“Báo lá cải” – Ai phải chịu trách nhiệm?
Thứ năm, 31/05/2012 11:16

Gần đây, có 1 loạt những tranh cãi xung quanh vấn đề “báo chí lá cải”. Thậm chí đã có 1 số bài báo đập hẳn tên mặt báo khác lên để phê phán, chỉ trích. Và câu hỏi được đặt ra: "Báo lá cải" - Ai phải chịu trách nhiệm?

Tuy nhiên, ranh giới và định nghĩa giữa “báo lá cải” và “phi lá cải” cho đến nay ở Việt Nam còn rất mù mờ, chưa rõ ràng, và mới chỉ tồn tại ở dạng hiểu nôm na. Vì thế tất nhiên chẳng có báo nào tự nhận mình là “lá cải” trong khi nội dung của nó thì thực sự là rất “cải”.

Ở Việt Nam, “báo lá cải” được hiểu nôm na là những tờ báo không đi theo thiên hướng chính trị, tin tức kinh tế- văn hóa- xã hội. Mà nó thiên hẳn về chức năng giải trí với nội dung nhảm nhí, giật gân, phóng đại sự việc, chuyện con kiến biến thành con voi. Những tờ báo được coi lá cải ở Việt Nam là những tờ báo đi sâu khai thác đời tư, scandal của những người nổi tiếng, với mục tiêu duy nhất là câu khách, mà không hề để tâm tới mục đích định hướng xã hội.

Để có cái nhìn khách quan hơn, chúng tôi xin đề cập tới 1 số nhận định và định nghĩa của phương Tây đối với "báo lá cải".

Ở nước ngoài, “báo lá cải” được dùng với rất nhiều tên gọi khác nhau như: Gutter press, Tabloid, Rag newspaper...

Trong từ điển Wikipedia có định nghĩa: “Báo lá cải là những tờ báo tập trung chủ yếu vào các đề tài kích thích trí tò mò của người đọc như các câu chuyện về tội phạm, bói toán, chuyện đời tư của các ngôi sao làng giải trí và thể thao, thông tin món ăn, dịch vụ...

Những tờ báo lá cải cũng đề cập tới các kĩ năng tình dục, ma túy. Đó cũng là chốn thị phi khi các vấn đề ganh ghét, ghen tị, đấu đá hay các vấn đề nhạy cảm của các ngôi sao nổi tiếng được khai thác triệt để mà chưa hề có kiểm chứng. Cũng từ đó là sự xuất hiện của hàng loạt các chương trình truyền hình lá cải ăn theo”.

Để xây dựng 1 nền báo chí "chính nghĩa" phụ thuộc rất nhiều vào thái độ và sự lựa chọn của độc giả. Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)

Ngoài ra ở phương Tây, “báo lá cải” và báo chính luận còn được phân biệt qua sự khác nhau về khổ báo. Các tờ lá cải thường có khổ nhỏ hơn so với các tờ báo chính luận để người đọc dễ dàng mang theo lên tàu điện ngầm, xe buýt... Tuy nhiên, hiện nay điều đó không còn hoàn toàn đúng khi nhiều tờ báo chính luận đã chuyển sang kích thước nhỏ bằng những tờ lá cải thông thường, để trở nên tiện ích hơn với độc giả.

Đối tượng độc giả giữa 2 loại báo này cũng được phân tầng rất rạch ròi. Phần lớn độc giả của báo lá cải là tầng lớp bình dân, người dân lao động. Trong khi độc giả trung thành của báo chính luận lại là những người thuộc tầng lớp trí thức, giàu có, và thường sống ở các thành phố lớn.

Xét về phương diện thẩm mỹ và chuyên môn, bài viết của các tờ báo lá cải thường ngắn gọn hơn các bài viết trong báo chính luận. Ngôn ngữ trong các tờ lá cải có xu hướng dùng từ địa phương, tiếng lóng. Trong khi đó, người đọc không thể thấy được những từ này khi đọc 1 bài báo chính luận.

Người dân có thể dễ dàng bắt gặp các tờ báo lá cải được giăng đầy ở lối đi siêu thị, xe buýt, nơi công cộng... với những ấn phẩm rất màu mè, bắt mắt.

Chẳng ai tự nhận mình là "lá cải"

Nếu căn cứ trên định nghĩa “báo lá cải” của phương Tây, thì độc giả - những vị giám khảo khách quan nhất có lẽ không mấy khó khăn để nhận ra vô số các tờ báo lá cải xuất hiện trong đời sống hàng ngày trong nước.

Bất kể khi nào bạn ra sạp báo cũng có thể bắt gặp vô số những tờ báo với nội dung gây shock, kích thích người xem với vô số đề tài nóng bỏng như: Ca sĩ lộ clip sex, hot girl khỏa thân, bê bối của các ngôi sao... Đi ngoài đường, nhiều người không khỏi giật mình khi nghe các mẩu tin rao báo với những tít rất giật gân, rợn người...

Báo giấy chưa đủ, tính chất “lá cải” còn lấn sân sang cả báo điện tử. Đó được coi là mảnh đất màu mỡ để kiếm chác.

Có những bài báo khi đọc tiêu đề rất giật gân, nghe xong chỉ muốn đọc ngay lập tức. Nhưng khi đọc vào nội dung thì độc giả được phen “chưng hửng” khi nội dung bên trong chẳng có gì. Đối nghịch với đó lại có nhiều bài báo, chỉ 1 vấn đề nhỏ xíu của cô người mẫu XYZ cũng có thể “bôi” ra thành 1 loạt dài hàng chục kỳ... Chỉ một phút lỡ lời, 1 hay 1 phút trải lòng của người nổi tiếng khi yếu lòng cũng bị các tờ báo này mang ra khai thác triệt để mà không cần quan tâm tới cảm xúc của người đó trước búa rìu dư luận. Tính chất chân thực của báo chí đôi khi cũng bị các tờ báo này "bán rẻ" khi bóp méo sự thật, thêm mắm thêm muối hoặc nêu thông tin ra mà không hề có kiểm chứng... Tất cả chì vì 2 chữ: Lợi nhuận

Với sức hút khó cưỡng lại của lợi nhuận, nhiều tờ báo tạp chí ngày càng trở nên “lá cải hóa”, làm méo mó đi chức năng và giá trị chân chính thực sự của báo chí. Thậm chí có 1 số tờ báo chính thống không biết vô tình hay hữu ý đã để cho 2 chữ “lá cải” len lén lọt vào. Đó là 1 thực trạng rất đáng buồn khi ranh giới giữa “chính thống” và “lá cải” còn rất mơ hồ. Và lẽ dĩ nhiên chẳng có báo nào tự nhận mình là “lá cải”.

“Báo lá cải” – Ai phải chịu trách nhiệm?

Ai cũng phải thừa nhận rằng trong xã hội, kể cả báo chí phương Tây và Việt Nam, báo chí chính thống được hết lời ca tụng, ngược lại “báo lá cải” bị chỉ trích lên án. Nhưng có 1 nghịch lý đáng buồn rằng lượng người đọc “báo lá cải” vượt xa báo chính luận. Và đề tài được đề cập trong các tờ lá cải lại chiếm phần không nhỏ trong các câu chuyện “buôn dưa lê, bán dưa chuột” của người dân.

Đa số độc giả của báo chính luận là những người có trình độ học vấn cao, tầng lớp trí thức. Thế nhưng không phải vì thế mà có thể đổ lỗi rằng nhiều người ưa chuộng “báo lá cải” vì trình độ dân trí thấp. Bằng chứng là có rất nhiều sinh viên, giáo viên, dân công sở vì nhiều lý do và mục đích khách quan khác nhau... vẫn đọc “báo lá cải”.

Có “cung” thì ắt có “cầu”. Đó là quy luật vốn có của xã hội. Chừng nào còn độc giả thì những tờ “báo lá cải” vẫn tiếp tục ra đời và tồn tại.

Những độc giả đã vô tình tiếp tay cho “báo lá cải”. Không ít những người vì danh lợi đã lợi dụng tính chất lá cải này của báo chí để làm chiêu Pr cho bản thân, với hi vọng từ 1 người “vô danh” trở thành “quầng hào quang” trong mắt công chúng.

Quả thật trong bối cảnh hiện nay, với trình độ dân trí xã hội ngày càng cao, độc giả có nhiều điều kiện hơn để chắt lọc thông tin, có sự lựa chọn “kênh thông tin” cho riêng mình hơn. Điều cần thiết ở đây là 1 thái độ đúng đắn, 1 định hướng rõ ràng trong tư duy lựa chọn, 1 thái độ gay gắt với những cái xấu  để báo chí trở về với đúng giá trị chính nghĩa đích thực, để báo chí thực sự là báo chí!
 

Mắt Nâu
Tag: Báo lá cải , Trang thông tin điện tử , Tin hot , Chiêu câu khách , Truyền thông Việt Nam , Ngày báo chí , Văn hóa đọc