Nhau thai tươi, muốn mua cứ đặt hàng là có. Chị Nguyễn Thị H (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, ngay trong lúc mổ đẻ đã nghe thấy các y tá thì thầm "xí phần" nhau thai của chị.
|
Nhau thai khô trôi nổi bán tràn lan
Dừng chân trước một cửa hàng Đông y trên phố Lãn Ông, tôi hỏi mua nhau thai khô thì chủ cửa hàng có vẻ đầy cảnh giác và nói không có. Chúng tôi phải vòng qua nhiều cửa hàng mới tìm được một nơi bảo có. Chủ cửa hàng H.A đưa cho tôi một gói nhỏ được bọc bằng túi nilong, trên có 5 chữ Trung Quốc, ngoài ra không hề có nhãn mác, xuất xứ nói: Đây là loại nhau thai tốt nhất được nhập về từ Trung Quốc. Nhiều người mua về dùng lắm. Ngay cháu nhà tôi cũng ăn nhiều loại này nên mới trộm vía to khỏe, chứ đợt trước cũng gầy gò, xanh xao lắm.
Tôi hỏi mua một gói thì chị chủ cửa hàng nói luôn: "Em phải mua vài gói dùng mới có tác dụng, chứ một gói ăn thua gì. Mà không phải lúc nào cũng có hàng đâu. Mua nhiều thì tôi giảm giá cho. Mang về em có thể xay ra thành bột hòa với nước uống; nấu nhừ hoặc thái nhỏ đúc trứng để ăn, rất dễ ăn và bổ lắm. Hoặc ngâm với rượu, mật ong dùng dần. Giá một gói nhau thai khô được chủ cửa hàng đưa ra là 250.000 đồng".
Theo khảo sát của chúng tôi, có khá nhiều người có nhu cầu mua nhau thai khô tìm đến con phố này. Người ta chủ yếu tìm mua để chữa bệnh yếu sinh lý, suy nhược, vô sinh. Chưa biết hiệu quả, tác dụng đến đâu nhưng câu hỏi đầu tiên đặt ra là chất lượng của các gói nhau thai có đảm bảo hay không khi các gói này chỉ in vài chữ Trung Quốc trên bao bì và hoàn toàn không có ghi hướng dẫn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng?
Có thể mua nhau thai khá dễ dàng trên phố Lãn Ông
Tuy nhiên, không chỉ nhau thai khô, mà muốn có nhau thai tươi tại đây cũng có, nhưng phải đặt trước và giá đắt hơn. Nhiều cửa hàng đặt mua được nguồn nhau thai tươi trong bệnh viện và mang về tự chế biến. Nhưng họ làm thế nào để có được nhau thai tươi, nguồn "hàng" này được lấy từ đâu?
Nhau thai ra thị trường
Chị Nguyễn Thị Hương, 25 tuổi, huyện Xuân Trường, Nam Định bị bệnh hen mãn tính. Nghe lời đồn thổi, ăn nhau thai bà đẻ có thể chữa được căn bệnh này, mẹ chị đã không quản vất vả tẩm bổ cho con gái bằng "món ăn" này.
Việc kiếm nhau thai tại đây tương đối dễ dàng, chỉ cần có mối quan hệ với trạm xá xã là có thể xin nhau thai của các bà đẻ. Ở các vùng quê, nhất là vùng núi, nhau thai vẫn được "xin" về làm thuốc. Thậm chí các cửa hàng thuốc đông y còn đặt hàng thường xuyên nhau thai tươi về tự sao chế để bán như một vị thuốc đông y.
Tuy nhiên tại Hà Nội và TP HCM, nhau thai tươi được kiểm soát khá chặt chẽ. Theo GS. Lê Đức Vy, Nguyên Giám đốc bệnh viện Phụ sản TƯ: Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nhau thai phải được xử lý ở nơi lò đốt sở tại, không thể mang ra ngoài được.
"Nhau thai là một loại chất thải y tế, không được phép bán trên thị trường. Tất cả các sản phẩm từ con người ra không ai được bán. Kể cả nhập khẩu, không có văn bản nào của Bộ Y tế cho phép nhập bệnh phẩm này cả. Ở giai đoạn thời kỳ bao cấp, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ trước đây, vô cùng gian khổ thì người ta có dùng để ăn, rồi dùng sản xuất Filatop làm thuốc chữa bệnh, nhưng hiện nay cũng không ai dùng, công nghệ dược phẩm người ta cũng không sử dụng", GS Vy khẳng định.
Ông Lê Hoài Chương, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng cho biết, nhau thai (và các khối u, tử cung, vv...) được xếp vào nhóm chất thải y tế rắn. Cách đây rất lâu, vì có nhu cầu làm thuốc đông y nên bệnh viện đã thu gom và bán cho các đơn vị sản xuất với giá 1.000 đồng/chiếc nhau thai. Nhưng hiện nay bệnh viện không bán nữa (vì các đơn vị trên không có nhu cầu mua). Vì thế, bệnh viện đã ký hợp đồng với công ty môi trường đô thị để họ triển khai tiêu hủy theo đúng quy trình, quy định của Bộ Y tế.
Theo quy định của Bộ Y tế, nhau thai phải được xử lý tiêu hủy giống như các mô mềm trong xử lý rác thải y tế. Ở các bệnh viện lớn đây là một quy trình khép kín được kiểm soát rất nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, giống như các mô mềm, nhau thai sản phụ phải được bảo quản lạnh trước khi đem ra tiêu hủy. Duy nhất các phòng thí nghiệm được tận dụng nhau thai để lấy tế bào gốc từ máu cuống rốn.
Vậy nhau thai tươi tuồn ra ngoài bằng con đường nào? Ông Lê Hoài Chương, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết: "Tôi cũng không hiểu nhau thai khô, thậm chí cả nhau thai tươi đang bán ngoài thị trường lấy từ đâu ra. Còn ở bệnh viện của tôi thì quy trình xử lý là vậy. Nếu công ty môi trường đô thị không làm đúng cam kết (không tiêu hủy mà sử dụng vào việc khác) thì họ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm".
Tuy nhiên theo tìm hiểu của phóng viên, quy định của Bộ Y tế và bệnh viện là vậy nhưng nếu ai có người quen tại các bệnh viện phụ sản vẫn có thể "vượt rào" xin được nhau thai bà đẻ. Nhất là tại các cơ sở sản khoa tư nhân, việc kiểm soát không chặt chẽ dẫn đến nhau thai tuồn ra ngoài bán là chuyện không thể không có.
Chị Nguyễn Thị H (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, ngay trong lúc mổ đẻ trong một bệnh viện sản Hà Nội chị đã nghe thấy các y tá thì thầm "xí phần" nhau thai của chị.
Nhau thai - vị thuốc bổ
Thực chất, nhau thai khô chính là vị thuốc có tên "tử hà sa". Nhau thai là cơ quan liên kết giữa người mẹ và em bé khi còn là bào thai. Nó là một phần thiết yếu của thai kỳ và được đào thải sau khi sinh con. Các chất dinh dưỡng và ôxy được truyền từ máu mẹ đến bào thai qua nhau thai. Nhau thai cũng là một hàng rào chắn giúp bảo vệ thai nhi trước nhiều loại vi khuẩn gây bệnh. Các tài liệu y học cổ truyền đều ghi ứng dụng lâm sàng của nhau thai là để trị cơ thể suy nhược, khí huyết hư tổn như có các bệnh lao, thiếu máu, suy nhược thần kinh, viêm phế quản mãn ở người già, hen suyễn kéo dài.
Ở nước ta trước đây cũng có loại thuốc bổ tên là Filatop, dạng thuốc nước được chiết xuất từ nhau thai sản phụ dùng cho bà mẹ ít sữa uống để tăng tiết sữa, hoặc dùng thúc đẩy phát triển cho trẻ em chậm lớn, còi xương. Tuy nhiên, hiện nay hầu như không xuất hiện loại thuốc này trên thị trường. Vì đây là loại thuốc chiết xuất từ nhau thai sản phụ nên nhiều người lo sợ nhau thai của sản phụ bị nhiễm HIV, viêm gan siêu vi C, B, giang mai... có thể lây truyền những bệnh này cho người sử dụng.
Nguy cơ lây nhiễm HIV, viêm gan B...
Chúng tôi đã mang gói bánh nhau tham khảo ý kiến đánh giá của một số người tiêu dùng và chuyên gia ngành y... thì nhận được không ít ý kiến cảnh báo, lo ngại về nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, AIDS.
Ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Bệnh viện 09, nơi chuyên điều trị và chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS có hoàn cảnh đặc biệt ở Hà Nội cũng cho biết: Nếu như chỉ lấy nhau thai ra thái rồi phơi bình thường hoặc sấy ở nhiệt độ không đảm bảo thì nguy cơ lây truyền bệnh là hoàn toàn có thể xảy ra.
Như virus HIV ở trong dịch lỏng chỉ bị bất hoạt trong nhiệt độ 56 độ C, còn trong môi trường khô thì virus có thể tồn tại tới một tuần. Thời gian để bất hoạt được virus HIV trong nhiệt độ 100 độ C thì phải mất vài tiếng đồng hồ.
Virus gây viêm gan B cũng vậy, chỉ bị bất hoạt trong nhiệt độ cao, thời gian dài.Việc sử dụng nhau thai không rõ nguồn gốc, xuất xứ, phương pháp chế biến... hoàn toàn có khả năng bị lây truyền virus HIV, viêm gan B và các bệnh truyền nhiễm khác.
Ngoài các bệnh truyền nhiễm thì còn nguy cơ rất nhiều bệnh khác như gây đột biến, ung thư. Trong bánh nhau của sản phụ bệnh có rất nhiều hoạt chất, thành phần có thể gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng. Các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, nhiễm vi trùng, vi khuẩn, virus, ký sinh trùng... có thể ở tất cả các sản phẩm chế biến không đảm bảo. Hoặc khi chế biến nhau thai đó, liệu họ có cho hóa chất vào không và hóa chất đó có gây hại không, có được phép sử dụng không, nếu có gây hại thì gây hại như thế nào v.v...Như vậy việc lây nhiễm bệnh từ nhau thai hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo y học, HIV có thể lây truyền từ một người mẹ bị nhiễm HIV sang cho trẻ sơ sinh của mình qua nhau thai trong lúc mang thai và khi sinh đẻ. Tỷ lệ truyền HIV từ người mẹ bị nhiễm HIV sang cho trẻ sơ sinh là khoảng 13 - 50% tùy thuộc vào tình trạng dinh dưỡng và tỷ lệ HIV trong máu của người mẹ. Nhau thai cũng không đủ khả năng chống lại virus như virus cúm, virus gây bệnh Rubella... chúng vẫn có thể xâm nhập qua nhau thai vào bào thai.
Ngoài ra theo Lương y Nguyễn Duy Minh (Minh Khai, Hà Nội), với kiểu dáng và bao bì không rõ ràng như vậy thì khả năng bánh nhau khô giả là rất cao, bởi các hãng sản xuất thuốc lớn của Trung Quốc bao giờ cũng có đầy đủ thông tin nhãn mác, địa chỉ sản xuất. Vì vậy, người dân không nên dùng loại bánh nhau khô không rõ xuất xứ này, lợi chưa thấy đây mà có khi lại rước bệnh vào thân.
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%