Học kiến trúc, ra trường, Nguyễn Tùng Dương và Vì Thị Thu Trang (đều sinh năm 1991) không chật vật để tìm được việc làm. Đầu quân cho các công ty kiến trúc từ thời sinh viên, Dương và Trang đều có kinh nghiệm chuyên môn và được nhiều công ty chào đón khi ra trường. Nhưng cuối cùng, cả hai rẽ ngang, kinh doanh quán cà phê…
Không lãng phí tuổi trẻ
9x Nguyễn Tùng Dương già dặn và chững chạc so với lứa tuổi. Với Dương, cuộc sống là một hành trình. Những gì đề ra và đạt được không phải là đích mà là chặng đường để khám phá bản thân.
“Thi đỗ đại học, với bố mẹ, đó là chiến tích của con trai. Còn với tôi, đó là trải nghiệm mới để hiểu chính mình”. Lớp 12, Dương không biết nên chọn ngành nào, thi trường gì. Theo định hướng gia đình, cậu chọn khoa kiến trúc của Viện đại học Mở (Hà Nội), nối nghiệp anh trai. “Tôi thích vẽ từ nhỏ. Tôi nghĩ học kiến trúc mình tiếp tục được vẽ”, Dương chia sẻ. Năm thứ hai đại học, Dương bắt đầu đi làm cho các công ty kiến trúc. Nguồn thu từ công việc làm thêm đủ để Dương trang trải chi phí sinh hoạt và học hành.
Vì Thị Thu Trang - bạn thân và là bạn cùng lớp với Nguyễn Tùng Dương cũng đi làm từ thời sinh viên. Sau 3 năm gắn bó với một công ty kiến trúc, cô nhận ra khả năng của mình chưa phù hợp với công việc của người thiết kế. “Ba năm, tôi lăng xăng và quẩn quanh làm những việc phụ, ngoài rìa của một bản thiết kế. Trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo của người làm nghề ở tôi chưa đủ mạnh để tôi tự tin theo nghề”.
Cả hai đều không tìm thấy sự hứng thú trong công việc. “Suốt quãng thời gian sinh viên và một năm sau ngày ra trường, tôi nhận ra mình làm việc như 1 thói quen được lập trình sẵn, không tìm thấy sự thú vị, không thấy mình trưởng thành thêm. Tôi tự hỏi sao mình không thay đổi? Cứ thế này thì lãng phí tuổi trẻ của mình quá!”, Dương cho biết.
Thu Trang quyết định nghỉ việc vì muốn 1 khoảng lặng định hình lại chính mình. Ngay khi con gái nghỉ việc, bố mẹ Trang bằng các mối quan hệ, hướng cô đến những công việc ổn định trong cơ quan nhà nước. Nhưng Trang cương quyết từ chối: “Tôi chỉ muốn nhận về mình những gì thật sự xứng đáng. Nếu không phù hợp, không yêu thích thì rõ ràng đi làm chỉ mang tính đối phó. Đi làm cốt chỉ ngày ngày đến công sở, tháng tháng nhận lương mà không có sự say mê, không hết mình với công việc thì đó là kiểu sống hời hợt, mờ nhạt. Tôi không thích thế”.
Với Dương và Trang, khi còn trẻ, trải nghiệm và khám phá bản thân quan trọng hơn chuyện kiếm được nhiều tiền. Cả hai nghỉ việc, quyết định mở quán cà phê.
Trải nghiệm mang tên Limmax
Đôi bạn đều không nhận được sự đồng thuận của gia đình với quyết định này. Bố mẹ Dương nghĩ Dương trẻ con, bồng bột. Bố mẹ Trang thì muốn con gái ổn định công việc rồi lập gia đình. Bạn bè, một số cho rằng cả hai lãng mạn và liều lĩnh. Bỏ ngoài tai tất cả, Dương và Trang quyết chon hướng đi riêng bằng cách tạo lập quán cà phê Limmax. Dương thẳng thắn: “Sao phải bận tâm mọi người nói gì về mình khi mọi người không phải là mình? Tôi tự chịu trách nhiệm về chính những gì tôi làm”.
Cả hai mơ về một quán cà phê độc đáo của Hà Nội. Trang muốn quán tích hợp được mô hình xưởng vẽ để sinh viên ngành mỹ thuật, kiến trúc có thể đến gặp gỡ, trao đổi nghiệp vụ. Dương muốn đó là không gian trưng bày những bức tranh mình và bạn bè vẽ, là nơi cậu có thể biểu diễn âm nhạc (Dương chơi trống và ghita cho một ban nhạc học sinh sinh viên).
Một góc không gian tranh của Limmax.
Nhưng mọi chuyện phức tạp hơn suy nghĩ của đôi bạn. Tiềm lực kinh tế không mạnh, cả hai không thuê được những không gian rộng lớn để có thể tích hợp mô hình xưởng vẽ, tạo một sân khấu riêng biệt cho âm nhạc. Số tiền tiết kiệm cộng thêm các khoản vay bạn bè, Dương và Trang chỉ thuê được tầng 4 với diện tích khoảng 50m2 trong một tòa nhà 6 tầng ở Cửa Nam. Tòa nhà là một chuỗi cửa hàng cà phê của nhiều chủ khác nhau.
Không có kinh nghiệm trong kinh doanh, quản lí, thời gian đầu cả hai không biết phải làm gì trước, sắp xếp công việc như thế nào. “Sau khi thuê được địa điểm, những việc kế tiếp nhiều và mới mẻ đến mức chúng tôi không biết phải bắt đầu từ đâu. Nhiều khi cả hai rơi vào tình trạng stress. Bất đồng nảy sinh, hai đứa chành chọe, tị nạnh nhau vì đủ chuyện linh tinh phát sinh trong quá trình làm”, Trang kể.
Cả hai phải cùng ngồi lại, phân chia công việc rõ ràng. Dương chịu trách nhiệm thiết kế, nội thất của quán. Còn Trang phụ trách phần dịch vụ.
Trong một không gian hẹp, chỉ khoảng 50m2, Dương và Trang phát huy nội lực là kiến thức chuyên ngành: tự thiết kế, bài trí quán. Cá tính của Limmax được định hình bởi những bức tranh do chính chủ quán hoặc bạn bè vẽ, và một sân khấu âm nhạc ngay giữa phòng. Trang chú trọng chất lượng đồ uống, thuê người về làm và mày mò học cách pha chế.
Đến nay Limmax hoạt động được 3 tháng. Quán cà phê nhỏ bé này dần tạo được vị thế và thu hút nhiều khách hàng, đặc biệt là giới trẻ bởi không gian tranh mới lạ và những đêm nhạc sống động. Số tiền thu về tiếp tục được tái đầu tư cho các hoạt động khác của quán. Cả hai đều mơ về một không gian Limmax rộng lớn, tích hợp được xưởng tranh và một sân khấu âm nhạc bề thế hơn trong tương lai.
Những buổi biểu diễn âm nhạc của Limmax.
Limmax với Trang và Dương không chỉ là nơi khởi nghiệp kiếm tiền mà còn là nơi cả hai được thể hiện, trải nghiệm và khám phá bản thân. “Tôi không dám nói trước tương lai. Con đường nào ta đi cũng sẽ có chông gai. Nhưng tôi hiểu mình phải tin vào chính mình thì người khác mới tin mình”, Dương nói.
Còn Trang thì khảng khái: “Tôi không sợ thất bại. Người thành công chẳng qua là người đã từng thất bại và biết đứng lên từ thất bại đó”.
Tên quán được đặt theo một thuật ngữ toán học: Limmax, nghĩa là giới hạn lớn nhất. Chủ quán 9X tâm niệm mọi cái họ làm đều phải hết mình, đều phải chạm đến giới hạn lớn nhất của khả năng.