Số phận nghiệt ngã
Chúng tôi đi dọc triền đê sông Đáy để hỏi nhà ông Vũ Văn Huề thì ai cũng biết bởi ông Huề là một trong ba người bị bệnh phong còn sống ở làng phong Đức Hoà. Tiếp chuyện chúng tôi là một lão nông dáng người nhỏ bé, tóc đã bạc gần hết, đôi mắt luôn ánh lên nghị lực và miệng luôn mỉm cười. Trên tấm lưng trần rám nắng và trên cơ thể ông là những vết sẹo đã mờ và những vết mủ đang loang lổ. Đáng thương hơn là đôi chân của ông, cả bàn chân bên phải sưng to quá khổ, ông phải đi tất, còn phần trên bắp chân của cả hai bên tím bầm và đầy sẹo do di chứng của bệnh phong từ những năm trước để lại. Phải khó khăn lắm ông mới nhấc được bước chân lên bậc thềm để mời chúng tôi vào nhà.
Sau khi rót trà mời khách, với giọng hơi trầm buồn, ông bắt đầu kể về cuộc đời mình. Năm 1962, chàng trai Vũ Văn Huề với tuổi thanh xuân và sức sống căng tràn đang sục sôi nhiệt huyết nung nấu quyết tâm lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu thì bất ngờ phát hiện mình bị bệnh phong. Ông rất buồn và suy sụp, đành gác bỏ ước vọng lên đường nhập ngũ để vào điều trị ở trại phong Quỳnh Lập (Nghệ An).
Những ngày sống trong trại phong Quỳnh Lập, hàng ngày phải đối diện với bệnh tật, với những đau đớn, da lở loét, mắt lồi, lông mi rụng, chân tay không còn cảm giác nhưng với ý chí, nghị lực và quyết tâm không đầu hàng số phận, ông đã cố gắng điều trị và không ngừng tập luyện với mong muốn khỏi bệnh. Đến năm 1968, bệnh tình của ông đã thuyên giảm và được rời trại. Trở về quê hương, một lần nữa ông lại làm đơn xin nhập ngũ nhưng vẫn không được chính quyền địa phương chấp nhận bởi lý do: ông đã từng mắc bệnh phong. Gác lại ước muốn được lên đường đánh giặc cứu nước, ông Huề xin vào làm đội viên đội cày trong hợp tác xã Thanh Tân.
Cuộc sống từ đây tưởng đã yên ổn nhưng ít lâu sau bệnh cũ của ông lại tái phát. Vì sợ lây nhiễm nên chính quyền địa phương đã dồn ông cùng những người bị bệnh phong khác trong xã về sống ở ven đê và cấp cho đất cày cấy ở bên kia sông Đáy. Từ đó, xóm nhỏ mà ông Huề cùng với những người mắc bệnh như mình bị mọi người kỳ thị gọi bằng cái tên: “xóm hủi” cùng những ánh mắt dò xét, xa lánh của người đời.
Vượt lên nghịch cảnh
Sống trong sự kỳ thị, phân biệt và hắt hủi của người làng, trong sự đớn đau giày vò của bệnh tật nhưng không vì thế mà ông mất đi khát vọng sống. Được truyền lại cho nghề làm xe điếu để mưu sinh nên ông Huề quyết tâm học hành rất cẩn thận với ước mong có thể tự nuôi sống được bản thân mình.
Với nhiều người bình thường, để làm được một chiếc xe điếu nhỏ bé thon dài dùng để hút thuốc lào đã là rất khó nên đối với một người bị bệnh phong như ông bước đầu để làm được nó lại là một thử thách thật sự. Để có được những chiếc xe điếu tròn, nhẵn, có lỗ thông xuyên qua phải trải qua rất nhiều công đoạn và phải bỏ rất nhiều công sức.
Nhiều lần ông phải tự bơi qua sông, lặn lội vào rừng để lùng tìm những cây le tốt nhất, có đủ tuổi, đúng kích thước rồi tự tay chặt. Sau đó ông mang về luộc để khi đốt dưới lửa, ống xe điếu không bị co, nứt. Nhiều hôm tỉ mỉ ngồi gọt giũa, mài nhẵn từng chiếc một, căn bệnh cũ tái phát, cơ thể ông mọc đầy mụn nhọt, chân tay lở loét đau đớn nhưng ông vẫn gắng gượng làm ra những chiếc xe điếu bền, đẹp khiến cho người “nghiện” thuốc lào rất thích.
Những lúc khoẻ mạnh, ông mang xe điếu lên tận Hà Nội rồi xuống Thái Bình, Nam Định để bán. Người bình thường đi bán đã gian nan cực khổ, người bị bệnh phong như ông lại càng khổ gấp trăm ngàn lần. Nhiều đêm ông phải thức trắng ở gầm cầu Long Biên, Chương Dương, cơm hàng cháo chợ ở Đồng Xuân, Ô Chợ Dừa... Biết bao con phố, nẻo đường mà đôi chân bệnh tật của ông đã đi qua.
Năm 1982 thương ông Huề chăm chỉ chịu khó, cảm thương với số phận và khâm phục nghị lực của ông, bà Đào Thị Hiền đã cùng ông kết tóc se duyên. Hai ông bà sinh được 6 mặt con. Với ông Huề, đó thực sự là niềm hạnh phúc vô bờ, ông thường bảo đó là cái lộc, là tài sản, là niềm vui lớn nhất của đời ông.
Nhưng cũng vì đông con mà cuộc sống của gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Ngày ấy cả gia đình 8 người mà chỉ có một túp lều nhỏ để che nắng che mưa. Bà thương ông chân đau bệnh tật đã chẳng quản thân gái một mình vượt sông băng rừng chặt cây le đem về để ông ở nhà làm xe điếu. Rồi sau đó bà lại đi mò trai bắt ốc ở sông Đáy để kiếm tiền. Ngày đó, cùng với số tiền bán được từ xe điếu của ông và tiền mò cua bắt ốc của bà, cả gia đình ông phải cố gắng tằn tiện, chi li lắm mới đủ rau dưa đạm bạc qua ngày.
Đói nghèo - đó chỉ là sự thiếu thốn về vật chất và sự thiếu thốn đó có thể khắc phục được nhưng nỗi đau về tinh thần mới thực sự giày vò ông. Ngày ấy, cứ đi qua khu vực ông và những người mắc bệnh ở là người dân trong làng lại rảo bước thật nhanh vì sợ đây là xóm hủi. Các con ông Huề lớn lên đến tuổi đi học, nhưng đến trường các em bị bạn bè giễu cợt gọi là “con nhà hủi” khiến 6 chị em vô cùng mặc cảm, tự ti không muốn đến trường nữa. Về nhà chúng cũng không dám nói với bố vì sợ bố buồn, bố khổ, chỉ biết thậm thụt ấm ức khóc với nhau.
Thương vợ con khổ cực, vất vả vì mình nên ông càng nghĩ càng thấy mình phải cố gắng hơn. Sau nhiều năm làm lụng, tằn tiện, tích cóp, vợ chồng ông đã bỏ ra được một khoản tiền cộng với số tiền mà các con lớn đi làm thêm thắt vào nên giờ đây đã xây được một ngôi nhà mới khang trang, rộng rãi.
Chia tay chúng tôi ông cười bảo: “Cuộc đời của những người bị bệnh phong như tôi khổ lắm. Bị xã hội kỳ thị đã đành còn bị cả người thân xa lánh, hắt hủi nữa! Nhưng tôi nghĩ, dù khó khăn thế nào cũng có cách khắc phục, điều quan trọng là mình phải tự vực mình dậy, vượt qua mặc cảm để mà sống”. Giờ đây, nhìn các con của mình đã khôn lớn, trưởng thành, vợ chồng ông đều cảm thấy rất hạnh phúc và mãn nguyện.