Bản quyền âm nhạc: Loạn cả lên
Thứ tư, 29/02/2012 10:29

“Cuộc chiến” bản quyền chưa bao giờ nóng lên như bây giờ khi Trung tâm Bảo hộ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam lên tiếng “tố” Cục Nghệ thuật Biểu diễn “tiếp tay” cho những vi phạm về bản quyền của các đơn vị tổ chức biểu diễn.

Ngược lại, Cục Nghệ thuật Biểu diễn “tố” trung tâm này nhập nhèm trong chuyện tiền nong khiến nghệ sĩ bức xúc... Luật pháp về quyền tác giả đã có đủ nhưng những người thực hiện cứ lờ đi

Tác giả đồng thanh kêu cứu

Chính sự xâm phạm bản quyền thường xuyên, rộng khắp và sự yếu kém trong việc bảo vệ của các cơ quan chức năng đã khiến các nhạc sĩ và nhà sản xuất âm nhạc không có nguồn thu nhập xứng đáng với công sức mà họ bỏ ra.

Hơn 30 nhạc sĩ đã có buổi họp mặt mới đây tại Hà Nội để “kể tội” các đơn vị tổ chức biểu diễn và nhà sản xuất chương trình băng đĩa ca nhạc phớt lờ nghĩa vụ tác quyền đối với tác giả khi sử dụng ca khúc của họ với mục đích kinh doanh mà không xin phép và thanh toán phí sử dụng.

Đối xử không công bằng

Nhạc sĩ Huy Thục gay gắt rằng không có tác phẩm của các nhạc sĩ thì nhà tổ chức lấy đâu ra tác phẩm để tổ chức biểu diễn? “Chúng tôi viết tác phẩm ra để phục vụ công chúng, nhà tổ chức biểu diễn thu tiền nhưng lại trốn tránh trách nhiệm với các nhạc sĩ là không được” - tác giả của Tiếng đàn Ta lư, Đợi... lên tiếng.

Tác giả của Biển khát, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, so sánh rằng trong một chương trình nghệ thuật, Văn Mai Hương, ca sĩ trẻ mới 17 tuổi đang học Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, dễ dàng kiếm được 55 triệu đồng cho 2 đêm diễn.

Trong khi đó, các tác giả có ca khúc được sử dụng chẳng ai có xu nào từ tiền tác quyền, cũng không được ai xin phép, như vậy là quá bất công. Tác giả là người sở hữu quyền tác giả của tác phẩm nên họ phải được hưởng quyền lợi một cách xứng đáng, thậm chí là quyền bán tác phẩm theo giá mình muốn.

Cũng bức xúc không kém, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng chính sự xâm phạm bản quyền thường xuyên, rộng khắp và sự yếu kém trong việc bảo vệ của các cơ quan chức năng đã khiến các nhạc sĩ và nhà sản xuất âm nhạc không có nguồn thu nhập xứng đáng với công sức mà họ bỏ ra.

Mặc sức vi phạm pháp luật

Ngay trong buổi gặp mặt của các nhạc sĩ này, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo hộ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam - Hội Nhạc sĩ Việt Nam, cho biết trong năm 2011, có tới 90% số chương trình biểu diễn ca nhạc không thực hiện nghĩa vụ về bản quyền, tức là không xin phép tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm và không trả phí sử dụng tác quyền theo luật định. Điều này cũng có nghĩa trung tâm mới chỉ thu được phí tác quyền của 1/10 số chương trình ca nhạc được tổ chức trong năm.


Live show Quang Lê-Minh Tuyết diễn ra tại Hải Phòng và Đà Nẵng. Đến nay, nhà tổ chức vẫn chưa thanh toán tiền tác quyền. Ảnh: C.T.V

Ông Phó Đức Phương khẳng định tình trạng vi phạm bản quyền nghiêm trọng này có sự “tiếp tay” của các cơ quan quản lý Nhà nước. Chính vì các cơ quan cấp phép biểu diễn sẵn sàng cấp phép cho các chương trình công diễn mà không quan tâm đến việc người sử dụng tác phẩm trong chương trình biểu diễn ấy có xin phép tác giả hay chủ sở hữu tác phẩm không đã khiến các đơn vị tổ chức biểu diễn phớt lờ nghĩa vụ về bản quyền với các nhạc sĩ theo quy định của luật pháp.

Trong bản kiến nghị vừa gửi tới Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Trung tâm Bảo hộ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam khẳng định: “Việc Cục Nghệ thuật Biểu diễn và một số sở văn hóa – thể thao và du lịch nhiều năm nay cấp giấy phép cho các cá nhân, đơn vị tổ chức biểu diễn mà không cần phải chứng minh đã được sự đồng ý của các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật”. Các nhạc sĩ, tác giả của ca từ cũng đã đồng ký tên trong bản kiến nghị này yêu cầu Cục Nghệ thuật Biểu diễn thực thi đúng luật, chỉ cấp phép cho các đơn vị tổ chức biểu diễn, sản xuất chương trình qua băng đĩa đã được sự đồng ý của họ.

Quy chế to hơn luật?

Cho đến nay, Cục Nghệ thuật Biểu diễn vẫn khẳng định họ hoàn toàn hành xử đúng luật vì quy chế về biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp do Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành năm 2004 (Quy chế 47) không quy định trong thủ tục đề nghị cấp phép công diễn, đơn vị tổ chức biểu diễn phải có hóa đơn chứng minh đã đóng tiền bản quyền. Do đó, cục chỉ có trách nhiệm nhắc nhở chứ không thể bắt họ thực hiện nghĩa vụ với các nhạc sĩ.

Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó trưởng Phòng Cấp phép Cục Nghệ thuật Biểu diễn, khẳng định cục quản lý nội dung, còn bản quyền thuộc về quan hệ dân sự. “Luật không yêu cầu đơn vị tổ chức phải có hóa đơn thanh toán tiền bản quyền trong hồ sơ xin cấp phép thì chúng tôi không bắt họ làm điều đó được. Nếu người tổ chức biểu diễn làm sai quy định về bản quyền thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật” - ông Nhân cho biết.

Cục Nghệ thuật Biểu diễn khẳng định họ luôn làm đúng luật. Tuy nhiên, điều đáng nói là Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 cùng nhiều văn bản pháp quy khác như Nghị định 61, Nghị định 75 quy định rất rõ về quyền tác giả và nghĩa vụ của người sử dụng bản quyền nhưng Cục Nghệ thuật Biểu diễn lại chỉ áp dụng Quy chế 47 - một văn bản dưới luật cần điều chỉnh bổ sung do có nhiều bất cập với tình hình thực tế trong giai đoạn hiện nay.

Theo một nhà chuyên môn về luật, Quy chế 47 không quy định phải kèm biên lai đóng tiền tác quyền trong hồ sơ xin phép công diễn, sản xuất chương trình không có nghĩa người sử dụng tác phẩm được quyền vi phạm quyền tác giả đã quy định trong luật và các nghị định trên nó. Đây là cách hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai của cơ quan quản lý chức năng để không chịu trách nhiệm khi cấp phép.

Chưa thực hiện theo luật

Khoản 3 điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định “Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng, biểu diễn tác phẩm trước công chúng phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả”.

Việc cho phép phải thể hiện bằng hình thức văn bản theo mẫu tại điều 48 luật này: “Hợp đồng sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan phải được lập thành văn bản gồm những nội dung chủ yếu sau đây: Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền; giá, phương thức thanh toán…

Các văn bản pháp quy khác như Nghị định 61, Nghị định 75 quy định rất rõ về nghĩa vụ bản quyền. Như vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước chỉ cần làm đúng quy định của pháp luật bằng cách kiểm tra hợp đồng sử dụng tác phẩm giữa tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm với đơn vị sử dụng tác phẩm trước khi cấp phép biểu diễn.

Báo Người lao động
Tag: Văn hóa - Xã hội , Bản quyền âm nhạc , Bản quyền , Trung tâm Bảo hộ quyền tác , Cục Nghệ thuật Biểu diễn