Ngày 14/7, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa nhiễm-thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM - cho biết, bệnh viện tiếp nhận một bé trai 10 tuổi (ngụ Cà Mau) vào chiều 11/7 trong tình trạng nhức đầu, hôn mê. Trước đó, em được điều trị viêm màng não tại một bệnh viện ở Cà Mau.
Bé trai 10 tuổi bị hôn mê do ăn phải ốc sên dẫn đến nhiễm sán
Agiostrongylus gây viêm màng não. Ảnh: Quốc Ngọc
Qua bệnh cảnh và kết quả xét nghiệm máu, nước xương sống cho thấy, bé trai này bị nhiễm Agiostrongylus - một loại sán ký sinh trên ốc sên (hay ốc ma) - gây viêm màng não. Cha của em cho biết, cách thời điểm nhập viện hơn 1 tuần, em cùng nhóm trẻ trong xóm đi bắt ốc sên về nướng ăn.
Theo bác sĩ Khanh, ốc sên là loại bò dưới đất, nên thường nhiễm rất nhiều loại giun sán. Trong đó, nguy hiểm hơn cả là loài sán Agiostrongylus nói trên. Nếu không được chế biến kỹ, loài sán này vẫn còn bám trong thịt ốc sên. Khi ăn vào cơ thể, nó có thể di chuyển thẳng lên não, gây viêm màng não như trường bé trai này.
Nếu cơ sở y tế không có kinh nghiệm điều trị các trường hợp viêm màng não do sán Agiostrongylus gây ra mà áp dụng các biện pháp điều trị viêm màng não thông thường, bệnh nhân có thể tử vong hoặc để lại các di chứng não nặng nề. Trường hợp bé trai ở Cà Mau đã được Bệnh viện Nhi đồng 1 phát hiện sán và điều trị đúng cách. Hiện sức khỏe em đã ổn định, tỉnh táo.
Trung bình mỗi năm, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận khoảng 30 trẻ bị nhiễm sán Agiostrongylus dẫn đến viêm màng não. Đặc biệt, số lượng trẻ nhập viện tập trung cao trong mùa hè và đa số trẻ đến từ nông thôn.
Bác sĩ Khanh lưu ý thêm, vào thời điểm đang nghỉ hè, trẻ ở các vùng quê thường hay tập trung vui chơi, bắt các con vật lạ để ăn, trong đó có ốc sên. Phụ huynh nên chú ý theo dõi, dặn dò trẻ. Bên cạnh đó, hiện tồn tại một quan niệm nguy hiểm là người lớn bắt ốc sên, chắt nhớt ra để giúp trẻ bớt hen suyễn, hoặc cho rằng có tác dụng dưỡng da với người lớn. Tuy nhiên, theo bác sĩ Khanh, hiện chưa có chứng minh khoa học nào khẳng định các tác dụng đó của nước nhớt ốc sên.