều pháo đài (tu viện kiên cố) trong các thung lũng Himalaya.
Từ năm 1971, Bhutan đã không dùng chỉ số GDP - tổng sản phẩm quốc nội là cách duy nhất để đo lường sự tiến bộ đất nước mình. Thay vào đó, vùng đất Shangri-La cuối cùng này đã có một phương thức mới để đánh giá sự thịnh vượng, đó là tổng hạnh phúc quốc gia (GNH – Gross National Happiness).
Nguyên tắc của Bhutan là thiết lập chính sách thông qua các chỉ số tổng hạnh phúc quốc gia, với các thông số về sức khỏe tinh thần, thể chất dựa trên phát triển công bằng xã hội, bảo tồn văn hoá, bảo tồn môi trường và thúc đẩy quản trị. Với quan niệm đặt thế giới tự nhiên ở trung tâm của chính sách công, việc bảo vệ môi trường đã được quy định rõ ràng và chặt chẽ trong Hiến pháp của vùng đất Rồng Sấm.
Có thể khẳng định trong ba thập kỷ qua, niềm tin rằng tăng trưởng vật chất nên được thay thế bằng những phát triển về đời sống tinh thần vẫn là một điều kỳ quặc có một không hai. Tuy nhiên hiện nay, khi thế giới bị vây bủa bởi những những hệ thống tài chính sụp đổ, các nền kinh tế suy thoái, sự bất bình đẳng xã hội nghiêm trọng và những hiện tượng khí hậu cực đoan trên diện rộng, đất nước nhỏ bé theo đạo Phật này đang ngày càng thu hút sự quan tâm chú ý của thế giới.
Ngày nay, người dân của đất nước được coi là “Thụy Sĩ của châu Á” này càng sống có trách nhiệm hơn với những gì thực sự là của họ, thoải mái tự tại hơn về tinh thần, và ngày càng giàu có hơn về đời sống vật chất.
Jigme Khesar Namgyel Wangchuck (sinh 21/2/1980) hiện là Vua Rồng thứ năm của Bhutan (đăng quang năm 2008).