9 điều nên biết về việc cho bé bú mẹ

Vì sao sữa mẹ lại là tốt nhất cho bé? Mẹ được hưởng lợi như thế nào khi cho bé bú? Và làm cách nào để khắc phục một số khó khăn thường gặp khi cho bé bú mẹ? Hãy tham khảo bài viết dưới đây nhé!

1. Khuyến cáo của tổ chức Y tế Thế giới

Tổ chức này đặc biệt khuyến khích việc các bà mẹ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời. Sau đó các mẹ có thể cho con dùng thêm thực phẩm bên ngoài trong chế độ tập cho bé ăn dặm, tuy nhiên việc bú mẹ vẫn nên được tiếp tục cho đến khi bé 2 tuổi hoặc hơn. Ngoài ra theo các chuyên gia y tế, việc cho bé bú mẹ cần được thực hiện trong vòng 1 giờ kể từ khi bé chào đời; bé cần được cho bú bất cứ khi nào có nhu cầu – bất kể ngày hay đêm và cần tránh bú bình hoặc dùng ti giả.

2. Lợi ích sức khỏe ngắn hạn cho bé

Sữa mẹ là nguồn thức ăn lý tưởng cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 năm tuổi – nó cung cấp đủ mọi dưỡng chất bé cần để phát triển khỏe mạnh. An toàn và chứa nhiều kháng thể, sữa mẹ sẽ giúp bảo vệ bé khỏi những bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ như tiêu chảy và và viêm phổi – 2 nguyên nhân chính gây tử vong trẻ em trên toàn thế giới.

Cho con bú không chỉ đem lại nhiều lợi ích cho bé mà còn tốt cho sức khỏe của mẹ.

3. Lợi ích sức khỏe dài hạn cho bé

Ngoài những lợi ích ngắn hạn đã được nêu trên, nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng việc được nuôi bằng sữa mẹ có ảnh hưởng quan trọng đến sức khỏe của một người trong cả một quãng đường đời rất dài sau đó. Những người khi còn nhỏ được nuôi bằng sữa mẹ thường có huyết áp và mức cholesterol thấp hơn, ít bị béo phì và tiểu đường hơn những người được nuôi dưỡng bằng sữa công thức. Không chỉ vậy còn có một vài nghiên cứu cho thấy những người được nuôi bằng sữa mẹ có chỉ số IQ cao hơn.

4. Lợi ích sức khỏe cho mẹ

Thông thường khi nói đến việc nuôi con bằng sữa mẹ, người ta chỉ đề cập đến lợi ích của bé; tuy nhiên trên thực tế bản thân người mẹ cũng được hưởng lợi rất lớn từ việc này. Không chỉ giúp làm giảm nguy cơ ung thư vú và ung thư buồng trứng, nó còn giúp các mẹ nhanh chóng lấy lại cân nặng trước khi sinh và làm giảm tỉ lệ béo phì, thừa cân ở mẹ.

5. Vì sao không dùng sữa công thức?

Các loại sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh không chứa các kháng thể được tìm thấy trong sữa mẹ. Không những vậy, nếu không được pha đúng cách, dùng nguồn nước không đảm bảo hay bình pha sữa không được khử trùng tốt, sữa công thức thậm chí còn gây hại cho trẻ bởi sự hiện diện tiềm năng của vi khuẩn trong sữa bột – dẫn đến việc trẻ bị suy dinh dưỡng. Nếu vì một lý do nào đó bạn cho con dùng sữa công thức và sau đó trở lại dùng sữa mẹ thì nguồn sữa mẹ có thể sẽ bị thiếu hụt do cơ thể bạn không tiết ra đủ lượng sữa nữa.

6. Nếu mẹ cần trở lại làm việc?

Hãy vẫn tiếp tục cố gắng cho bé được uống sữa mẹ ngay cả khi bạn đi làm và không thể cho bé bú trực tiếp. Bạn có thể vắt sữa ra bình để bé ở nhà dùng, và nếu nơi làm việc không quá xa nhà bạn nên về buổi trưa để cho con bú. Nhiều người muốn nhanh chóng trở lại với công việc càng sớm càng tốt; tuy nhiên một bà mẹ cần ít nhất 4 tháng để hoàn toàn bình phục sau khi sinh và nuôi con bằng sữa mẹ.

7. Khó khăn khi cho con bú

Trong vài tuần đầu tiên bé bú, không ít các mẹ gặp trường hợp núm vú bị đau, nứt nhẹ gây cảm giác khó chịu. Nếu gặp trường hợp này, bạn không nên lo lắng bởi đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang dần thích nghi với việc cho con bú.

Tuy nhiên, nếu núm vú bị nứt nhiều, chảy máu hoặc có mụn nước thì bạn cần để ý hơn – nguyên nhân của các vấn đề này có thể do tư thế cho bé bú chưa đúng. Bạn cần chắc chắn rằng em bé ngậm miệng được cả vào khu vực quầng xung quanh chứ không chỉ núm vú – bởi nếu không bạn sẽ bị đau nhức nhiều và nứt núm vú. Với các bà mẹ trẻ, việc cho con bú là một cảm giác mới lạ và có thể có chút khó chịu, nhưng nếu bạn thấy quá khó chịu và chưa biết cách điều chỉnh tư thế, hãy tìm đến sự giúp đỡ của những người có kinh nghiệm quanh mình, chắc chắn họ sẽ rất vui lòng được giúp đỡ bạn đấy!

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, những trẻ bú mẹ thường có chỉ số IQ cao hơn.

8. Bé bị tưa lưỡi

Đây là tình trạng phổ biến ở phần lớn trẻ sơ sinh – gây ra bởi sự phát triển quá mức của một loại nấm trên lưỡi bé. Vấn đề là loại nấm này có thể dễ dàng lây lan qua núm vú của mẹ và gây ra nhiều đau đớn cho người mẹ. Nếu bạn đang trải qua những cơn đau dữ dội ở núm vú và không được cải thiện qua việc thay đổi tư thế cho bé bú thì bạn cần gặp bác sỹ để kiểm tra và điều trị hiện tượng tưa lưỡi của bé. Điều trị tưa lưỡi khá đơn giản, nhưng điều quan trọng là cả mẹ và bé cần được điều trị song song bởi nếu không bạn sẽ bị đi bị lại nhiều lần mà không dứt hẳn được.

9. Tắc ống dẫn sữa và viêm vú

Trong vài tháng đầu tiên nuôi con bằng sữa mẹ - khi nguồn sữa đang được thiết lập, không ít người bị ứ sữa và tắc ống dẫn sữa. Nếu bạn sờ thấy một cục cứng nhỏ trên ngực, có thể là một trong các ống dẫn sữa của bạn đang bị tắc. Ngoài ra nếu bạn bị sốt, đau nhức cơ thể và một vài dấu hiệu bất thường khác thì có thể ống sữa bị tắc đã gây nên tình trạng viêm vú.

Các ống dẫn sữa sẽ tự giãn ra mỗi lần bé bú mẹ, tuy nhiên có một vài mẹo để bạn đẩy nhanh quá trình này, giúp phòng tránh việc bị viêm vú:

- Nhẹ nhàng xoa bóp quanh bầu ngực với hai bàn tay của bạn – mát xa theo hướng sữa chảy về núm vú.

- Rang nóng ít gạo rồi cho vào một chiếc bít tất nhỏ, xoa nhẹ lên bầu ngực và khu vực xung quanh núm vú giữa mỗi lần cho bé bú. Tác động nhiệt sẽ có tác dụng rất lớn trong việc làm giãn các ống dẫn sữa, giúp thông lại chỗ bị tắc.

- Cho bé bú ở các tư thế khác nhau. Nếu có thể, bạn điều chỉnh cằm bé ngay dưới chỗ ống dẫn sữa bị tắc. Việc này sẽ hơi khó khăn một chút nhưng sẽ rất hiệu quả khi bé trực tiếp tác động vào chỗ ống dẫn sữa đó.

- Cố gắng nghỉ ngơi thật nhiều. Sức mạnh hệ thống miễn dịch của bạn liên quan trực tiếp đến khả năng phục hồi nhanh khi bạn bị tắc ống dẫn sữa và viêm vú.