Tôi tự nhận mình đã hình thành và tồn tại thói quen không tốt đó vì xuất phát từ bản chất của các cuộc họp mà tôi từng tham gia.
Mời họp 8g, 8g30 mới đủ khoảng 80% số người được mời. Còn nhân vật quan trọng nhất của cuộc họp thì sớm nhất cũng phải 9g mới tới kèm theo vô vàn lý do thanh minh rất hợp lý. Vậy thì một giờ quý báu đó, bạn sẽ làm gì?
Vào họp, 80% thời gian những người dự họp sẽ ngồi nghe nhân vật quan trọng diễn thuyết, từ vi mô đến vĩ mô, từ chung chung đến... chung chung. Tập trung lắm thì tôi nghe được 10-15 phút là nhiều, thời gian còn lại sẽ làm gì nhỉ?
Một kiểu họp nữa, sau khi dài cổ chờ đợi, nhân vật quan trọng nhất rồi cũng đã đến. Sau phần long trọng giới thiệu của chủ tọa, nhân vật quan trọng này chỉ vội vã nói trong một thời gian ngắn, rồi nhẹ nhàng ra đi sau khi để lại lời xin lỗi, đại ý: tôi bận quá, ngay sau đây tôi lại phải tham dự một cuộc họp quan trọng khác nữa rồi.
Thế nhưng, một cuộc họp gần đây đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc. Cơ quan chủ quản của tôi ở Hà Nội họp giao ban tháng. Trước cuộc họp một thời gian ngắn, tôi mới biết sẽ có một thứ trưởng của bộ xuống tham dự. Nghĩ thứ trưởng thì bận trăm công ngàn việc, chắc chỉ tham gia chút chút để động viên anh em nên không cần chuẩn bị gì đâu, tôi rúc đầu ngay vào chăn ấm, tranh thủ ngủ sớm để trốn cái lạnh của Hà Nội.
Mời họp 9g, anh em tập trung được hơn một nửa. 9g05, ông thứ trưởng đã có mặt. Anh em gọi nhau tán loạn. 9g15, khai mạc. Tôi lăm lăm cái điện thoại để tranh thủ vào trang web quen thuộc - khi bài diễn văn của ông thứ trưởng bắt đầu. Nhưng không, sau khi được giới thiệu, ông nhã nhặn đề nghị mọi người phát biểu những khúc mắc, tâm tư, nguyện vọng của mình và ông sẽ lắng nghe.
Mọi người nhìn nhau, ánh mắt hơi ngỡ ngàng. Người đầu tiên rụt rè phát biểu, ông chăm chú lắng nghe, hỏi những gì còn chưa rõ và ghi chép lại. Đến phần mình, do không có sự chuẩn bị chu đáo từ trước nên tôi trình bày lộn xộn, rườm rà, lòng vòng lắm thì phải. Nhưng do những bức xúc, những khó khăn trong công việc phải đối mặt hằng ngày nên những tâm tư, nguyện vọng của tôi cứ tự động tuôn trào, ông vẫn chăm chú lắng nghe, ghi chép. Thừa thắng xông lên, anh em phát biểu sau tôi tuôn trào còn hơn thế nữa, ông vẫn điềm tĩnh lắng nghe. Gần 13g, chủ tọa xin tạm dừng để ăn trưa, ông có ý kiến cứ để anh em phát biểu hết đã.
Gần 14g, sau khi tất cả mọi người tham dự không sót một ai đều đã phát biểu hết, ông mới chậm rãi phát biểu, giải đáp ngay những gì có thể được và đề ra cách giải quyết những gì còn tồn đọng. Cuối cùng, ông hỏi mọi người còn ý kiến gì nữa không rồi xin phép ra về. Cơm dẻo, canh ngọt đã chuẩn bị sẵn sàng ngay phòng bên cạnh, nhưng lúc này phong thái của ông thay đổi hẳn, coi bộ vội vã lắm sau khi nhìn đồng hồ rồi kiên quyết rút lui - trái ngược với phong thái ung dung, nhàn tản của người không bị thúc ép bởi thời gian của ông trong suốt cuộc họp.
Sau này tôi nghe kể lại ông thường xuyên dùng thức ăn nhanh mua đâu đó dọc đường ngay trong ôtô trên đường di chuyển.
Hôm đó, tôi có một nỗi buồn là không đọc được báo, không lướt được net trong khi họp, nhưng có một niềm vui khôn tả, một niềm hi vọng vì lần đầu tiên trong cuộc đời công chức, ý kiến nhỏ nhoi của mình đã được một ông sếp - mà lại là sếp to - lắng nghe.