Tập trung vào 3 nhóm hàng chủ lực
Năm 2011, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt xấp xỉ 25 tỷ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, có 4 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD là thủy sản (6,1 tỷ USD), gỗ và lâm sản (4,1 tỷ USD), gạo (3,7 tỷ USD) và cao su (3,3 tỷ USD). Với mức xuất siêu 9,2 tỷ USD, nông sản xuất khẩu của Việt Nam đã viết tiếp kỳ tích, góp phần giảm nhập siêu của cả nước.
Sản xuất bội thu, cộng với giá nông sản thế giới tăng mạnh đã khiến xuất khẩu nông - lâm - thủy sản của Việt Nam có một năm thắng lợi kép. Dù đa phần khối lượng các mặt hàng xuất khẩu đều tăng rất ít, thậm chí giảm nhẹ, song kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng mạnh.
Nhận định về thách thức đối với ngành nông nghiệp trong năm 2012, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, năm 2012, sản xuất nông nghiệp, cũng như thị trường tiêu thụ nông sản sẽ gặp nhiều khó khăn, do kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu cải thiện. “Năm 2012, ngành đặt mục tiêu xuất khẩu nông - lâm - thủy hải sản đạt 25,5 - 26 tỷ USD, tăng 4-4,5% so với năm 2011”, ông Phát nói và cho biết, một thách thức nữa của ngành nông nghiệp là giá trị gia tăng chưa cao.
Trước những thách thức này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có phương án tái cơ cấu ngành trong những năm tới. Theo đó, ngành sẽ tập trung vào 3 sản phẩm chủ lực, gồm thủy sản, chăn nuôi và lâm nghiệp. Trong từng lĩnh vực, sẽ tìm ra cây, con có lợi thế, giá trị gia tăng cao nhất, để tập trung đầu tư, áp dụng khoa học - kỹ thuật, hệ thống tiêu chuẩn có xác nhận, để nâng giá bán, gia tăng giá trị xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần khẳng định, trước những khó khăn của thị trường tiêu thụ nông sản năm 2012, ngành sẽ nỗ lực bằng mọi cách phát triển sản xuất các sản phẩm chủ lực theo hướng nâng cao giá trị, kim ngạch xuất khẩu, không chạy theo sản lượng, gắn liên kết nông dân với doanh nghiệp.
“Ba lĩnh vực còn nhiều dư địa, tiềm năng phát triển nhất là thủy sản, chăn nuôi và lâm nghiệp. Trong ngành thủy sản, chúng tôi xác định các sản phẩm chủ lực là tôm, cá tra, ba sa. Về tôm, sản lượng có thể tăng thêm; còn cá tra, ba sa sẽ giữ nguyên sản lượng, dù có khả năng tăng gấp đôi so với hiện nay. Lý do là, nếu tăng lên, cung vượt cầu, thì cá tra, ba sa Việt Nam sẽ bị ép giá, không có lợi cho người nông dân. Trong chăn nuôi, chúng tôi sẽ tổ chức lại mô hình sản xuất theo kiểu liên kết chuỗi trong sản xuất, gắn trực tiếp trách nhiệm của doanh nghiệp với nông dân”, ông Tần cho biết.
Lập đề án về thị trường Trung Quốc
Năm 2012, thị trường xuất khẩu chung của nông sản Việt Nam được dự báo là sẽ khó khăn. Tuy nhiên, vẫn có một điểm sáng nổi lên là thị trường Trung Quốc.
Bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lạng Sơn khẳng định: “Ba tháng mùa đông, toàn miền Bắc Trung Quốc gặp khó khăn với rau sạch. Còn ở miền Nam, du lịch Trung Quốc phát triển với tốc độ chóng mặt, kéo theo nhu cầu lương thực, thực phẩm tăng mạnh trong những tháng cuối năm 2011. Đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức với ngành nông nghiệp Việt Nam, vốn được thời tiết hết sức ủng hộ”. Cũng theo bà Nhàn, vướng mắc lớn nhất của ngành nông nghiệp là chưa có hệ thống kho bãi, bảo quản nông sản ở vùng biên.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng lưu ý Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặc biệt chú ý đến Trung Quốc - thị trường mới nổi về tiêu thụ nông sản của Việt Nam, sớm nghiên cứu xây dựng chương trình, đề án xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự định xây dựng một trung tâm giới thiệu sản phẩm nông sản Việt Nam tại Quảng Châu và Quảng Tây với kinh phí thấp để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường./.