Bày biện để yêu thương

Tôi về nhà ngày 27 tết. Không khí xuân đã len lỏi. Trước sân mai lơ thơ nở. Trong nhà mấy chậu vạn thọ vàng tươi. Bánh chưng, mâm ngũ quả, mứt kẹo, dưa cải chua... “Sáng mai kho thịt với hầm khổ qua nữa là xong!” - mẹ tuyên bố.

Bánh tét ngày xuân (tác giả Phạm Duy Khương) - tham dự cuộc thi ảnh Sắc xuân 2012 do Tuổi Trẻ Online tổ chức

Tối ngủ, ngửi mùi mền gối mới giặt bằng chính đôi tay mẹ, nghe cái lành lạnh phảng phất, cảm giác bình yên lại trở về trong tôi.

28 tết. Tôi thức dậy khi đã hơn 9g sáng. Bước xuống nhà, mẹ đã đi chợ về. Trong lồng bàn là tô bún nghi ngút khói. Vừa ăn tôi vừa nhìn mẹ xắt thịt, rồi móc ruột khổ qua. Tôi cũng cầm lấy một trái, đưa đuôi muỗng ráng móc nhẹ nhàng. Nhưng tôi trợt tay, trái khổ qua tét ra. “Thôi để mẹ làm cho!”. Rồi mẹ loay hoay với hàng đống những việc không tên. Tôi mỉm cười. Mẹ luôn có những mối lo nhỏ xíu xiu, mà khi mẹ nói tôi lại chép miệng: “Sao mẹ lo cái gì đâu không!”. Luộc gà xong, mẹ đứng nhìn nồi nước luộc: “Bỏ đi hay để lại nấu canh đây?”. Vừa đảo nồi thịt kho mẹ vừa lẩm bẩm: “Hình như ba ký hơi ít, mấy bữa đem qua cho con Trang (chị tôi - đã ở riêng) một ít nữa!”. Cứ vậy, mẹ hết chuyển từ việc này tới việc khác, tôi có làm thì một lúc sau mẹ cũng làm lại, có lẽ do quen tay và không yên tâm.

Giờ cơm, mẹ lại lo chuyện khác. Mẹ lẩm bẩm quên làm món dưa giá mà mấy anh thích ăn. Rồi mẹ cứ nhắc đi nhắc lại năm nay muối củ cải dở hơn năm ngoái. Tối mẹ nói đau lưng sẽ đi ngủ sớm, nhưng rồi mẹ lại đi hâm nồi thịt, cất mấy hũ dưa cải vô tủ lạnh, kiểm tra mớ bánh chưng bánh tét coi có kiến không, quét lại cái nhà. Tới tận lúc đi ngủ mẹ còn “để tao coi mùng màn đàng hoàng chưa, muỗi cắn chết!”. Tôi lại chép miệng:

“Mẹ lo cái gì đâu không!”.

29 tết. Tôi dậy sớm nhưng đã thấy mẹ dậy rồi, đang lui cui chuẩn bị mâm cơm rước ông bà. Cứ khoảng nửa tiếng mẹ lại cầm điện thoại gọi cho anh Tư hoặc anh Năm. Anh Tư không bắt máy, mẹ lại lầm bầm: “Cái thằng đi đâu giờ chưa thấy mặt!”. Rồi mẹ la lên: “Chết chưa, cái rổ bắp cải mẹ để đâu mất rồi?”. Thì ra cứ lo mấy anh không về kịp ăn cơm, mẹ để thứ này thứ kia lẫn lộn lung tung. Anh Năm trực công ty trưa không về, mẹ thở dài: “Tội nghiệp nó, tết nhứt tới nơi còn phải làm!”. Tôi lại quen miệng: “Mẹ lại lo cái gì đâu không!”. Sau đó, mỗi lần gọi cho mấy anh mẹ lại bước ra hè nhà, có lẽ để tôi khỏi “phát biểu” câu đó nữa.

Trưa mồng 1. Anh chị chở mẹ lên bà nội chơi. Trước khi đi, mẹ hết kiểm tra cái này lại coi sóc cái kia, đến khi anh chở mẹ ra ngõ, mẹ còn ngoái lại dặn tôi ngủ dậy nhớ xẻ dưa hấu ăn.

Những cảnh ấy, lời nói ấy năm nào cũng vậy. Nhưng anh chị em tôi cứ mong mấy ngày này để vòi vĩnh, để “giành nhau” một cách trẻ con tình thương của mẹ. Để tết qua đi, khi chúng tôi trở lại nhịp sống bộn bề thường ngày, vẫn còn lại dư vị nồng ấm của sự đoàn tụ.

Sáng mai có thể mẹ lại lắc đầu vì anh Tư không biết tét bánh, anh Năm mải đi chơi với bạn quên về ăn cơm, mẹ sẽ sửa soạn lên nhà cậu hoặc đi đâu đó và ra ngõ còn ngoái lại dặn tôi một hai câu. Rồi tết năm sau, năm sau nữa... cho đến khi những hình ảnh ấy thành một màu gỉ sét trong trí óc tôi - đó là khi trong cuộc đời chẳng còn ai đủ lớn để coi ta là trẻ con nữa.

Xuân vui, hoa nở, nắng vàng, lộc biếc. Nhưng đẹp nhất vẫn là khi tôi còn có mẹ để “lo cái gì đâu không!”, để bày biện mà yêu thương nhau.