Chúng tôi may mắn được nếm những món ăn độc đáo, hấp dẫn của người Sán Dìu trong những ngày đầu năm mới 2013.
Bánh bạc đầu vừa nặn vừa ăn
Người bán bánh bạc đầu trên 50 tuổi, ngồi ở cổng chợ Hạ Long I không phải là người Sán Dìu. Mọi công thức bánh bà có được nhờ một người Sán Dìu từng bán lâu năm món bánh này trong thành phố truyền lại. Bà cho biết do bánh được phủ ngoài một lớp bột trắng, nên gọi là “bạc đầu” cho dễ nhớ.
Bánh được làm từ bột nếp được xay mịn, nhào dẻo rồi luộc cho đến khi từng khối bột nổi lên trong nồi nước sôi. Nhân bánh gồm có lạc (đậu phộng), vừng (mè) rang thơm, giã nhỏ, trộn đều cùng đường cát trắng.
Ngắt từng miếng bột nhỏ, nặn cho dẹt, nhồi nhân vào giữa, xoa một lớp bột đã được rang chín bên ngoài, thế là có thể ăn ngon lành.
Bà bán hàng luôn tay vừa nặn bánh bạc đầu, vừa gói bánh vào túi cho những người khách mua mang về. Món bánh bạc đầu ăn ngọt man mát, không béo ngậy do chỉ được làm từ bột nếp luộc chín nên người già cũng thích mà trẻ em cũng mê.
Bánh bạc đầu làm đơn giản, ngày tôi 5 tuổi, trong những ngày nhàn rỗi, bà nội tôi cũng hay làm bánh chiêu đãi các cháu. Một ngày năm mới gió thổi vun vút, ngồi quanh bếp lò mà cắn một miếng bánh bạc đầu, thơm mùi đường cát, lạc vừng, thấy được gần gia đình là hạnh phúc lớn lao nhất.
Bánh tày nồng ệp dẻo thơm vị gừng
Tết Dương lịch này tôi may mắn được ăn bánh tày nồng ệp, món ăn truyền thống của người Sán Dìu.
Bánh tày nồng ệp dẻo thơm với cái tên lạ lẫm - Ảnh: Thúy Hằng
Từ nhiều năm nay, những ngày rằm, mồng 1 hay lễ tết, bác tôi thường có thói quen làm bánh này để dâng lên bàn thờ tổ tiên.
Bác nói món bánh có tên vừa dài, vừa lạ được người Sán Dìu làm trong những ngày truyền thống, thờ cúng. Món bánh hình tròn, tượng trưng cho trời, cho con cháu những bài học giá trị của hạt gạo với đời sống của con người.
Để làm bánh tày nồng ệp thì cầu kỳ lắm, bột nếp 7 phần, bột tẻ 3 phần, nước cốt củ gừng, lạc rang giòn tách đôi, đường phên nấu cho chảy, tất cả ngần ấy nguyên liệu được trộn đều với nhau. Cái khéo của người làm bánh là sao cho nước đường phên hòa với bột đến đủ độ dẻo quánh, không khô quá mà cũng không vón cục.
Bột được đổ vào khuôn, dưới lót một lần lá chuối, rồi cho lên xửng hấp. Đến khi lấy chiếc đũa, xiên thử vào khuôn bột mà đầu đũa không bị bột dính nữa thì bánh đã chín. Treo bánh lên cao cho ráo nước, ít nhất ngày hôm sau mới ăn thì bánh rất thơm ngon.
Một chiều đông rét đậm đà, xúm xít quanh gian bếp xem bác tôi đổ bánh tày nồng ệp, háo hức giây phút được cắn thử một miếng bánh cay cay, thơm lừng mùi gừng, tôi đã thấy năm mới sớm về đến cửa...
Bà nội tôi nói đồng bào Sán Dìu ngày nay di cư về thành phố Hạ Long rất đông. Họ ăn mặc như người Kinh, buôn bán hàng hóa, hải sản nhanh nhẹn không kém gì những người bản địa. Đây cũng chính là tộc người ăn Tết Đông Chí (ngày 21.12) hàng năm rất to với món bánh bạc đầu, bánh tày nồng ệp và tục lệ mỗi nhà trồng một giàn bầu, giàn bí (mong con cháu đông đúc như bầu, bí).
Chúng tôi chưa có dịp được trò chuyện cùng một người Sán Dìu chính gốc, nhưng được nếm thử những chiếc bánh của họ trong ngày đầu năm mới, cũng đủ thấy bao nhiêu ý nghĩa họ gửi gắm, ẩn sâu trong món ăn truyền thống!