Bản án cho Lê Văn Luyện: Dư luận nói gì?

Bản án 18 năm tù dành cho sát nhân Lê Văn Luyện đã tạo ra những cảm xúc lẫn lộn bên lề phiên tòa.

Thẩm phán Thân Quốc Hùng: “Áp lực dư luận quá lớn!”

Sau ít phút tuyên án, trên khuôn mặt Thẩm phán Thân Quốc Hùng vẫn đọng lại những giọt mồ hôi vì “sức nóng” của phiên tòa. Ông Hùng cho biết, thực ra đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, điều lo ngại nhất là những bức xúc của nhân dân. Tuy nhiên, do có sự chuẩn bị trước và phối hợp với các đơn vị chức năng, đặc biệt là công tác bảo vệ tòa, nên mọi vấn đề được kiểm soát.

“Với một phiên tòa xét xử khá nhiều bức xúc và áp lực trong 2 ngày qua, thì hướng xử lý phải mềm mỏng, linh hoạt để giảm áp lực, nhưng vẫn phải nằm trong khuôn khổ cho phép. Trong vụ án này gia đình bị hại có rất nhiều yêu cầu, nhưng nằm ngoài quy định của pháp luật, nên tòa án không thể chấp nhận được” – ông Hùng chia sẻ.

Lê Văn Luyện bị tuyên án 18 năm tù giam

Cụ thể, trong vụ án Luyện gây tội ác chưa đủ 18 tuổi, vì vậy phải căn cứ vào các khung hình phạt đã quy định. Tòa án cũng khôg thể làm khác. “Hành vi của Luyện và các bị cáo đã rõ ràng, nên diễn biến phiên tòa kết thúc nhanh càng tốt, để khép lại nỗi đau cho gia đình bị hại” – ông Hùng giải thích.

Về việc cô chú của Luyện thật đáng thương do không khai báo, che giấu tội ác của Luyện, ông Hùng cho rằng: Đã là vi phạm thì đều bị xử lý nghiêm, để răn đe, làm gương cho các đối tượng khác. Bởi hành vi của những người che giấu tội phạm, đã làm cản trở quá trình điều tra tìm ra thủ phạm.

“Tôi đã từng xét xử nhiều vụ án liên quan đến các đối tượng trẻ vị thành niên, nhưng đây là vụ án có quá nhiều áp lực dư luận. Tuy nhiên, theo Bộ luật Hình sự từ năm 1985, TAND chưa xử trẻ vị thành niên mức án tù Chung thân hoặc Tử hình” – ông Hùng nói.

LS Phạm Văn Huỳnh: “Tội ác của Luyện đi ngược với xã hội”

Chia sẻ quan điểm với phóng viên, ông Phạm Văn Huỳnh – đại diện hợp cho gia đình bị hại không bất ngờ về bản án. Tuy nhiên theo ông, mục đích cuối cùng của gia đình bị hại là Tòa không để lọt người, lọt tội. Bên cạnh đó, cần xem xét việc Luyện đã thực hiện hành vi “giết bằng chết, giết bằng hết”. Cháu Bích sống sót là ngoài mong muốn của bị cáo. Bản thân Luyện “không còn tính người, lương tri”.

“Từ khi nhận trách nhiệm bảo vệ miễn phí cho gia đình nạn nhân trong vụ án này, qua tiếp xúc, tôi thấy họ mất mát quá nhiều. Khi tòa tuyên án Luyện nhận 18 năm tù, nỗi bức xúc càng chất chồng trong họ. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn động viên, chia sẻ với những gì họ đã đang gánh chịu và giải thích để họ hiểu rằng, sống trong pháp luật thì phải chấp hành theo đúng pháp luật” – ông Huỳnh giãi bày.

Đề cập việc Viện kiểm sát không thừa nhận sai sót trong việc thực nghiệm hiện trường, LS. Huỳnh cho rằng: Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang vi phạm Luật tố tụng, là phải có bị can, bị cáo, gia đình bị hại, nhân chứng, thậm chí có cả luật sư các bên, nhất là vụ án nghiêm trọng thì cần phải thực hiện theo đúng quy trình, để đảm bảo tính khách quan. Nhưng chúng tôi không nhận được bất cứ thông báo nào từ Viện kiểm sát!

Ông Huỳnh nghi vấn về hành vi của Lê Văn Luyện, bởi một người chưa đủ tuổi vị thành niên không thể thực hiện hành vi giết người một cách tinh vi, tinh xảo như thế. Đặc biệt, 2 bé con chủ tiệm vàng không có khả năng tự vệ, nhưng Luyện vẫn ra tay. “Sau bản án này, nếu gia đình bị hại yêu cầu kháng cáo, tôi sẽ bổ sung yêu cầu điều tra lại tuổi của Lê Văn Luyện” – ông Huỳnh nhấn mạnh.

Trả lời phóng viên rằng ông có cảm nhận gì khi “giáp mặt” “sát thủ” Lê Văn Luyện, ông Huỳnh tâm sự: “Tôi thấy Luyện là một người lạnh lùng. Trong cuộc đời làm nghề, gặp không ít tội phạm đứng trước vành móng ngựa run sợ khi Tòa tuyên án, nhưng với Luyện điều đó quá xa xỉ. Ngay cả lúc nói lời xin lỗi gia đình nạn nhân, Luyện vẫn lạnh lùng trong từng câu nói. Đặc biệt, với những tội ác Luyện gây ra, đi ngược với xã hội”.

Gia đình bị hại: Luyện không thể một mình sát hại cả gia đình Ngọc Bích

Ngay từ khi phiên tòa sơ thẩm xét xử Lê Văn Luyện và các bị cáo liên quan trong vụ cướp tiệm vàng Ngọc Bích, rất nhiều người thân và gia đình nạn nhân và người dân đã có mặt tại cổng TAND tỉnh từ tờ mờ sáng.

Không ít người còn dành một phút mặc niệm, khóc thương cho những nạn nhân xấu số, đồng thời lên án quyết liệt hành vi giết người man rợ của Lê Văn Luyện. Ngay cả khi Tòa tuyên án “sát thủ” Luyện nhận hình phạt 18 năm tù giam, thì những bức xúc của gia đình nạn nhân càng thêm phẫn nộ.

Ông Tín (bố nạn nhân Trịnh Thành Ngọc) khi nghe xong quyết định tuyên án của Tòa, đã rất bức xúc: “Tôi không chấp nhận bản án này. Tôi sẽ viết đơn kháng cáo lên tòa Phúc thẩm. Theo lập luận của ông Tín, bị cáo Luyện không thể có “3 đầu 6 tay”, cũng không thể một mình ra tay sát hại cả gia đình tiệm vàng Ngọc Bích được. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ điều tra lại, vì một số tình tiết chưa làm sáng tỏ".

Người Bắc Giang “đòi” sửa luật

Chị Thảo – người dân TP Bắc Giang, đứng bên ngoài cổng TAND hàng giờ đồng hồ để lắng nghe từng lời của Thẩm phán Thân Quốc Hùng tuyên án về “sát thủ” Lê Văn Luyện và các bị cáo liên quan. Theo chị, Luyện phải nhận tử hình thì mới là đích đáng, vì tội ác mà Luyện gây ra quá tàn bạo, dã man.

“Không những giết nhiều người, chiếm đoạt tại sản, Luyện còn giết cả trẻ em – tội đấy trời đất không thể dung tha” – Chị Thảo bức xúc.

Đồng tình quan điểm, chị Lê -  người dân tham dự phiên tòa cho biết, đứng ở tòa, nhìn di ảnh của đứa bé mới 18 tháng tuổi, khiến không ít người rớt nước mắt xót thương. Trong khi đó, Luyện vẫn bình thản.

Còn anh Đức, người dân sống ở đường Hoàng Văn Thụ, sát với TAND tỉnh cho biết: "Dù theo dõi phiên xét xử qua hệ thống âm thanh phía ngoài cổng tòa, nhưng khi nghe đại diện Viện kiểm sát đọc bản cáo trạng về tội ác của Lê Văn Luyện, tôi rùng mình khiếp sợ. Một thanh niên chưa tròn 18 tuổi, mà giết người man rợ, thì không thể chấp nhận được!”./.