'Nữ tướng' chạy xe ôm lấy tiền làm từ thiện
Thứ hai, 15/12/2014 08:00

Thức dậy từ 3h sáng để nấu cơm chay, sáng chạy xe ôm, xế trưa đi phụ bán quán cơm trường học. Chị làm tất cả để kiếm tiền. Nhưng số tiền đó chị để dành cho bệnh viện.

Chị Lan (trái) và mọi người đang tất bật chuẩn bị cơm cho bệnh nhân nghèo.

Chị Lan (trái) và mọi người đang tất bật chuẩn bị cơm cho bệnh nhân nghèo.

Làm việc  nghĩa phải làm cho hết mình

Chị Phạm Thị Hồng Lan 46 tuổi, nhà ở đường Phan Huy Ích, Q.Tân Bình, TP.HCM. Dáng người chị Lan nhỏ nhắn, nhanh nhẹn. Chị nổi tiếng ở khu phố vì làm nhiều nghề, chỗ nào có việc là có mặt chị nên lúc nào cụng bận rộn. Sáng sớm, chị chạy hai cuốc xe ôm đưa hai cháu nhỏ trong khu phố đi học. Sau đó, chị ghé Trường THCS Hoàng Hoa Thám cách nhà vài cây số, phụ chạy bàn trong căng tin. Đến trưa chị lại phóng xe đi đón các cháu học sinh theo đặt hàng của phụ huynh. Với công việc xe ôm này, mỗi ngày chị kiếm được hơn một trăm nghìn đồng. “Mình làm xe ôm nhưng không đứng bến. Ai gọi chở đi đâu thì mình chở đi đó. Làm việc gì cũng được, miễn có thêm tiền giúp bà con là mình mừng”, chị cười nói.

Hôm chúng tôi đến, chị cùng nhóm thiện nguyện tất bật chuẩn bị cơm, sữa, bánh mì… để đưa vào Bệnh viện Nguyễn Trãi phát cho bà con nghèo được mổ mắt miễn phí. Chị xởi lởi: “Bệnh viện lo mổ mắt, bọn mình lo cơm nước. Phải giúp bà con no bụng mới chữa bệnh được chứ”. Bệnh nhân mổ mắt hôm ấy là những người già đến từ Bến Tre. Chị cùng nhóm từ thiện phải thức dậy từ 3h sáng chuẩn bị. Giữa trưa, người phụ nữ nhỏ thó thoăn thoắt trong khuôn viên bệnh viện, khi phát quà, lúc múc cơm canh. Thấy cụ già vừa mổ mắt ngồi một mình trên ghế đá, có vẻ không có người thân đi cùng, chị cầm hộp cơm tới vừa nhẹ nhàng vừa lễ phép: “Dì ăn chút cơm cho có sức. Cơm con nấu đó. Con đút cho dì ăn nha”. Cụ bà nhận hộp cơm, từ tay chị Lan nói cảm ơn và có thể tự ăn được. Tôi thấy chị ngồi cạnh, chăm chú nhìn cụ ăn từng miếng cơm nhỏ. Thỉnh thoảng, đôi tay nhỏ nhắn của chị vỗ vỗ, vuốt nhẹ trên tấm lưng cụ  bà, như thế đó là mẹ chị.

Chị Lan kể, một lần chị vào BV Ung bướu thì thấy các bệnh nhân ở tỉnh đến điều trị dài ngày mà không đủ tiền ăn, chị xót xa và nảy ra ý tưởng nấu cơm phát cho họ. Vậy là từ năm 2011 đến nay, đều đặn mỗi tuần hai lần, nhóm của chị phát cơm ở các bệnh viện. “Đi hầu hết các bệnh viện trong thành phố nên ở đâu người ta cũng quen mặt. Giờ không vào bệnh viện là chị không chịu được đâu. Nhớ lắm!”, chị nói.

Mỗi lần người bệnh được ăn no, tinh thần thoải mái là chị thấy hạnh phúc, thấy cuộc đời nhiều ý nghĩa. Bởi vậy, dù là cơm hộp, cháo hộp nhưng chị nấu bằng cả tấm lòng. Sau buổi phát cơm, còn một vài hộp cơm dư lại, chị cùng nhóm từ thiện chia nhau mỗi người mỗi hộp, ngồi ăn trong khuôn viên bệnh viện. Chị kéo tay tôi ngồi xuống ăn cùng. “Em ăn với chị cho vui. Gắng ăn cho hết nha. Ở bệnh viện bà con mình nhiều người không có cơm mà ăn. Mình bỏ phí tội lắm”, chị xúc động.

Nhờ sự giúp đỡ của các thành viên nhóm thiện nguyện cùng bà con trong khu phố, chị Lan đã mở được quán cơm chay 3.000 đồng. Quán đã hoạt động được hơn một tháng nay, bán vào các ngày lẻ, chủ yếu phục vụ bà con nghèo, người lang thang, bán vé số. Có quán cơm, chị phải thức dậy từ 3h sáng để đi chợ, nấu nướng. Hôm nào quán cơm mở cửa trùng với lịch vào bệnh viện, chị bận tối mắt. Có khi một ngày chỉ được ngủ 3 tiếng đồng hồ. Chị bảo, làm nhiều việc nên cũng mệt. Nhưng chỉ cần tấm lòng mình đến được với nhiều người là chị vui lắm, thấy cơ thể khoẻ hơn nhiều. “Làm phước cho người khác phải từ trái tim mình. Việc lớn hay nhỏ mà có ý nghĩa là tốt rồi. Mình phải thương người khác thì người khác mới thương mình”, chị tâm sự.

Thi thoảng, đọc báo thấy hoàn cảnh nào đó thương tâm, chị phóng xe tìm đến. Đi phát áo, đi xây cầu, xa mấy chị cũng chưa bao giờ vắng mặt. Chị vào Bệnh viện ĐH Y Dược, thấy lễ tôn vinh người hiến xác, khóc vì xúc động xong chị đăng ký hiến xác luôn rồi mới về xin ý kiến ông xã. Chị quan niệm: “Cuộc sống ngắn ngủi lắm, đua chen ích kỷ làm gì cho mệt. Có khi cho đi mới có được thanh thản”.

“Xã hội vẫn còn bao nhiêu người nghèo khổ đang chờ mình giúp”

Chị Lan quê gốc ở Q.8, TP.HCM, lúc nhỏ cũng bươn chải lam lũ nhiều. Chị cho biết, khi còn thiếu nữ, chị đã là xe ôm tay ngang rồi. Ai kêu chở đâu thì chị chở đi. Khu chợ Ông Tạ trước đây nhiều hộ nghèo, chị chở không lấy tiền. Chị coi việc từ thiện như nghiệp chính của mình, nhiều lúc mải làm việc thiện còn lơ đãng cả việc nhà. Chị vui vẻ kể: “Lúc đầu ông xã cũng phật lòng. Nhưng chị nói riết rồi ổng theo luôn. Giờ ổng cũng làm việc thiện như mình”.

Chồng chị Lan làm thợ hồ, thu nhập mỗi ngày hơn 200 nghìn đồng. Chị có hai con, đều đã ra trường và có sự nghiệp riêng. Thu nhập của vợ chồng anh chị gần như dành hết vào việc thiện. Chị đang tính sửa hẳn cái nhà cấp bốn hai vợ chồng đang ở thành một quán cơm để bớt chi phí thuê địa điểm, dành tiền nấu thêm nhiều suất cơm để thêm nhiều suất phục vụ người nghèo. “Mình không phải vướng bận cơm áo gạo tiền là may hơn nhiều người rồi. Phải thương người khổ hơn mình chứ”, chị tâm sự.

Căn nhà của chị ở trên đường Phan Huy Ích từ lâu đã thành đại bản doanh của đội quân thiện nguyện Từ Tâm Nhân Ái do chị thành lập và làm nhóm trưởng. Nhóm gần 30 người, đủ mọi thành phần từ khắp nơi đến, coi nhau như người trong gia đình. Thành viên của nhóm không ai khá giả, hầu hết là công chức, sinh viên, người buôn bán nhỏ. Nhưng tất cả đều giàu tình thương và lòng nhân ái. Chị Lan vẫn thường nói vui rằng: “Chị giàu lắm nghen. Nhưng mà giàu tình cảm. Nhiều người biết và thương chị nên chị không bao giờ nghèo”.

Chị Hoàng, một cư dân khu phố tươi cười: “Ai chứ chị Lan là tụi tui ủng hộ hết mình. Mỗi lần có việc từ thiện gì đó, cả khu phố đóng tiền rất nhiều cùng chị Lan giúp người giúp đời. Mấy năm trước tui không có tiền cho con đi học cao đẳng, chị Lan đã lấy uy tín của mình để thuyết phục người ta cho tui vay. Mỗi lần đi đâu gặp những gia cảnh bi đát, tui về kể với chị Lan, chị đều tìm cách giúp đỡ. Ngược lại, mỗi lần chị Lan ngỏ lời phụ giúp ai, tụi tui đều nghĩ cách để giúp họ. Cuộc sống ai cũng có lúc này lúc kia, chỉ cần nghĩ cho nhau, giúp nhau tốt lên là vui rồi”.

Chi, một sinh viên ở ĐH Đồng Nai, mỗi tháng lên Sài Gòn hai lần để đi phát cơm từ thiện trong bệnh viện cùng với “má Lan”. Từ Đồng Nai, Chi phải bắt 3 tuyến xe buýt lên TP.HCM, đường sá xa xôi nên ngủ lại luôn ở nhà “má Lan”. Chi chia sẻ: “Em không có tiền thì em góp công. Cái quan trọng nhất là có một tấm lòng".

Nhiều thành viên khác của nhóm thiện nguyện, có người bán cơm ở Bến Tre, có người buông thúng bán bưng ở Trà Vinh… tất cả đều không giàu có nhưng cảm tấm lòng của chị Lan rồi tìm đến, cùng chị hành thiện. Dưới tay của “nữ tướng” xe ôm, mọi hoạt động thiện nguyện đều diễn ra trọn vẹn. Niềm tin dành cho thơm thảo đến với chị ngày một nhiều. Chi lại cười bảo, càng ngày càng… giàu có.

Chia sẻ về một câu chuyện cảm động trong hành trình làm việc thiện, chị Lan kể: Đó là lần làm cây cầu Kinh Đất Đỏ cho người dân xã Bình Thạnh, huyện Thạnh Phúc, Bến Tre vào năm ngoái. Cầu xây xong, có người hạnh phúc đến phát khóc vì vui mừng. Bà con xóm nghèo người góp gạo, người góp gà vịt làm một mâm cơm thết đãi nhóm từ thiện. Cơm vừa dọn lên bàn, đoàn thiện nguyện chưa kịp ăn cùng bà con thì phải đi vội vì cơn bão ập đến. Người dân chạy theo xe vừa vẫy tay tạm biệt vừa khóc nghẹn. Ở trong xe, nhóm thiện nguyện cũng nhìn nhau khóc, không nói nên lời. “Những giây phút xúc động quý giá như vậy không có tiền bạc nào mua được! Đó cũng là động lực cho chị thêm sức mạnh, thêm niềm tin để tiếp tục làm thiện nguyện. Xã hội vẫn còn bao người nghèo khổ đang chờ mình giúp”, chị nói.

Hoài Lê Giang (Tuổi trẻ & Đời sống)

Clip đang được xem nhiều nhất: Thêm clip bạo hành trẻ em gây phẫn nộ: Cha đẻ đánh đập dã man, tung chân đạp con gái nhỏ bay xa 2 mét!

Tag: lam tu thien , kiem tien lam tu thien , chay xe om lam tu thien , nu tuong chay xe om , lam tu thien , viec lam tu thien , lam viec nghia , tin , bao